Chuyện khó tin: Che ri đô tắm ở hành lang khu tập thể Hà Nội
'Do căn nhà quá chật, không thể cơi nới nên bà Nh. phải thiết kế một nhà tắm ở ngay hành lang. Hằng ngày việc tắm rửa, giặt giũ của gia đình bà đều diễn ra ở nhà tắm bất đắc dĩ này', bà Huê cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thơ (50 tuổi, phòng 309, khu tập thể thuốc lá Thăng Long) cho biết, khu tập thể cũ được xây dựng từ những năm 1960, thiết kế dành cho công nhân. Mỗi tầng có 34 căn hộ nhưng chỉ có một khu tắm giặt chung với 2 phòng tắm riêng.
"2 phòng tắm (1 nam, 1 nữ) sử dụng cho 34 hộ. Nếu tính trung bình mỗi hộ có 3 người thì tổng cộng cả tầng có hơn 100 người sinh sống và chung nhau 2 nhà tắm.
Vì vậy ở khu tập thể này, chuyện tắm giặt luôn khiến cả tầng nhốn nháo. Người bên trong đang tắm, người ngoài đã giục giã, la ó. Có khi cả chuyện ghen tuông, mắng nhiếc nhau cũng xuất phát từ nhà tắm này”, bà Thơ kể.
Bà Thơ nhớ lại một vụ ghen tuông từng xảy ra ở đây. “Lần đó, ở khu tập thể có người phụ nữ tên Lan, cô ta không quá xinh đẹp nhưng lại thích ăn mặc hở hang.
Mỗi buổi đi tắm giặt, Lan thường mặc áo hai dây, quần ngắn đi đi lại lại ở khu nhà tắm để gây chú ý. Những người đàn ông ở khu tập thể cứ "mắt tròn mắt dẹt" ngắm nghía, bình luận. Chẳng may, một lần Lan vừa đi ra nhà tắm thì bị ngã. Người đàn ông đi sau thấy vậy chạy lại đỡ Lan dậy rồi hỏi han. Không ngờ, người vợ từ trong nhà đi ra thấy cảnh đó nên ghen tuông ầm ĩ”, bà Thơ kể.
Vẫn theo bà Thơ: “Lần khác, một bà cụ đứng xếp hàng khá lâu mà vẫn chưa đến lượt. Bực mình, bà cụ không chịu về nhà mà cứ đứng trước nhà tắm nữ để chửi. Bà chửi ầm ĩ cả khu tập thể, khiến người hàng xóm đang tắm bên trong không dám bước ra vì xấu hổ. Sau chuyện đó, hễ bà cụ đi tắm là mọi người lại ‘nhường’ để bà tắm trước vì không muốn rắc rối”.
Một chuyện hi hữu khác cũng từng khiến khu tập thể xôn xao. “Đó là lần cô gái trẻ tên Ngọc, người đến thuê trọ ở đây phải chờ đợi đến khuya mới đến lượt cô vào tắm. Chẳng ngờ, khi Ngọc vừa bước vào bên trong được ít phút thì nghe tiếng động ở phía ngoài. Cô nhìn phía cửa sổ bên cạnh thì kinh hoàng thấy nửa khuôn mặt đàn ông đang nhìn mình. Theo phản xạ, Ngọc hét lên, hất ca nước nóng về phía gã đàn ông rội vội quấn đồ chạy thẳng về phòng”, bà Thơ ngán ngẩm kể.
Sau hôm đó, Ngọc phải đi thuê trọ ở nơi khác còn những cô gái là con của các hộ dân ở đây thì mỗi lần đi tắm thường phải có người nhà đi cùng để canh gác, bảo vệ hoặc họ thường tranh thủ tận dụng tắm rửa, vệ sinh ngay ở cơ quan.
Theo bà Võ Kim Huê (89 tuổi, phòng 203, khu tập thể thuốc lá Thăng Long), trước đây, khi nước chưa được đưa về tận các phòng thì cuộc sống của người dân rất bất tiện. Khi vấn đề nước được cải thiện thì mọi người đã tận dụng cơi nới thêm khoảng trống trong nhà để làm nơi tắm giặt và vệ sinh. Vì vậy chuyện cãi cọ, xô xát ở khu tập thể cũ cũng giảm hẳn.
Nhìn về phía cuối hành lang, bà Huê chia sẻ về một hộ dân có nhà chật nhưng đông con. Họ không chịu được cảnh chờ đợi để tắm giặt nên đã phải cơi nới hành lang của khu tập thể làm nhà tắm riêng cho gia đình.
“Nhà tắm này là của gia đình bà Nh. Do căn hộ nhà bà Nh. quá nhỏ, không thể cơi nới thêm nên phải thiết kế một nhà tắm ngay ở hành lang. Hằng ngày việc tắm rửa, giặt giũ của gia đình bà đều diễn ra ở nhà tắm bất đắc dĩ này”, bà Huê cho hay.
“Nói là nhà tắm nhưng không giống một nhà tắm bình thường. Nó khá hớ hênh, phía bên cạnh để một chiếc tủ gỗ nhỏ đựng gia vị nấu nướng, phía trước không có cửa. Họ chỉ làm một chiếc ri đô để che tạm mỗi khi tắm”, bà Huê nhấn mạnh.
Tuy nhiên bà Huê cũng cho biết, chỉ vì nhà tắm tạm bợ này mà không biết bao lần gia đình bà Nh. phải xin lỗi hàng xóm vì những bất tiện gây ra.
“Có lần, tôi đang ăn cơm thì có một người dân ở tầng một chạy lên đập cửa. Chị ta nói tôi sống lâu năm nên góp ý với bà Nh. hãy phá chiếc nhà tắm. Theo chị ấy, nước thải từ chiếc nhà tắm này quá bẩn, gây mất vệ sinh cho các hộ dân ở phía dưới.
Từ nhỏ nhẹ, chị ta chuyển sang hùng hổ quát mắng. Sau nhiều lần hòa giải, chị ta mới đồng ý cho bà Nh. giữ lại nhà tắm với điều kiện phải đảm bảo vệ sinh”, bà Huê nhớ lại.
Nhắc đến nhà tắm của khu tập thể thuốc lá Thăng Long, chị Ngọc Nhung, một cư dân sống ở tầng 3 tòa C, cũng lắc đầu ngán ngẩm. Theo chị Nhung, sau khi cưới, hai vợ chồng chị mua được căn hộ tập thể này của người quen làm ở nhà máy.
“Căn hộ chật hẹp, đầy bất tiện nhưng những người ở quê lại cho rằng chúng tôi có nhà ở Hà Nội là giàu có, sung sướng. Vậy là có lần, một người họ hàng lên đây khám bệnh và xin ở lại nhà tôi.
Không ngờ, người này vừa mệt vì bệnh tật lại phải xếp hàng để đi tắm, tắm chưa xong bị giục ra nên vô cùng khiếp sợ. Hôm sau, họ vội vàng xin phép về quê.
Về quê, người họ hàng này tung tin cho mọi người về cảnh sống khổ cực của nhà tôi với cả làng. Mẹ tôi ở quê gọi điện thoại lên khóc lóc kể sự tình. Tôi nghe xong lòng nặng trĩu nhưng cũng phải chấp nhận vì làm gì có tiền để chuyển đi nơi khác”, chị Nhung kể.
(Còn nữa)
Theo Vietnamnet