Chuyện ở nơi nửa đêm nhiều người thức dậy đánh nhau với... cột nhà

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Với vai trò là người thân bất đắc dĩ, tận tình chăm sóc những người xa lạ và bệnh tật, thế nhưng những cán bộ điều trị cho người tâm thần luôn có nguy cơ bị người bệnh đánh bất cứ lúc nào.

Chuyện ở nơi nửa đêm nhiều người thức dậy đánh nhau với cột nhà

 Trung tâm bảo trợ xã hội TP. Cần Thơ nằm khá tách biệt với khu dân cư, cách trung tâm thành phố gần 20km về phía tây dọc theo bờ sông Hậu. Từ quốc lộ 91B, lối vào trung tâm là một con đường nhỏ xuyên qua bãi cỏ hoang, ít người qua lại.

Phía sau cánh cổng trung tâm, hơn 600 hoàn cảnh lang thang cơ nhỡ và bệnh tật đang được bảo trợ và chăm sóc. Đại đa số các trường hợp đến đây đều là bệnh nhân tâm thần, không có ý thức và khả năng lao động cũng như chăm sóc bản thân, một số trường hợp còn tàn tật, lở loét. Những người này luôn tiềm ẩn nguy cơ làm tổn thương bản thân và những người xung quanh, họ bị gia đình ruồng bỏ.

Người thân bỏ rơi, người dưng tận tình chăm sóc

Trung tâm không phải là một môi trường hoàn hảo, nhưng đối với những mảnh đời nằm dưới đáy xã hội thì phía sau cánh cổng này chắc chắn họ an toàn, ấm áp hơn ngoài kia rất nhiều. Vào đây, mọi người đều được khám sức khỏe tổng quát định kỳ, được chăm sóc y tế, được ăn mặc đầy đủ.

Chuyện ở nơi nửa đêm nhiều người thức dậy đánh nhau với... cột nhà - 1
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Đối với nhiều người, có lẽ chỉ khi vào trung tâm họ mới biết đến tắm rửa hay vệ sinh cá nhân, suốt quãng đời ngủ vỉa hè họ đã quên đi hoặc chưa từng biết đến những điều như thế. Mọi người khi được chăm sóc ở trung tâm đều có đầu tóc gọn gàng, quần áo đầy đủ, khác hẳn sự bù xù, rách rưới khi ở bên ngoài.

Thế nhưng, để bớt đi sự đau khổ, thiệt thòi cho bệnh nhân, phía sau cánh cổng trung tâm, các y bác sĩ, cán bộ chăm sóc chưa từng kể chuyện họ phải bao lần lau mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu. 103 con người đang công tác ở đây, hằng ngày trên con đường vắng dẫn vào trung tâm gần như chỉ những con người này qua lại, con đường dẫn vào nơi mà thậm chí thân nhân của bệnh nhân cũng chẳng muốn bước đến.

Chuyện ở nơi nửa đêm nhiều người thức dậy đánh nhau với... cột nhà - 2
Bệnh nhân chờ phát thuốc.

Theo chia sẻ của Giám đốc trung tâm Huỳnh Văn Sánh, thời điểm thành lập trung tâm cách đây 16 năm, lúc đó mức lương thực lĩnh của cán bộ chưa đến 400 nghìn đồng mỗi tháng. Công việc áp lực, vất vả và thậm chí nguy hiểm là vậy nhưng đến nay mức lương cán bộ công nhân viên trung tâm cũng chỉ dao động quanh mức 5 triệu đồng.

"Anh em chăm sóc bệnh nhân luôn có nguy cơ bị đánh, dù đã luôn cảnh giác và phòng bị nhưng nguy cơ thì lúc nào cũng tiềm tàng. Hơn một trăm con người ở đây, không ai chưa từng bị bệnh nhân đánh, không nặng thì nhẹ, bản thân tôi cũng từng bị cắn và bị đánh vào đầu. Tuyển cán bộ rất khó khăn, hầu như người ta chỉ chưa hết một tuần thử việc là đã nghỉ". Vừa nói, ông Sánh vừa chỉ cho PV xem dấu vết ông từng bị cắn vào tay, vị giám đốc cũng lật cuốn số thống kê dài dằng dặc những cái tên đã từng đến thử việc nhưng rồi không ở lại.

