Vĩnh Long:

“Choáng” với đôi vợ chồng 40 tuổi sinh 10 con

(Dân trí) - Gia cảnh nghèo khó, sống nay đây mai đó nhưng đôi vợ chồng thuộc thế hệ 7X lại sinh đến 10 đứa con. Đàn con nheo nhóc cứ sống như cỏ cây với quan niệm “trời sinh, trời nuôi” của cha mẹ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tùng (SN 1974) và chị Phạm Thị Năm (SN 1976) ở ấp An Thành Tây (Trung Hiếu, Vũng Liêm, Vĩnh Long) “nổi tiếng” ở địa phương vì có đến 10 đứa con sau 9 lần sinh nở.
 
Anh Tùng cho biết: “Hai vợ chồng tôi cưới nhau năm 1995, sang năm 1996 đẻ đứa đầu lòng rồi sau đó đẻ liên tục được 10 đứa con, mỗi đứa được sinh ra ở những địa phương khác nhau, khi vợ chồng đi làm thuê làm mướn”.

Đại gia đình anh Tùng bên căn nhà rách nát
Đại gia đình anh Tùng bên căn nhà rách nát

Đứa con đầu lòng tên Nguyễn Thanh Tình (SN 1996) vừa dứt sữa mẹ đã bị gửi lại cho bà ngoại nuôi để cha mẹ đi Bạc Liêu làm thuê. Tại tỉnh Bạc Liêu, vợ chồng anh Tùng tiếp tục sinh 2 đứa con nữa và cũng gửi về cho bà ngoại chăm sóc để đi làm thuê hết tỉnh này đến tỉnh khác.

Căn nhà anh Tùng nằm lọt thỏm bên trong nghĩa địa
Căn nhà anh Tùng nằm lọt thỏm bên trong nghĩa địa

Cách đây khoảng 8 năm, lúc đó vợ chồng anh Tùng đã có 5 đứa con ở các địa phương khác nhau, mới về ấp An Thành Tây ở nhờ đất nghĩa địa, dựng căn chòi nhỏ để những đứa con tá túc đi học. Tại đây 2 vợ chồng tiếp tục sinh thêm 5 đứa con nữa. Trong 10 đứa con của anh Tùng có 1 cặp đôi song sinh nhưng không may 1 cháu đã chết khi còn nhỏ nên hiện tại anh còn lại 9 đứa con, đứa lớn nhất 18 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi.

Bữa cơm nghèo khó của đại gia đình anh Tùng
Bữa cơm nghèo khó của đại gia đình anh Tùng

Anh Tùng quê gốc ở xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm), do gia đình nghèo nên chỉ được cha mẹ cho cái nền nhà. Sau khi lấy vợ gia đình anh phải đi khắp nơi để làm thuê, làm mướn kiếm sống. Dù phải ở tạm, cuộc sống nghèo khó nhưng cặp vợ chồng này lại rất “giàu” con.

Trong căn nhà nghèo “rớt mồng tơi” lụp xụp nằm cạnh nghĩa địa có đến 11 con người sinh sống. Trong căn chòi không có cửa chẳng có tài sản gì đáng giá nhưng cặp vợ chồng này rất yêu đời và không hề hối hận về việc mình đã sinh quá nhiều con trong khốn khó; bởi quan niệm của anh chị là “trời sinh, trời nuôi”.

Những đứa trẻ tự học, tự chơi
Những đứa trẻ tự học, tự chơi

Đẻ nhiều con nên anh Tùng không nhớ chính xác tên, chữ lót, tuổi của từng đứa con của mình mà chỉ nhớ tên thường gọi. Còn chị Năm, vợ anh thì tâm sự: “Trước đây do đi làm ăn xa lại ở tuốt trong đồng, không có chữ nghĩa nên toàn đẻ theo tự nhiên riết rồi mang thai thấy cũng quen”.

Chị Năm kể chuyện mình đã sinh 10 đứa con theo... thói quen
Chị Năm kể chuyện mình đã sinh 10 đứa con theo... "thói quen"

Do nhà nghèo nên đứa con trai lớn của anh Tùng mới học lớp 10 đã nghỉ học đi học nghề sửa xe gắn máy, những đứa con nhỏ hơn vừa học vừa bán vé số phụ giúp gia đình. Đông con nên anh Tùng túi bụi làm thuê, làm mướn chỉ mong đủ tiền đong gạo cho đàn con ăn no. Anh Tùng cho biết: “Cái ăn ngày đủ ngày thiếu, còn cái mặc thì được bà con cho. Chỗ ngủ cứ xề xòa mấy cái giường cũ hay nằm dưới đất cũng được. Một ngày trung bình cả nhà ăn 4 kg gạo, cá thì tự đi bắt dưới sông, trên đồng cho qua bữa…”.

Ông Trần Quang Nhơn, Trưởng ấp An Thành Tây cho biết: “Gia đình của anh Tùng về tá túc trên đất nghĩa địa tư nhân của một người dân địa phương đến nay đã được  8 năm. Thấy hoàn cảnh gia đình anh Tùng đông con, nghèo, ở đậu trên đất nghĩa địa, không có nghề nghiệp ổn định nên địa phương đã nhiều lần vận động vợ chồng anh Tùng đình sản. Thế nhưng mỗi khi cán bộ dân số cấp xã, huyện, tỉnh đến vận động thì vợ chồng anh Tùng không nghe và nói “trời đẻ, trời nuôi”. Và cứ mỗi lần đoàn cán bộ đến vận động thì không lâu sau lại sinh thêm một đứa”.
 
Theo ông Nhơn, mãi đến sau lần sinh thứ 9, năm 2011 địa phương mới vận động được cặp vợ chồng này đi thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Vì vậy hiện tại gia đình này mới có 9 đứa con, chứ nếu không đến nay chắc có lẽ đã thêm vài đứa nữa.

Minh Giang