Nghệ An:

Chuyện người làng Bút Lĩnh

(Dân trí) - Làng Bút Lĩnh hay còn gọi làng Bút (thuộc xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu) được biết đến là một làng làm nghề thợ xây có tiếng ở Nghệ An. Các công trình thợ làng Bút xây dựng như nhà ở, trường học, trạm y tế, đường giao thông, hệ thống kênh mương... đã vượt ra ranh giới của một vùng, một địa phương.


Hình ảnh người phụ nữ tham gia xây dựng nhà cửa đã không còn là hiếm hoi ở làng Bút Lĩnh (Nghệ An)

Hình ảnh người phụ nữ tham gia xây dựng nhà cửa đã không còn là hiếm hoi ở làng Bút Lĩnh (Nghệ An)

Duyên nghiệp

6 giờ sáng, các tốp thợ đứng đợi nhau ở một điểm hẹn đã quy ước từ trước. Khi đã đông đủ mọi người họ bắt đầu lên đường đi về các ngả.

Ông Nguyễn Đình Thế (ngụ xóm 4, Bút Lĩnh, An Hòa) người đã từng 23 năm bươn chải trong nghề chia sẻ: “Tính sơ sơ làng Bút cũng có trên 30 tổ thợ lớn, nhỏ. Lực lượng chính theo nghề là cánh đàn ông, còn phụ nữ họ thường tham gia vào những lúc nông nhàn, nhưng chủ yếu làm phụ hồ”.

Chị Hồ Thị Trầm đang thoăn thoắt đặt những viên sò lên xây.
Chị Hồ Thị Trầm đang thoăn thoắt đặt những viên sò lên xây.

Cũng theo ông Thế, hầu hết các tổ thợ đều là anh em, bạn bè, chòm xóm với nhau, nhiều trường hợp vợ con xin theo phụ giúp. Như tổ của ông có 20 người thì đã có 5 cặp vợ chồng.

môi trường làm việc chủ yếu ngoài trời nắng nóng, bụi đất đá, tiếng ồn, độ cao... nên những người thợ xây lúc nào trông cũng lấm lem. Ai cũng có nước da đen giòn, đôi tay và đôi bàn chân thô kệch. Họ làm việc quần quật từ lúc tờ mờ sáng, tranh thủ ăn uống, ngủ nghỉ chốc lát vào buổi trưa, rồi lại bắt tay vào giờ làm việc buổi chiều. Hầu hết họ được các chủ thầu nhận vào làm mà không hề có hợp đồng lao động hay bất kỳ loại bảo hiểm nào.

Lau mồ hôi đang chảy ròng ròng trên mặt, anh Nguyễn Ngọc Thủy (xóm 1, Bút Lĩnh, An Hòa) tâm sự: “Biết là nghề vất vả, nặng nhọc nhưng với người ít chữ nghĩa như mình biết làm việc gì hơn. Chỗ làm gần thì tối còn được về nhà, chứ công trình mà ở xa thì còn thiếu thốn trăm bề...”.

Hiện nay, thợ chính được trả với mức 180 - 200 ngàn đồng/công, thợ phụ là 140 - 160 ngàn đồng/công. Tuy nhiên, không phải ngày nào thợ xây cũng có việc. Mùa khô trung bình một tháng họ làm khoảng 20 - 25 ngày, còn mùa mưa có khi nghỉ cả tháng.

Thợ xây - đâu cứ phải mày râu?

Nhóm thợ của anh Nguyễn Văn Tiến (40 tuổi, ngụ xóm 2, Bút Lĩnh, An Hòa, Quỳnh Lưu) có 14 tay thợ thì riêng phụ nữ là 5 người. Điều đáng nói là tất cả các chị em ở đây, dù là người đã có thâm niên hay chỉ mới chập chững bước chân vào nghề cũng đều có thể làm được những công việc nặng nhọc của đàn ông.