"Là quản lý, tôi không sợ khó, không sợ khổ mà chỉ sợ anh em có kinh nghiệm và yêu, gắn bó với nghề đang dần đến tuổi nghỉ hưu, tuyển được người thay họ là vô cùng khó. Những người tồn tại được ở đây thực sự đều phải yêu nghề và yêu người, không như thế thì họ ra ngoài tìm việc khác cả rồi", vị giám đốc bùi ngùi chia sẻ.

Chuyện ở nơi nửa đêm nhiều người thức dậy đánh nhau với... cột nhà - 3
Giám đốc trung tâm Huỳnh Văn Sánh trao đổi với PV.

Vừa kể chuyện, vị giám đốc vừa đưa PV đi tham quan khu chăm sóc bệnh nhân. Khuôn viên trung tâm không lớn, dường như ông Sánh biết rõ hoàn cảnh từng người đang được chăm sóc ở đây.

Chỉ tay về một bệnh nhân có điệu bộ tỉnh táo hơn những người bên cạnh, ông Sánh thở dài nói: "Trường hợp này tên A. sống lang thang, được mấy anh công an thành phố bàn giao cho trung tâm hồi năm ngoái, chỉ bị tâm thần nhẹ, có thể điều trị ngoại trú. Trung tâm đã xác định được người nhà, thế nhưng khi đưa về địa phương bàn giao thì gia đình lại không nhận, bệnh nhân lại được đưa quay lại trung tâm chăm sóc".

Đi bộ qua mấy khu chăm sóc, không ít trường hợp như A. được ông Sánh nhắc tên. Có nhiều người đã gần khỏi bệnh, có thể giao tiếp, giới thiệu bản thân bình thường, có thể nhớ rõ tên cha mẹ, làng ấp. Thế nhưng họ vẫn đang phải ở đây.

Cán bộ có thể bị đánh

Khu chăm sóc được chia thành buồng nam, buồng nữ và buồng cho các trường hợp bệnh nặng. Mỗi ngày bệnh nhân được cho tắm rửa vệ sinh cá nhân vào buổi sáng, được ăn 3 bữa, phát thuốc hai cữ và được vận động thể dục vật lý trị liệu.

Chuyện ở nơi nửa đêm nhiều người thức dậy đánh nhau với... cột nhà - 4
Bệnh nhân được chăm sóc tận tình từng bữa ăn giấc ngủ.

Những trường hợp bệnh đã thuyên giảm sẽ được đưa qua khu trị liệu phục hồi chức năng. Những trường hợp bệnh nặng sẽ được chuyển qua khu theo dõi tích cực để vừa đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và những người xung quanh cũng như cơ sở vật chất.

Vào cuối giờ chiều, 3 cán bộ chăm sóc đang phát cơm cho hơn 20 bệnh nhân trong một phòng bệnh nhân nữ. Hai cán bộ khác đang dùng thìa đút cơm cho một trường hợp mất ý thức. Bệnh nhân liên tục vùng vằng, la hét không chịu ăn.

"Nào, ăn một thìa nữa là thôi, nuốt đi nào…", lời một cán bộ trạc tuổi 30 đang dỗ dành bệnh nhân chừng 60 tuổi. Ngôn ngữ và hành động không khác nào một cô giáo mầm non đang dỗ dành trẻ.

Chuyện ở nơi nửa đêm nhiều người thức dậy đánh nhau với... cột nhà - 5
Bệnh nhân ở đây có đủ lứa tuổi, thành phần.

