Chủ nhà tái mặt vì những chiêu bòn rút 'không tưởng' của osin

Thuê được người giúp việc đã khó, nhưng để quản lý, giám sát được họ lại khó khăn hơn rất nhiều lần. Không ít gia đình đã dở khóc dở cười khi phát hiện ra những chiêu trò bòn rút không thể ngờ tới của người giúp việc.

Bà osin chuyên bán cơm nguội

Ngày nào cũng vậy, cứ đến tầm tan buổi chợ sáng, là bà K., làm giúp việc trong khu chung cư cao cấp, lại xách một túi cơm nguội rất to đi ra ngoài. Bà xuống chợ gần đó bán cho một chị hàng rau để chị này nuôi lợn. Với mỗi kg cơm nguội, chị bán rau trả cho bà K. 2.000 đồng.

Mỗi ngày, bà K. có thể kiếm được từ 10.000 - 20.000 đồng từ việc bán cơm nguội. Ban đầu, chị bán rau khá thắc mắc, không hiểu tại sao ngày nào bà K. cũng có cơm nguội để bán cho chị.

Đặc biệt, cơm của bà K. đều được nấu từ những loại gạo rất ngon như gạo Tám Thái, gạo Nhật hay “bét” nhất cũng là Tám Điện Biên, Tám Hải Hậu... Đến khi trở thành “chỗ đi lại thân quen”, chị mới dám hỏi bà.

Ảnh: Ofwkuwait
Ảnh: Ofwkuwait

Khi ấy, chị bán rau mới vỡ lẽ rằng, bà K. làm giúp việc cho một gia đình giàu có, con của họ lại khá kén ăn, cộng thêm người vợ có chế độ ăn kiêng ngặt nghèo để giữ eo, nên bữa nào họ cũng để thừa cơm.

Ban đầu, bà K. không biết làm gì với số cơm thừa ấy. Bà định vứt đi, nhưng nghĩ tiếc của, bà bèn đem số cơm nguội phơi khô, rồi đi hỏi những người bán hàng gần đó xem có ai muốn mua không.

Khi đã “bắt được mối”, bà K. thấy có thể kiếm thêm chút đỉnh từ việc bán cơm nguội, từ đó, bữa nào bà cũng cố tình nấu nhiều cơm hơn.

Bà còn bày cách cho các bà giúp việc nhà hàng xóm trong khu chung cư cùng làm theo. Sáng sáng, sau khi nhà chủ đi làm, các bà giúp việc lại góp cơm nguội để bà K. mang đi bán rồi lấy tiền chia nhau.

Ban đầu, bà K. còn phơi khô cơm nguội nhưng sau đó, vì số cơm bà nấu thừa nhiều lên, nên bà không còn phơi khô nữa mà đem bán ngay để tránh bị nhà chủ phát hiện.

Tinh vi hơn, bà K. cùng các bà giúp việc khác tìm cách che mắt nhà chủ, đó là bọc kĩ cơm thừa rồi giấu lại vào thùng gạo, vùi gạo lên trên, hoặc giấu trong túi rác, mỗi khi mang rác đi đổ thì sẽ bí mật mang cả cơm đi bán.

Cứ như vậy, mỗi tháng, các bà giúp việc này cũng kiếm được vài trăm ngàn ngoài tiền lương gia chủ trả cho mình. Số tiền này tưởng như không nhiều, nhưng lại là một sự thất thoát lớn đối với gia chủ, bởi thực tế, các gia đình này đều mua loại gạo ngon, đắt tiền, thậm chí là gạo nhập khẩu để ăn. Song giá cơm nguội mà các bà osin bán ra lại rất rẻ.

Gia đình nơi bà K. làm thuê khá “thoáng” trong chi tiêu ăn uống, nên không để ý nhiều tới việc thùng gạo nhà mình hết nhanh hơn bình thường.

Vả lại, họ cũng chẳng bao giờ nghi ngờ bà giúp việc, bởi họ luôn yên tâm rằng khắp mọi góc trong nhà đều đã gắn camera theo dõi.

