Chuyện chàng mù miền Tây leo dừa nhanh như sóc có tình yêu đẹp như cổ tích
(Dân trí) - Dù mù nhưng không đầu hàng số phận, anh Phong học nghề hái dừa thuê để nuôi được chính mình. Nghị lực của anh khiến mọi người cảm động, rồi tình yêu như mơ đã tìm đến, cho anh một mái nhà yên ấm.
Vượt lên số phận
Anh Châu Tấn Phong (33 tuổi, ngụ ở thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, Trà Vinh) có lẽ là người mù nổi tiếng nhất trong vùng. Dù mù nhưng anh Phong lại có biệt tài leo dừa, anh cũng có một tình yêu như mơ dù hoàn cảnh tật nguyền, nghèo khó.
Anh Phong kể, sau một trận sốt thập tử nhất sinh năm 3 tuổi, cơ thể anh như mất hẳn sức sống, đôi mắt đau nhức dữ dội rồi mù hẳn. Gia cảnh nghèo khó nên anh phải chấp nhận sống với bóng tối mà chẳng có cơ hội nào chạy chữa.
Kể từ khi bị mù, mọi người đều coi anh Phong là tàn phế, nhưng không vì thế mà người đàn ông đầu hàng số phận mà vẫn cố học một cái nghề để nuôi sống bản thân. Sau khi thất bại với nhiều nghề, năm 13 tuổi anh Phong bắt đầu học trèo dừa, hành động khiến ai cũng ngờ vực và ái ngại.
"Hồi đó ba mẹ đâu có chịu, cũng không ai mướn mình hái hết. May sao có một đội hái dừa thuê người ta thương, mỗi khi hái ở gần nhà người ta lại cho mình đi theo học. Hồi đó tôi bắt đầu leo là mấy người quây lại dưới gốc sẵn sàng chờ ngã", anh Phong nhớ lại.
Anh Phong tâm sự: " Người như tôi kiếm việc rất khó, chỉ có leo hái dừa may ra mới có người mướn. Nhưng người ta thấy đường đã leo khó, mình chỉ mò mẫm bằng tay thì càng khó hơn nhiều. Biết sao được, mưu sinh mà, phải làm thôi".
Mấy mươi năm leo dừa, anh Phong không nhớ nổi mình bị trượt chân mấy lần, không nhớ nổi đã mấy lần trầy da, chảy máu. Chuyện ong đốt, kiến cắn là chuyện cơm bữa, "bị đốt, bị cắn riết thành quen nên không cảm thấy đau nhói như ngày xưa nữa".
Thời gian đầu, anh hái dừa theo chỉ dẫn từ mặt đất, người ta hướng dẫn bám vào đâu, hái buồng nào thì anh làm theo như thế. Dần dần, anh Phong học được cách búng vào trái dừa, nghe tiếng là biết đã hái được hay chưa. Thậm chí, chỉ cần nghe tiếng búng anh Phong cũng biết được trái dừa ngọt hay nhạt, cùi dày hay mỏng.
Cây dừa thấp thì đỡ cực, có những cây cao gần 20m anh Phong phải nghỉ vài bận mới leo đến ngọn. Để lấy được tiền công một nghìn đồng mỗi trái, hái xong thợ phải lựa ra những trái bán được, vận chuyển đến chỗ thu mua chủ vườn mới trả tiền.
"Việc hái dừa không phải ngày nào cũng có, tính đều ra mỗi ngày chỉ kiếm được chừng 40 nghìn đồng, không đủ ăn được, nhưng biết làm gì khác giờ", anh Phong trải lòng.
Tình yêu như mơ
Biết leo dừa không phải chuyện khó tin nhất của anh Phong, chuyện anh cưới được vợ mới là điều khiến xóm làng nghi hoặc nhất. Không chỉ người ngoài, chuyện lấy được vợ chính anh Phong đến giờ vẫn không sao lý giải được.
"Mình cưới vợ hơn 10 năm rồi. Đến giờ mọi người vẫn không ngừng hỏi sao mình lại lấy được vợ. Biết nói sao giờ, chắc kiếp trước vợ mình nợ mình gì đó", anh Phong cười nói.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (30 tuổi, vợ anh Phong) nhớ lại, chị quê ở Tiền Giang, cách nhà anh Phong cả trăm km. Hồi đó một lần về thăm nhà bạn ở Trà Vinh, thấy nghị lực của anh Phong lớn quá rồi cảm mến. Sau mấy lần cứ vô tình gặp nhau, "mây gió tương phùng", chị Vân cũng không biết mình yêu anh Phong từ khi nào.
"Mình đâu có thấy được, nên cũng chưa nghĩ chuyện cưới vợ bao giờ. Hồi đấy bạn giới thiệu Vân, bảo Vân xinh lắm, mà chịu mình, mình cũng nghi ngại lắm. Lần gặp đầu tiên, chỉ nhớ Vân dịu dàng,… thế là yêu nhau", anh Phong kể.
Thế nhưng tình yêu của 2 người cũng phải chịu không ít ngăn trở. Chị Vân kể, khi vừa nói ý định lấy chồng xa chị đã bị mẹ phản đối gay gắt. Đến khi biết anh Phong bị mù, cả gia đình liền đồng loạt cấm cản.
"Thuyết phục mãi, cũng khóc hết nước mắt mẹ mới cho cưới. Cưới xong thì đúng là nghèo thật, khổ thật, nhưng gia đình khi nào cũng vui cười. Hạnh phúc hay không là do mình chứ không phải do ai hay do có cái này, thiếu cái kia", chị Vân nói.
Sau khi cưới, anh vẫn đi hái dừa thuê, chị thì xin đi làm ở một công ty gần nhà. Hơn một năm sau, con trai đầu là Châu Gia Khang ra đời, cuộc sống thiếu thốn của gia đình anh Phong có thêm niềm vui nhưng cũng thêm điều lo lắng.
May mắn trời thương, con trai anh chị khỏe mạnh. Ba năm trước, con gái Châu Ngọc Như Ý ra đời, đủ nếp đủ tẻ, trong căn nhà nhỏ của vợ chồng chị Vân khi nào cũng tràn ngập tiếng cười.
Hơn 10 năm sau ngày cưới, cuộc sống gia đình dần ổn định, ngày ngày anh Phong và chị Vân đi làm, 2 đứa con đi học. Những ngày cuối tuần được nghỉ học, Khang sẽ đạp xe chở ba đi hái dừa. Khang trở thành đôi mắt của anh Phong, cũng là trợ thủ đắc lực giúp anh Phong hoàn thành công việc.
Lúc ban ngày gia đình mỗi người một việc, chiều muộn mới là lúc ở cạnh nhau. Đi làm về, anh Phong chơi với con gái, con trai nấu ăn sau nhà, 3 cha con chờ chị Vân về rồi cùng ăn bữa tối.
"Cuộc sống còn thiếu thốn nhưng ai cũng yêu thương nhau, ai cũng cố gắng để ngày càng tốt hơn. Chỉ cần thế là vui rồi", chị Vân nói với gương mặt rạng rỡ ngập tràn hạnh phúc.