Nằm cuối dãy nhà là khu chăm sóc, theo dõi tích cực cho các trường hợp bệnh nặng. Trong phòng có hơn 10 bệnh nhân, có người hoang tưởng nặng, có người phải thở khí dung, có người liệt chi nằm một chỗ. Năm giờ chiều, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hiền đang đi thăm khám một lượt cuối ca trực.

Cúi xuống cạnh một trường hợp bệnh nhân có nhiều thương tích, vị bác sĩ ôn tồn trò chuyện. "Đỡ đau chưa, sao hôm qua lại đánh nhau. Hứa từ nay không đánh nhau nữa là phải giữ lời đấy nhé…", vừa trò chuyện bác sĩ vừa kiểm tra vết thương và thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ Hiền cho biết bệnh nhân này mới được tiếp nhận về, bị hoang tưởng nặng, trước đó một ngày đã lên cơn đánh nhau với cột nhà, dù cán bộ đã lập tức đến khống chế nhưng chân tay vẫn bị trầy xước.

Chuyện ở nơi nửa đêm nhiều người thức dậy đánh nhau với... cột nhà - 6
Bệnh nhân chuẩn bị thể dục nhưng phải có 2 "cảnh sát" canh 2 bên.

"Họ có đau chỗ nào trong cơ thể thì cũng không biết mô tả hay kêu la gì, chỉ khi có triệu chứng thể hiện ra bên ngoài các bác sĩ mới biết được, lúc này bệnh đã trở nặng. Khi khám bệnh họ cũng không hợp tác, thao tác chẩn bệnh rất khó khăn. Có khi bệnh nhân đang rất bình thường để cho bác sĩ thăm khám rồi đột xuất họ lên cơn tấn công bất ngờ, dù có bảo vệ đi cùng có lúc cũng không phản ứng kịp", bác sĩ Hiền chia sẻ.

Thế nhưng theo mọi người ở đây, vất vả nhất đối với cán bộ trung tâm là khi bệnh nhân phát bệnh nặng, phải đưa ra các bệnh viện tuyến điều trị. Bệnh viện yêu cầu bệnh nhân phải có người giám hộ đi cùng mới cho nhập viện, lúc này cán bộ trung tâm trở thành người nhà bệnh nhân bất đắc dĩ.

Chuyện ở nơi nửa đêm nhiều người thức dậy đánh nhau với... cột nhà - 7

Dù là tâm thần, bệnh tật nhưng bệnh nhân được cán bộ ở đây chăm sóc rất tận tình, sạch sẽ.

"Trung bình mỗi tháng có khoảng 15 lượt trường hợp phải đưa ra bệnh viện tuyến điều trị. Có những lần anh em phải thay nhau túc trực mười mấy ngày trời. Bệnh nhân lở loét, bại liệt nên những chuyện như lau dọn, tắm rửa, đổ bô cho bệnh nhân là anh em đều phải làm cả", ông Huỳnh Trọng Hiếu, nhân viên ban chăm sóc ca bệnh nặng của trung tâm chia sẻ.

Mọi góc nhỏ của trung tâm đều cần được giám sát sát sao bằng việc có nhân viên thường xuyên túc trực. Đồ đạc trong phòng chăm sóc luôn phải tối giản nhất vì đối với bệnh nhân tâm thần thì mọi thứ cầm nắm được đều có thể biến thành vũ khí.

Sau mỗi lượt thăm khám, vệ sinh thân thể cho bệnh nhân hay cho bệnh nhân ăn xong thì quần áo của bác sĩ và cán bộ cũng đã lấm lem, mồ hôi ướt đầm, thậm chí là cơ thể trầy xước. Bị người thân ruồng bỏ, nhưng khi vào đây, mọi hoàn cảnh đều được quan tâm, chăm sóc ân cần. Các bác sĩ, cán bộ trong trung tâm bảo trợ xã hội vẫn âm thầm, lặng lẽ nhận thiệt thòi về mình để xua bớt đi sự bất hạnh mà số phận đã đày đọa lên người bệnh.