Trong bộ đồ lao động trùm kín mít, chỉ để hở ra đôi con mắt, chị Hồ Thị Trầm (42 tuổi, ngụ xóm 2, Bút Lĩnh) vừa ngắm hướng, vừa thoăn thoắt đặt những viên sò lên xây.


Nhiều khi làm ở trên cao nhưng bảo hộ lao động không có, khá nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn bất chấp cố gắng hoàn thành công trình. Hình ảnh thiếu an toàn thế này hi vọng những người lao động tham gia công việc này cần có đầy đủ đồ bảo hộ để đảm bảo cho công trình cũng như bản thân.

Nhiều khi làm ở trên cao nhưng bảo hộ lao động không có, khá nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn "bất chấp" cố gắng hoàn thành công trình. Hình ảnh thiếu an toàn thế này hi vọng những người lao động tham gia công việc này cần có đầy đủ đồ bảo hộ để đảm bảo cho công trình cũng như bản thân.

Chị tâm sự: “Mình theo nghề đã 15 năm nay nhưng trước chỉ toàn phụ hồ cho cánh đàn ông xây thôi. Mãi sau này mình nghĩ, đàn ông họ làm được thì đàn bà cũng làm được, nên quyết định cầm lấy cái bay (địa phương gọi là bai) tập tành”.

Đó là câu chuyện của 7 năm trở về trước, còn bây giờ chị Trầm đã có thể làm được mọi việc của một người thợ chính như xây, làm da, lăn sơn, cắt lát gạch...

Trong nhóm của anh Tiến, vợ anh là chị Nguyễn Thị Thủy (39 tuổi) cũng có tay nghề không thua kém gì người chị dâu. Hơn 10 năm theo chồng làm nghề thợ xây thì đã có năm, sáu năm chị cáng đáng những phần việc vốn được xem chỉ dành riêng cho đấng mày râu.

“Dù là công trình gì thì xây móng vẫn là phần việc nặng nhọc nhất. Mình vừa làm, vừa học hỏi những người đi trước, rồi tự rút kinh nghiệm cho mình. Làm nhiều thì sẽ lên tay thôi”, chị Thủy chia sẻ.

Cạnh bên chị Thủy là người chị ruột Nguyễn Thị Lợi cũng đang thoăn thoắt tay bay. Còn người em gái của hai chị là Nguyễn Thị Bảy mới đi làm thì nhận việc phụ hồ. Mỗi người mỗi việc, cứ như thế những bức tường vuông vức, vững chãi được dựng lên bởi bàn tay khéo léo của người thợ.

Chủ thầu Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: “Nghề này với đàn ông đã nặng nhọc, huống chi là đàn bà. Thế nhưng trong nhóm của tôi nhiều chị làm ngang với đàn ông, từ phụ hồ, làm cốt pha, đến xây, cắt lát gạch... Nói chung họ rất linh động trong mọi việc, siêng năng, bền bỉ và không bao giờ sa vào rượu chè như một số đàn ông”.

Nhọc nhằn, cơ cực là vậy nhưng những “ong thợ” của làng Bút Lĩnh vẫn ngày ngày miệt mài “xây tiếng hát vui” cho đời. Mỗi một công trình được xây dựng lên, mỗi một ngôi nhà được khánh thành đều thấm đẫm bao giọt mồ hôi, công sức của họ. Và “niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới” chính là động lực để họ dám sống với nghề!

Bút Lĩnh - một trong những ngôi làng thuộc xã An Hòa (Quỳnh Lưu, Nghệ An), trước đây người dân sống bằng nghề thuần nông. Sau này làng có thêm nghề xây dựng, do những người con của làng học hỏi được trên bước đường mưu sinh. Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nghề phát triển cầm chừng với hình thức làm ăn chung (mọi người trong nhóm cùng nhận một công trình, tiền công thu được sẽ chia đều cho tất cả). Tới nay, ở Bút Lĩnh đã có rất nhiều người dân cả nam và nữ tham gia nghề xây dựng.

Nguyễn Hòe