Đà Nẵng

Chuyện những người khuyết tật nhặt rác cho... người lành lặn

Hoài Sơn

(Dân trí) - Một nhóm những người khuyết tật vốn rất khó khăn trong việc vận động, đi lại. Thế nhưng điều đó không cản trở họ góp sức nhau đi nhặt rác để bảo vệ môi trường.

"Đội quân" làm sạch các "điểm đen"

Được thành lập từ năm 2019, đến nay nhóm Hòa Nhập Xanh đã có khoảng 20 thành viên, trong đó có người khuyết tật và những bạn trẻ yêu môi trường. Họ tự trang bị các thiết bị chuyên dụng để phục vụ cho các hoạt động tình nguyện của mình.

Nói về ý tưởng khởi tạo nhóm, anh Mai Huỳnh Quốc Thống (34 tuổi) cho biết ý tưởng lập nhóm đã được anh ấp ủ từ lâu, nhưng còn nhiều e ngại nên vẫn chần chừ. Đến giữa năm 2019, được sự hưởng ứng của nhiều anh chị cùng cảnh ngộ, anh mới mạnh dạn thành lập.

Chuyện những người khuyết tật nhặt rác cho... người lành lặn - 1

Nhóm Hòa Nhập Xanh có khoảng 20 thành viên, trong đó có người khuyết tật và những bạn trẻ yêu môi trường.

Thành viên của nhóm có bạn khuyết tật tay chân, có bạn khuyết tật nghe nhìn… nhưng tất cả đều có điểm chung là yêu môi trường và muốn được cống hiến. Dù gặp một số khó khăn nhưng hầu hết các bạn đều rất năng nổ, nhiệt tình trong mọi hoạt động vì môi trường.

"Chúng tôi nhặt rác ngoài bảo vệ môi trường còn giúp những người khuyết tật quên đi mặc cảm, tự ti và sống lành mạnh hơn trong cuộc sống", anh Thống trải lòng.

Chuyện những người khuyết tật nhặt rác cho... người lành lặn - 2

Đều đặn 7h sáng chủ nhật hàng tuần, các thành viên tập trung ra quân nhặt rác.

Từ khi thành lập đến nay, nhóm Hòa Nhập Xanh đã tổ chức và tham gia hàng trăm buổi dọn rác tại các bãi biển và khu vực công cộng tại Đà Nẵng.

Đều đặn 7h sáng chủ nhật hàng tuần, các thành viên sẽ tập trung ra quân đi "đánh rác" tại các "điểm đen". Từ bãi biển Nguyễn Tất Thành, Mân Thái cho đến âu thuyền Thọ Quang, bán đảo Sơn Trà... đều đã in hằn dấu chân họ.

Chuyện những người khuyết tật nhặt rác cho... người lành lặn - 3

Khó khăn trong việc vận động, đi lại… không ngăn được các thành viên nhóm Hòa Nhập xanh góp sức bảo vệ môi trường.

Rác sau khi nhặt được nhóm phân loại ngay tại chỗ và đưa về đúng nơi tập kết để mang đi xử lý. Riêng những loại có thể tái chế như giấy, vỏ lon… sẽ được thu gom bán gây quỹ, mua găng tay bảo hộ, mũ, dụng cụ gắp rác cho mọi người.

Tàn nhưng không phế

Chị Đặng Thị Mỹ Trinh (40 tuổi) - một trong những thành viên tham gia nhóm từ những ngày đầu thành lập - chia sẻ bản thân chị bị khuyết tật vận động bẩm sinh. Thế nhưng từ 3 năm nay, chị vẫn đều đặn tự đạp xe đến điểm nhặt rác mỗi cuối tuần.

Người khuyết tật dọn rác cho người lành lặn ở Đà Nẵng -Hoài Sơn - 4.jpg

Các thành viên trong nhóm ngoài những người khuyết tật còn có các bạn trẻ yêu môi trường.

Khó khăn lớn nhất là ở những điểm nhiều rác luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ kim tiêm. Vì vậy, mọi người luôn nhắc nhở nhau phải trang bị bảo hộ an toàn, bảo vệ bản thân trong mỗi lần dọn rác.

"Sức khỏe của tôi yếu, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ vì đây là việc tôi muốn đóng góp cho cộng đồng. Qua việc này, tôi cũng muốn minh chứng cho mọi người thấy tôi "tàn nhưng không phế", chị Trinh bộc bạch.

Chuyện những người khuyết tật nhặt rác cho... người lành lặn - 5

Nhóm đã tổ chức hàng trăm buổi dọn rác tại các bãi biển và khu vực công cộng tại Đà Nẵng.

Cũng là một người khuyết tật tham gia nhóm từ những ngày đầu tiên, anh Nguyễn Anh Thìn (34 tuổi) cho hay những ngày đầu đi dọn rác, một số người dân nhìn theo các thành viên trong nhóm với ánh mắt ái ngại. Nhưng dần dà, từ lạ lẫm chuyển thành thân quen, ý thức của họ cũng dần thay đổi.

Giờ đây, mỗi khi thấy nhóm xuất hiện thì nhiều người đi tập thể dục cũng tiện tay nhặt chai nhựa, hộp xốp, túi nilon... trên bãi biển cho vào bao rác.

Chuyện những người khuyết tật nhặt rác cho... người lành lặn - 6

Họ được mọi người ví như "đội quân" làm sạch các "điểm đen" ở Đà Nẵng.

"Những người khuyết tật lại phải đi nhặt cả rác do những người bình thường thải ra. Đôi lúc cũng hơi buồn, nhưng không sao. Thông qua hoạt động này, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp người khuyết tật vẫn góp sức bảo vệ môi trường, từ đó kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường", anh Thìn chia sẻ.