Chuyên gia chỉ cách hay chế ngự cơn buồn ngủ khi lái xe trên đường
(Dân trí) - Từ vụ tài xế ngủ gật gây tai nạn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyên gia đưa ra 3 phương pháp cần ghi nhớ khi lái xe trên đường.
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Hoài (27 tuổi, trú xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ) để điều tra tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Trước đó, Hoài lái xe tải chở gạo, rau, củ quả đi bỏ mối tại phường Mỹ Xuân (thị xã Phú Mỹ), hướng từ huyện Châu Đức ra quốc lộ 51.
Khi đến khu vực xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, xe tải lấn làn và tông vào bên trái ô tô 16 chỗ đang chạy ngược chiều khiến 2 người tử vong. Hoài khai nhận, thời điểm xảy ra tai nạn đã ngủ gật nên lái xe tải lấn sang làn đường đối diện gây ra tai nạn thảm khốc.
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do tài xế buồn ngủ, thiếu tỉnh táo khi tham gia giao thông. Từ vụ việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu và những vụ việc tai nạn xảy ra do tài xế ngủ gật, ông Đặng Trí Dũng (45 tuổi, phụ trách mảng tuyển sinh đào tạo lái xe OHO Drivercar, Trung tâm Anh ngữ OHO Kingdom) đã chia sẻ 3 cách đơn giản giúp tài xế lái xe tỉnh táo.
Theo ông Dũng, nếu buồn ngủ, đầu tiên tài xế cần tấp vào lề đường chợp mắt khoảng 7-10 phút.
"Trước khi gục xuống vô lăng hay mắt díu lại, các tài xế đều có một số dấu hiệu như mệt mỏi, ngáp ngủ, mắt không linh hoạt… Vì vậy, khi thấy những dấu hiệu này tài xế hãy tấp vào lề đường nghỉ ít phút", ông Đặng Trí Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu đang lái xe trên cao tốc thì việc tấp vào lề đường ngủ không phải là điều dễ dàng. Theo ông Dũng, khi đó tài xế có thể áp dụng cách thứ hai là hạ cửa kính xuống.
"Tài xế hãy hạ 4 cửa kính xuống 7-10 phút, sau đó uống nước, uống 1-3 ngụm nhỏ. Việc hạ kính xe xuống nhằm lưu thông không khí trong xe và làm tinh thần phấn chấn. Tốc độ trên cao tốc là 60-120km/h, tài xế có thể chạy ở mức cho phép 60km/h.
Nếu có kẹo cao su thì hãy đem ra ăn một vài viên. Hoạt động nhai sẽ đánh lừa bộ não. Bạn có thể nhai kẹo cao su, bánh kẹo, trái cây…. Nếu không có những thứ ấy thì lấy giấy vò bỏ vào miệng nhai liên tục. Não sẽ không buồn ngủ nữa mà tập trung vào miệng.
Từ đó, bạn có thể đủ sức chạy thêm đến khu vực có thể tấp vào lề đường nghỉ ngơi chợp mắt cho tỉnh táo trước khi đi tiếp", ông Dũng nói.
Nhiều tài xế thường chia sẻ cách uống cà phê hoặc nước tăng lực để tỉnh táo. Theo ông Dũng, cách này không thực sự hiệu quả bởi thực tế có những vụ tai nạn xảy ra do tài xế sử dụng phương pháp này.
Phương pháp thứ ba, theo ông Dũng, trước khi chạy xe đường dài, tài xế nên chuẩn bị nước suối cùng vitamin B và C.
Theo ông Dũng, việc bổ sung vitamin B, C giúp tăng cường sức đề kháng và sức khỏe lái xe, giúp tinh thần lái xe tỉnh táo một cách tự nhiên, có nhiều ưu điểm hơn nước tăng lực. Nước tăng lực có hàm lượng đường rất nhiều, không tốt cho sức khỏe, tạo cảm giác "tỉnh táo cưỡng bức" nên lái xe sẽ dễ mệt mỏi khi sử dụng, còn vitamin thì không.
"Biện pháp này không nên dùng thường xuyên vì thức liên tục sẽ gây ức chế thần kinh. Tôi luôn dặn học viên của mình đây là phương pháp cuối cùng nếu đã sử dụng 2 phương pháp kia "bị nhờn", không hiệu quả. Tài xế đường dài cũng không nên lạm dụng phương pháp này.
Thi thoảng 2-3 ngày uống 1 lần để chạy xe thì được chứ không phải uống thường xuyên, nếu có thể nên tham khảo ý kiến của chuyên gia.
Với người bình thường tôi chỉ hướng dẫn 2 phương pháp đầu tiên, phương pháp này dành cho những lái xe thường xuyên di chuyển đặc biệt là lái xe đường dài", ông Đặng Trí Dũng chia sẻ.