Chuyện đời lạ kỳ của người 40 năm trông tử thi
Ẩn sau hành động tưởng như điên khùng, lập dị này lại là một mục đích vô cùng cao đẹp của ông là muốn trông giữ tử thi cho đến khi thân nhân của người xấu số tìm đến, phần là để người quá cố bớt hiu quạnh, phần là để tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy đến với tử thi.
Bát đũa cũng có khi xô, những người gần gũi hàng ngày còn có lúc giận hờn huống chi vợ chồng, âu cũng là lẽ thường; thế nhưng người bị vợ dọa li dị đến cả chục lần vẫn không mảy may lo lắng bởi cái việc “trông chừng người chết” chẳng giống ai thì trường hợp của ông Nhâm Văn Ý (SN 1947 ở tại tổ 3, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) quả là hiếm. Từ một ngã rẽ cuộc đời, với một tâm hồn thiện lương không gợi đục, cuộc đời bình dị của người đàn ông đặc biệt này cũng thật đáng kể lại.
Cũng ước chừng đến cả 40 năm nay, ông Nhâm Văn Ý đã làm một công việc có thể khiến nhiều người cho là gàn dở: “Trông chừng người chết”. Nhưng ẩn sau hành động tưởng như điên khùng, lập dị này lại là một mục đích vô cùng cao đẹp của ông là muốn trông giữ tử thi cho đến khi thân nhân của người xấu số tìm đến, phần là để người quá cố bớt hiu quạnh, phần là để tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy đến với tử thi.
Đời bình dị của “người đặc biệt”
Ai có dịp đi về khu vực ngã ba Quân Đoàn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình nếu chú ý sẽ thấy một ông lão cặm cụi bên những vụ tai nạn chết người để dọn xác vào quan tài. Mỗi lần khách lạ qua đường không may chết thảm, là đêm ấy ông không về ngủ với vợ mà nằm canh xác người chết cho đến tận buổi sáng ngày hôm sau. Ở phường Trung Sơn, có lẽ chẳng ai không biết đến ông Nhâm Văn Ý, và người đời cũng gắn cho ông khá nhiều biệt danh từ “Người trông người chết”, “Ông Ý tử thi” đến “Lão ông dọn xác”…
Một người bán hàng nước gần khu vực ngã ba Quân Đoàn cho biết: “Vợ ông Nhâm Văn Ý cũng bán hàng nước, nhiều lần bà ấy tâm sự mấy đêm liền ông ấy đi ngủ canh những xác chết đường, chết chợ, nói cũng không chịu dừng nên bà ấy đã bỏ sang nhà cậu con trai mấy ngày mà ông Ý vẫn không chịu về, lần này bà ấy bảo nhất định sẽ li dị. Nói là nói vậy thôi chứ tôi biết bà ấy thương, hiểu cái công việc không giống ai mà ông Ý đang làm, tâm của ông Ý thiện lắm”…
Lan man nghe người ngoài kể chuyện về ông Nhâm Văn Ý, chúng tôi quyết tìm đến nhà người đàn ông lạ kỳ này đúng vào giữa trưa. Chưa kịp giới thiệu về bản thân lẫn ý định tìm gặp, ông Nhâm Văn Ý đã tiếp lời trước: “May cho các anh đấy nhé, vì trời mưa nên tôi về sớm, không có giờ này tôi lại thang lang trên đường rồi, đến cũng chẳng gặp. Hôm qua tôi trông xác cả đêm, sáng ngày hôm nay gia đình họ mới đến nhận xác”. Chưa dứt câu thì vợ ông Nhâm Văn Ý ngồi ở đầu giường trông cháu ngoại nói: “Suốt ngày ông ấy chỉ biết có xác chết, xác chết, nói mãi vẫn không chịu bỏ cái công việc chẳng giống ai đấy đi cả”. Nói đến đấy thì ông Ý cười hiền và bảo với chúng tôi: “Thấy người lạ là bà nhà tôi lại mượn chuyện tỏ vẻ khó chịu đấy, cũng đến cả chục lần dọa tôi nếu không dừng là sẽ li dị mà có bỏ được đâu, bà ý hiểu cái tâm của tôi mà”…
Ngã rẽ mang tên số mệnh
Trong căn nhà tồi tàn, không có lấy một thứ có giá trị, nước mưa dột từ nóc nhà xuống làm cho nền nhà ướt sũng, mùi ẩm thấp xộc lên. Ông Nhâm Văn Ý vừa ăn cơm vừa giới thiệu về bản thân: “Tôi người quê lúa Thái Bình, từ nhỏ đã phải sống trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tuổi thơ phải lang thang phiêu bạt, đi ở đợ cho nhà người ta, làm đủ thứ việc, từ chăn trâu cắt cỏ đến bế trẻ. Năm 1968 thế kỷ trước, khi lệnh tổng động viên được phát đi, tôi xung phong lên đường nhập ngũ để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cũng chính tại nơi chiến trường ác liệt này duyên số run rủi cho tôi gặp người vợ Vũ Thị Non ở cùng quê. Nhà tôi và nhà cô ấy chỉ cách nhau có một con sông. Lần gặp đầu tiên là khi hành quân qua Quảng Bình, cô ấy cùng các thanh niên xung phong khác đang mở đường cho xe vào tiền tuyến. Ánh mắt người con gái ấy bỗng dưng làm xao xuyến trong lòng chàng trai quê lúa như tôi, sau thoáng chốc làm quen, xin tên và địa chỉ quên quán, đơn vị rồi lập tức tôi phải lên đường ngay cho kịp đơn vị. Từ đó tôi thường xuyên viết thư cho cô gái, sau một vài lần trao đổi thư từ tôi đã mạnh dạn viết rõ: “Nếu sau này gặp lại em, anh nhất định sẽ cưới em làm vợ!”.