“Chôm” đồ chơi của con chủ nhà đem bán

Chị Liên (Yên Hòa, Hà Nội) rất phiền lòng khi thấy con mình thường xuyên làm mất đồ chơi. Con trai chị là một đứa trẻ hiếu động, lại rất thích chơi ô tô, máy bay mô hình. Vợ chồng chị có điều kiện nên chẳng tiếc tiền để chiều lòng cậu cả.

Mỗi khi đi công tác nước ngoài, họ lại dành một khoản tiền không nhỏ để mua đồ chơi cho con. Đó đều là những loại đồ chơi không chỉ đẹp mà còn được làm bằng chất liệu an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu nên khá đắt tiền.

Mỗi khi cho con chơi đồ chơi, chị Liên đều dặn con sau khi chơi xong phải dọn dẹp, sắp xếp đồ chơi gọn gàng. Con trai chị có nhiều đồ chơi đến nỗi anh chị phải dành riêng một phòng chỉ để đồ chơi của bé.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng khi vào chơi cùng con, chị lại phát hiện ra có một số đồ chơi đã “không cánh mà bay”. Khi chị hỏi thì con chị chỉ ngơ ngác một hồi rồi nói “con không biết!”. Chị Liên cũng hiểu là không thể trông mong gì hơn vào một đứa trẻ mới chỉ hơn 2 tuổi đầu.

Bà giúp việc là người dành phần lớn thời gian ở nhà với con chị, nên chị bèn hỏi bà về số đồ chơi đã mất. Nhưng bà giúp việc cũng chẳng có một câu trả lời rõ ràng nào. Bà chỉ bảo: “Chắc cháu mang ra ngoài chơi hoặc mang đến lớp rồi để quên/làm mất!”.

Chị Liên cũng tin vào lời giải thích đó, bởi quả thật, con trai chị rất hay mang đồ chơi đến lớp mẫu giáo để chơi, và chị cũng khuyến khích bà giúp việc nên đưa con ra vườn hoa trong khu đô thị để chơi cho đỡ tù túng.

Và chị vẫn sẽ còn tin như vậy, nếu không tình cờ nhìn thấy một vài món đồ chơi của con mình ở một nhà thu gom phế liệu cách đó 2 dãy phố. Thoạt tiên, chị đã không tin vào mắt mình, nên phải giả vờ vào hỏi mua mấy chiếc vỏ thùng các-tông, để nhìn kĩ hơn.

Chị nhận ra đó chính là đồ chơi của con mình, nhờ vào một chiếc máy bay mô hình có khắc chữ cái đầu tiên của tên bé ở dưới.

Vờ khen những đồ chơi đó tốt và đẹp, chị được cô chủ “vựa” đồng nát mời mua, và quảng cáo đó là hàng tốt, nhưng do các bé không chơi nữa nên người ta đem bán lại cho cô. Giá bán của chúng chỉ gần trăm ngàn.

Cô “đồng nát” còn hồ hởi khoe đó là “giá buôn”, thấy chị thích nên cô bán, còn bình thường cô sẽ gom lại để bán cho những cửa hàng đồ chơi gần trường tiểu học cách đó không xa. Họ đóng gói lại rồi đem bán, giá cao gấp vài chục lần.

Bí mật theo dõi, chị Liên phát hiện ra nguyên nhân đám đồ chơi của con mình có thể “chạy” từ nhà ra nơi thu mua đồng nát. Đó chính là do bà giúp việc. Mỗi lần đưa con chị đi học hay ra ngoài chơi, bà đều bảo bé nên mang theo vài đồ chơi để chơi, và khi về nhà, bà giấu đi một món, gửi ở nhà một bà giúp việc quen gần đó, rồi có vài món mới đem đi bán một thể cho đỡ công đi lại.

Chỉ khi bị chị Liên “bắt quả tang”, bà giúp việc mới chịu thừa nhận việc làm của mình. Song ngoài việc không trả lương tháng đó và cho bà ta nghỉ việc, chị Liên cũng chẳng còn cách giải quyết nào khác.

Theo Vietnamnet