Chuyện chưa kể về người phụ nữ kéo cờ trong Lễ Độc lập đầu tiên của dân tộc

(Dân trí) - Bà Lê Thi, người phụ nữ kéo cờ trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 giờ đây đã bước sang tuổi 90. Dù sức khỏe đã kém đi nhiều nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc vẫn được bà nhớ nguyên vẹn.

Bà Lê Thi, tên thật là Dương Thị Thoa, con gái nhà giáo nổi tiếng Dương Quảng Hàm - nguyên hiệu trưởng trường Bưởi (Hà Nội).

Cách đây 72 năm, bà vinh dự được chọn là một trong hai người phụ nữ kéo cờ Tổ quốc trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc. Đến giờ, dù đã bước sang tuổi 90, song ký ức về những ngày tháng hào hùng của dân tộc vẫn được cụ bà Lê Thi nhớ nguyên vẹn.

Năm 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương, Hà Nội), dù được cha định hướng đi theo ngành sư phạm song bà Lê Thi lại sớm giác ngộ, tham gia cách mạng. Công việc của bà là cùng với Đội Phụ nữ cứu quốc đi tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ cách mạng. Đôi khi bà còn đóng vai trò là người thu thập tin tức về các trận đánh cho báo đưa tin.

Trước buổi lễ 2/9/1945 diễn ra khoảng 1 tuần, bà Lê Thi nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ ở Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề để chờ đến ngày trọng đại. Mặc dù buổi chiều mới đến giờ tập trung làm lễ, nhưng từ 9h sáng ngày 2/9/1945, bà Thi đã cùng với khoảng 100 phụ nữ, đi bộ qua Cửa Nam, xuống đường Điện Biên Phủ để tiến vào Quảng trường Ba Đình.

Bà Thi kể: “Không khí lúc đó rất hào hùng, quần chúng ở các phố rất đông, nhiều cửa hiệu đã đóng cửa. Từ khắp các ngả đường, đoàn người rầm rập kéo về làm lễ mít tinh”. Hôm đó, bà Thi cùng nhiều phụ nữ Hà Nội mặc áo dài trắng đi giày ba ta, trên vai cầm gậy gỗ, đoàn vừa đi vừa hô: “1,2… 1,2… đi đều bước”, thi thoảng đoàn lại hô: “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh” rất hào hứng.

Thời điểm đó Quảng trường Ba Đình là một bãi cỏ rộng, ở chính giữa là một lễ đài chính cao khoảng 4m, rộng hơn 5m được làm bằng gỗ, phía bên ngoài trang trí rèm lượn sóng rất đẹp.

Đến 14h chiều ngày 2/9/1945, Quảng trường Ba Đình đã không còn một chỗ trống. Biển người với đủ mọi thành phần, tầng lớp, từ những em thiếu nhi trên tay cầm cờ, đến các bà, các mẹ tay cầm gậy gỗ đều nghiêm trang, hồi hộp hướng mắt về Quảng trường, chờ đợi giây phút Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc.

Trong giây phút trang trọng ấy, bỗng nhiên, một người trong Ban tổ chức lễ mít tinh tiến về đoàn phụ nữ của bà Thi, yêu cầu cử một người lên kéo cờ. Tất cả mọi người nhao nhao, không ai xung phong. Cuối cùng các chị em chỉ về phía bà, khích lệ: “Thi lên đi, Thi lên đi”.

“Lúc đó, tôi giật bắn người, vì chưa chuẩn bị tâm lý nên rất lo lắng. Vừa bước lên bục lễ đài, tôi vừa sợ mình không làm nổi, vừa lo lắng xảy ra sai sót ảnh hưởng đến buổi lễ quan trọng”, bà Thi kể.

Bà Thi bồi hồi: “Khi lên tới lễ đài, tôi đã thấy một người phụ nữ trong trang phục người Tày đứng đợi sẵn. Chuẩn bị kéo cờ tôi nói rằng “Chị nâng lá cờ, còn em kéo nhé”. Vừa dứt lời, tiếng hát của bài Quốc ca vang lên, tôi từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên cao. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình lúc đó”.

Dù đã bước sang tuổi 90 nhưng bà Thi vẫn không quên ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Dù đã bước sang tuổi 90 nhưng bà Thi vẫn không quên ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Khi hoàn thành nhiệm vụ, đứng trên lễ đài, bà Thi được thấy hình ảnh của Bác Hồ rất gần. Lúc đó Bác mặc bộ quần áo kaki, đi đôi dép cao su giản dị, khác hẳn với hình dung của bà trước đó. Trong lúc đọc bản Tuyên ngôn độc lập, giọng của Bác trầm ấm, rõ ràng.

Thỉnh thoảng đang đọc, Bác lại dừng lại, hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hàng ngàn người ở dưới đồng thanh đáp lại: “Có ạ!”. Bà Thi cho hay, bản thân bà lúc đó vô cùng xúc động, bà không nghĩ một vĩ lãnh tụ vĩ đại lại biết quan tâm đến dân chúng và bình dị đến vậy.

“Trước kia khi học ở trường Đồng Khánh, lãnh đạo người Pháp đứng lên phát biểu nói rất nhiều, đôi khi còn mắng học sinh, chứ chưa bao giờ hỏi xem họ có nghe rõ không. Sự quan tâm, sâu sắc của Bác khiến chúng tôi không thể nào quên”, bà Thi kể.


Trong căn nhà 2 tầng giản dị ở phố Ngô Quyền (Hà Nội), bà Thi vẫn tìm niềm vui bằng việc nghiên cứu, đọc sách.

Trong căn nhà 2 tầng giản dị ở phố Ngô Quyền (Hà Nội), bà Thi vẫn tìm niềm vui bằng việc nghiên cứu, đọc sách.

Sau Ngày độc lập, bà Lê Thi hăng hái tham gia các phong trào Cách mạng, bà được bầu làm Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, làm Phó Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Vĩnh Phúc... Đến năm 1956 khi hoà bình lập lại, bà được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, rồi đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau.

Bà Lê Thi chụp ảnh chung với bà Đàm Thị Loan, người phụ nữ dân tộc Tày kéo cờ cùng mình năm xưa.
Bà Lê Thi chụp ảnh chung với bà Đàm Thị Loan, người phụ nữ dân tộc Tày kéo cờ cùng mình năm xưa.

Điều thú vị là 44 năm sau, vào tháng 12/1989 trong một cuộc họp mặt truyền thống, bà Lê Thi mới được gặp lại người phụ nữ kéo cờ Tổ quốc cùng mình, đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái. Sau đó đến năm 1997, hai người phụ nữ này có dịp hội ngộ, chụp ảnh chung tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Và đến năm 2010 thì bà Loan qua đời.

Giờ đây dù tuổi đã cao, mắt mờ, chân tay yếu nhưng bà Lê Thi vẫn tìm niềm vui trong công việc nghiên cứu, đọc sách. Mỗi khi sức khỏe cho phép, bà Thi vẫn thường ra Quảng trường Ba Đình để ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trên bầu trời lộng gió, hồi tưởng lại những giây phút đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Hà Trang