Chuyện cảm động về người mẹ nuôi con bại não hoàn thành "giấc mơ Harvard"
(Dân trí) - Nhờ sự kiên trì và tận tụy hết mực của người mẹ, chàng trai tàn tật đến từ miền trung của Trung Quốc vượt qua mọi khó khăn và thực hiện ước mơ bước vào cổng trường Đại học Harvard, Mỹ.
Câu chuyện của chàng trai 29 tuổi đến từ tỉnh Hà Bắc thuộc miền trung Trung Quốc với chứng bại não từ nhỏ, nhưng vượt qua mọi khó khăn để thực hiện ước mơ Harvard, khiến nhiều người kinh ngạc.
Theo nguồn tin từ Xinhuanet, chàng trai sinh năm 1988 ngay từ nhỏ bị các bác sỹ chuẩn đoán bị bại não do anh gần như ngạt thở trong một biến chứng khi sinh ra. Vào thời điểm đó, các bác sỹ khuyên bà Zou Hongyan, mẹ của Ding, nên bỏ đứa trẻ. Họ cho rằng, Ding có thể bị tổn thương trí não dẫn tới trí tuệ thấp. Bỏ ngoài tai lời khuyên của bác sỹ, bà Zou vẫn kiên quyết giữ lại con trai do chính mình sinh ra.
Lo lắng con trai sẽ là gánh nặng gia đình trong suốt cuộc đời, cha của Ding đồng tình với ý kiến của bác sỹ và khuyên vợ nên bỏ con, nhưng bà Zou từ chối. Bà quyết định ly dị chồng và một tay vừa kiên trì điều trị, vừa nuôi con khôn lớn.
Bệnh bại não khiến Ding gặp rất nhiều khó khăn trong vận động. Tốc độ phát triển của Ding cũng chậm hơn so với những người đồng trang lứa. Nhờ sự kiên trì tới cùng của mẹ, Ding học cách đứng ở tuổi lên 2, đi lại khi lên 3 tuổi. Quá trình phục hồi và trị liệu là quãng thời gian rất dài và dai dẳng với cả hai mẹ con. Nhưng chưa bao giờ bà Zou có ý định bỏ cuộc.
Do bệnh tật, việc học cách cầm đũa cũng là một trở ngại với Ding. Nhưng bà Zou vẫn kiên trì bên cạnh con. “Nếu Ding là người duy nhất ở bàn ăn không biết dùng đũa, những người xung quanh sẽ tò mò. Và rồi con phải giải thích với họ về chứng bại não. Tôi không muốn con phải xấu hổ về bản thân mình. Bởi vậy, tôi nghiêm khắc huấn luyện con mỗi khi Ding gặp khó khăn”, bà Zou nhớ lại quãng thời gian đã qua.
Trong thời gian rảnh rỗi, bà Zou thường xuyên đưa con tới các trung tâm phục hồi chức năng. Bà học cách xoa bóp cơ bắp, điều trị trị liệu, cùng con chơi các trò nâng cao trí tuệ. Người mẹ cũng nhấn mạnh, bà sẽ cùng con khắc phục mọi khuyết tật, biến Ding trở lại cuộc sống của một đứa trẻ bình thường.
Để đủ tiền điều trị và nuôi dạy con, bà Zou không từ bất cứ công việc nào. Bà làm việc ở một trường học tại Vũ Hán, đào tạo lễ tân và bán bảo hiểm. Nhờ có sự ủng hộ vững chắc từ mẹ, Ding không phụ công chăm sóc khi vượt qua mọi khổ ải để thi đỗ và theo học tại trường đại học Bắc Kinh – một trong những ngôi trường có nền giáo dục hàng đầu tại Trung Quốc hiện nay.
Ding tốt nghiệp ra trường năm 2011. Tiếp đó, anh đăng ký học thạc sỹ chuyên ngành luật quốc tế. “Tôi chưa bao giờ nghĩ có thể theo học ở Harvard. Nhưng mẹ luôn khuyến khích tôi thử sức. Bất cứ lúc nào tôi do dự, mẹ luôn bên cạnh động viên và hướng dẫn”, Ding chia sẻ. Sau 2 năm làm việc, Ding nộp đơn và được nhận vào Harvard, Mỹ, năm 2016, để tiếp tục con đường học vấn của mình.
Câu chuyện của Ding truyền cảm hứng tới rất nhiều gia đình, nhận được sự ủng hộ từ phía dư luận Trung Quốc. Hiện tại quốc gia này, người khuyết tật vẫn phải đối diện với sự phân biệt đối xử, gặp khó khăn trong giáo dục và việc làm. Theo Hiệp hội người khuyết tật Trung Quốc, hiện nước này có tới 85 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 6% tổng dân số.
Trung Quốc đang từng bước cải thiện các công trình cơ sở hạ tầng dành cho trẻ em khuyết tật, với mục tiêu tăng tỷ lệ lên 90% so với con số 73% của năm 2014. Trong năm 2014, khoảng 10.000 người khuyết tật Trung Quốc tham gia vào các trường đại học hay tổ chức giáo dục bậc cao. Hiện con số này đang gia tăng.
Huy Hoàng
Theo News, scmp