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1977 chàng trai Nhâm Văn Ý trở về quê hương mong gặp lại người con gái bấy lâu cho thỏa những tháng năm nhung nhớ. Vừa về đến quê chàng trai liền qua sông tìm gặp người yêu nhưng không ngờ cô gái đã cùng gia đình chuyển đi nơi khác. Sau phút giây hụt hẫng, chàng trai quyết định tìm gặp cho bằng được người mình yêu. Cuối cùng ông trời không phụ lòng người, một người họ hàng đã mang lá thư của cô gái gửi đã lâu cho chàng trai Nhâm Văn Ý. Bóc vội thư thì biết được 9 năm qua cô gái tên Vũ Thị Non vẫn chờ đợi mình, hiện tại đang sinh sống cùng gia đình ở Ninh Bình. Sau mấy ngày thăm nom gia đình, chàng trai Nhâm Văn Ý quyết định khăn gói, tay mang theo lá thư đi Ninh Bình tìm người yêu.
Sau gần 1 tháng trời dò tìm theo địa chỉ, cuối cùng anh cũng tìm được nhà người yêu. Cầm lá thư - tín vật tình yêu trong tay, chàng trai cầu hôn cô gái, rồi xin cưới ngay trong tháng đó. Ngày mới cưới vợ, đôi vợ chồng được bố mẹ dựng cho túp lều ra ở riêng ngay cạnh đường tàu sát bên Bệnh viện thị xã Tam Điệp. Cũng từ ngày đó, chàng trai Nhâm Văn Ý không ngờ được rằng cuộc đời mình đã gắn với công việc chuyên đi gom nhặt xác chết. Nhiều đêm liền ông ngủ bên những tử thi để canh giữ những xác chết khỏi bị mất trộm đồ khiến cho bà Vũ Thị Non không bằng lòng nên thường trách chồng rằng: “Ông ấy yêu xác chết hơn vợ”.
Tâm thiện
Ông Nhâm Văn Ý chia sẻ rằng: “Công việc “trông chừng người chết” nó vận vào người của tôi vậy. Tôi không bỏ được nó, vì tôi không cam tâm nhìn những kẻ tham lam, độc ác trộm cắp đồ vật của người bị nạn, hoặc cố tình vứt xác phi tang khi đâm chết người trên đường”. Cách đây gần 40 năm ông Nhâm Văn Ý thấy một thai nhi để bên gốc cây ven đường, ngó qua ngó lại mà không thấy ai, đem về thì sợ người ta vu cho là ăn cướp nên ông cởi tấm áo đắp thêm cho đứa trẻ, rồi ngồi đó canh chừng cho đứa bé. Không ngờ bị ngủ quên mất, sáng hôm sau vẫn không thấy ai đến tìm. Lương tâm ông thấy cắn rứt và tội nghiệp cho linh hồn bé bỏng. Từ đó ông tự nguyện đi canh xác cho những người chết đường, chết chợ để chuộc lại lỗi lầm của mình, như thế ông sẽ thấy lòng mình được thanh thản hơn.
Cách đây đã lâu, vào lúc nửa đêm, một chiếc ôtô đã gây tai nạn đâm chết người ở khu vực Ao Cá ở thị xã Tam Điệp, Ninh Bình. Đêm hôm đó ông ngồi cạnh ngay bên cạnh thi thể người xấu số để trông chừng. Đúng trưa hôm sau, người nhà nạn nhân tới nhận xác ông mới yên tâm ra về. Cũng ngày hôm sau đó, cả đêm không thấy chồng về, bà Non đi tìm không được, rồi biết chuyện nên đã quyết định li dị ông, bỏ về sống cùng với bố mẹ đẻ. Mấy lần ông sang đón về thì bà trả lời: “Nếu ông còn tiếp tục làm cái công việc này tôi sẽ không bao giờ ở với ông nữa. Gia đình người thân cũng ra sức phản đối vì họ cho rằng làm cái việc ấy sẽ rất đen đủi, nhỡ đâu linh hồn người chết đi theo ám thì sao?”.
Ông gật đầu đồng ý đón vợ về, nhưng cứ mỗi lần đi làm về tối muộn thấy người tai nạn giao thông chết thảm, ông lại không nhẫn tâm bỏ người ta lại, thế là cả đêm hôm đó ông lại canh xác người chết. Khủng khiếp nhất trong ký ức của ông Nhâm Văn Ý có lẽ là vụ tai nạn xe ôtô, 12 người xấu số đều tử nạn, do những nạn nhân xấu số đều là những người ở xa như Phú Thọ, Quảng Ninh… nên việc báo cho người thân đến nhận xác cũng phải mất một hai ngày. Sau hai đêm mới có nhân thân đến nhận dạng và đưa những người tử nạn về, trong quãng thời gian ấy ông tự nguyện túc trực 24/24h để trông chừng tử thi.
Chuyện về ông Nhâm Văn Ý suốt 40 năm qua khiến cho người dân nơi đây đồn đại ông bị hâm, khùng. Dù gia cảnh túng thiếu, bản thân phải sống trong căn nhà lụp xụp, dột nát nhưng mỗi khi phát hiện những tử thi không có người thân thích, hay những nạn nhân bị tai nạn giao thông mà thân nhân chưa kịp đến nhận xác ông Ý lại tiếp tục công việc mà theo ông nói nó đã vận vào ông từ lâu. Với ông nỗi đau thương vì mất đi người thân không có gì bù đắp được, ông chỉ làm những việc đúng với lương tâm, chứ không mong được trả ơn.
Theo An ninh Thủ đô