Chuyện dạy con trong gia đình người Hà Nội có 3 con là giáo sư
Bề ngoài, Giáo sư Hàm và vợ có lối sống khác nhau nhưng cả hai đều có chung quan điểm dạy con rất tiến bộ.
Trong cuộc sống thường ngày, cụ bà Trần Thị Vân thường vấn khăn, mặc áo dài, nhuộm răng đen theo kiểu phụ nữ truyền thống thời phong kiến. Giáo sư Hàm mặc trang phục veston, đi giày da lịch lãm. Mặc dù, tác phong có khác nhau nhưng hai vợ chồng đều có chung tư tưởng tiến bộ trong việc giáo dục con.
Sau này, các con Giáo sư Hàm đều trở thành những trí thức. Trong đó có 3 người được phong hàm giáo sư. Có thể kể đến như: Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Dương Trọng Bái - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ Triết học Dương Thị Thoa (Lê Thi) - người kéo cờ đỏ sao vàng trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Giáo sư, bác sĩ Dương Thị Cương - nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương). Các người con còn lại là bác sĩ, nhà giáo hoặc công tác trong các lĩnh vực khác.
Buổi học trên căn gác của 9 cha con
Ngay từ khi các con còn nhỏ, Giáo sư Hàm luôn ý thức sâu xa trách nhiệm dạy dỗ các con, xây dựng một tổ ấm vẹn tròn.
Giáo sư dạy con cách giữ vệ sinh. Buổi sáng dùng bàn chải đánh răng, khi rửa mặt mỗi con một khăn mặt riêng. Trước khi ăn cơm phải rửa tay sạch sẽ.
‘Gia đình tôi có một nguyên tắc, dù sớm hay muộn nhưng nhất định phải có đủ cha mẹ và các con ngồi vào bàn, mới bắt đầu bữa cơm. Thường chúng tôi phải ăn đủ 2 bát cơm, khi ăn phải từ tốn, nhường nhịn nhau, thấy miếng ngon đừng gắp liên hồi, chan canh thì không húp sùm sụp. Ăn xong, phải để bát đũa ngay ngắn, xin phép đứng lên. Những phép tắc đó, đứa bé bắt chước đứa lớn mà trở thành nếp nhà’, ông Tự Minh - con trai út của GS Dương Quảng Hàm nhớ lại.
Những đứa trẻ lễ phép, biết vâng lời cha mẹ, làm em nghe lời anh chị. Trong gia đình ai đi đâu, có việc gì đều thông báo cho người nhà biết.
Ông Tự Minh kể thêm: ‘Cha tôi nghiêm khắc nhưng không dùng roi vọt. Lúc nào cũng nhẹ nhàng, răn dạy con.
Tôi còn nhớ, lúc nhỏ, anh chị tôi trèo lên tầng thượng chơi, cha về, phát hiện ra. Anh chị sợ quá, chạy xuống sân, cúi gằm mặt nhưng cha không quát mắng to mà ôn tồn nói: 'Các con dại quá, mái không có lan can, nhảy nhót trên đó ngã thì nguy'. Từ đó, anh chị không bao giờ lên mái nhà nghịch nữa.
Ở nhà tôi, gia đình là một lớp học mà cha là thầy giáo. Sau bữa cơm tối, chúng tôi tập trung lên phòng làm việc. Dưới ngọn đèn bàn, cha say mê đọc và viết, các con ngồi quanh chiếc bàn lớn, kê sát với bàn của cha. Mỗi anh, chị lớn ngoài việc tự học còn có trách nhiệm kèm một em nhỏ học.
Bài khó lắm, chúng tôi mới nhờ đến cha giảng. Cụ truyền cho các con ngọn lửa đam mê đọc sách và nghiên cứu nên tám anh chị em tôi đều rất thích đọc sách'.
Theo lời ông Tự Minh, tháng nào các con Giáo sư Hàm cũng phải mang sổ học bạ của mình xin chữ ký của cha. Cả tám người con đều học giỏi, xếp thứ hạng cao trong lớp. Con nào bị xuống hạng, giáo sư đều hỏi lý do rồi liền động viên: Tháng sau con phải cố lên.
Trong một bản ghi chép, Giáo sư Lê Thi - con gái thứ hai của Giáo sư Hàm viết: ‘Tôi nghĩ nhà mình thuộc diện khá giả, tiền lương giáo viên của cha tôi cao, mẹ lại có sạp hàng ở chợ Đồng Xuân. Mùa hè mỗi năm, cha đưa cả gia đình đi nghỉ ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Ngôi nhà này bảy chú bác tôi cùng chung tiền mua. Trong những ngày nghỉ mát, cha tôi nhận nhiệm vụ giúp tất cả bọn trẻ tại đó ôn tập trong dịp hè.
Một lần kết quả học tập của tôi không tốt, sợ bị cha mắng, nhưng cuối cùng cụ nhẹ nhàng hỏi: Các anh chị học giỏi, tại sao con lại học kém? Chỉ cần có thế, tôi thấy xấu hổ, cố gắng vươn lên cho bằng anh em.
Một điểm tôi đặc biệt ấn tượng về cha mình là cụ không bao giờ làm hộ bài cho các con. Nếu có bài tập khó thì cụ lấy ví dụ giảng giải để các con hiểu, gợi ý để các con độc lập suy nghĩ.
Nghiêm khắc trong việc học hành, dạy dỗ nhưng cha luôn gần gũi, thân mật với các con.
Một hôm, tất cả anh chị em đang ngồi học cùng cha trong phòng, bỗng con chim bay vào, chúng tôi ùa ra đuổi bắt, tưởng rằng cha sẽ mắng, nhưng cha lại tham gia cùng và bắt được con chim cho các con chơi’.
Ông Tự Minh chia sẻ thêm, căn nhà ở Đồ Sơn là nơi gặp mặt của lớp trẻ trong đại gia đình họ Dương vào mùa hè. Đây cũng là thời gian chúng tôi học hát, học nhạc, tập đàn măng-đôlin..., nâng cao kiến thức toàn diện.
Những chuyến ra biển, không đơn thuần là nghỉ dưỡng mà còn là cơ hội để anh chị em, họ hàng gần gũi nhau.
Cho các con quyền tự do yêu
Vợ chồng Giáo sư Hàm luôn lấy mình làm tấm gương cho con cái noi theo. Dù cuộc hôn nhân mang tính chất sắp đặt nhưng hai người đã sống thật hạnh phúc.
Giáo sư Hàm là một người chồng mẫu mực, hết lòng vì gia đình. Tình yêu Giáo sư Hàm dành cho vợ con là tình yêu của một người đàn ông trụ cột, luôn che chở cho mái ấm gia đình. Cụ bà có tính nóng nảy nhưng Giáo sư Hàm lại rất điềm tĩnh.
Chưa bao giờ hai vợ chồng to tiếng với nhau. Có lẽ Giáo sư Hàm luôn thông cảm với vợ vì bà đã vất vả lo toan cơm áo và chu toàn việc gia đình. Vì vậy, trong nhà lúc nào cũng yên ấm, rộn tiếng cười.
Về vấn đề yêu đương, vợ chồng Giáo sư Hàm không ngăn cấm, mà cho các con quyền tự do tìm hiểu, đàng hoàng xin phép cha mẹ dẫn nhau đi chơi.
Với cả 8 người con, ông bà không hề có sự phân biệt đối xử, đứa yêu đứa ghét hoặc trọng nam khinh nữ. Vì vậy, cả 4 người con gái đều được vợ chồng giáo sư cho ăn học, vui chơi như 4 người con trai.
Đặc biệt, vào thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng 8, cụ bà Trần Thị Vân còn ủng hộ các con gái cắt tóc ngắn và cho phép các con gái tuổi đôi mươi chưa chồng đi hoạt động cách mạng xa nhà. Đó cũng là những tư tưởng hết sức tiến bộ.
Theo Vietnamnet