Chiến sĩ công an hóa "sĩ tử" viết 10 trang giấy phân tích bài thơ "Sóng"
(Dân trí) - Trung úy Phan Đức Lộc (26 tuổi, quê Nghệ An) đã hóa thân thành sĩ tử ngồi viết liền mạch 10 trang giấy phân tích đoạn thơ "Sóng" trong đề thi THPT môn Văn vừa qua khiến nhiều người trầm trồ.
Chiến sĩ công an giải mã "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh
Tuy không phải là thí sinh dự thi tốt nghiệp năm nay nhưng Trung úy Phan Đức Lộc có niềm đam mê với văn chương từ thuở bé và đặc biệt yêu thích thơ Xuân Quỳnh. Nên sau khi có đề thi, chàng Trung úy liền vội vàng chuẩn bị giấy, bút rồi tỉ mẩn ngồi phân tích đoạn thơ.
"Buổi thi môn Văn kết thúc, cô em họ mình đi thi về than đề khó quá, bị "tủ đè" và đã thách thức mình phân tích đoạn thơ. Không từ chối, mình quyết định hóa thân thành sĩ tử để cho cô em họ thấy được người anh vẫn thường "múa mồm" bình luận về các đề văn có làm nên trò trống gì không", Lộc chia sẻ.
Giây phút cầm trên tay đề thi, Lộc đã thử "hóa thân" vào chính mình của gần chục năm về trước để hoàn thành bài phân tích với 10 trang giấy viết tay. Ít ai ngờ chàng Trung úy có vẻ bề ngoài mộc mạc nhưng lại đam mê viết lách đến vậy.
Lộc nói, đề thi môn Ngữ văn năm nay cơ bản bám sát cấu trúc đề minh họa. Hai câu nghị luận không mới. Trong đó, câu nghị luận văn học khá nhẹ nhàng, còn câu lệnh phụ phần "vẻ đẹp nữ tính" trong thơ Xuân Quỳnh được xem là một lát cắt khá hay để phân loại thí sinh.
Lộc cho biết: "Quá trình phân tích thơ mình thầm nghĩ, bản thân tốt nghiệp đã lâu mà còn viết "bon" thế này thì hẳn các em học sinh cũng sẽ viết "phiêu" lắm đây. Nhưng, để giải mã được "Sóng" của Xuân Quỳnh, bên cạnh kiến thức sách vở thì người viết cần có sự trải nghiệm nhất định trong tình yêu.
Nên cái khó của câu nghị luận văn học này nằm ở chỗ đó. Có thể, các em đã từng yêu, nhưng tình yêu học trò đa phần thường gắn với những cảm xúc, những rung động trong veo. Còn tình yêu trong "Sóng" là một thứ tình yêu thâm trầm hơn, giàu cung bậc hơn mà để viết sâu sắc và tinh tế là điều không hề đơn giản. Vì vậy, mình đã viết hoàn toàn bằng bản năng cảm xúc chứ không có nhiều những hàm lượng học thuật, lý luận phê bình trong đó".
Bài phân tích của chàng Trung úy kết thúc với 10 trang giấy viết tay. Đức Lộc đã hào hứng chia sẻ bài viết lên facebook cá nhân để các bạn thân quen cùng đọc và ôn lại những kỷ niệm học trò xưa cũ.
Chàng trai Xứ nghệ "nghiện" học văn, đam mê viết lách
Chia sẻ với Dân trí, Đức Lộc cho biết, khi thấy bài viết được nhiều người đón nhận và lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội khiến anh rất vui và bất ngờ. Buổi trưa hôm đó Lộc đã quên ăn, ngồi đọc lại bài văn và những bình luận trên trang facebook.
"Nhìn chữ nhiều quá, nhưng đọc rất cuốn khiến mình đọc hết 10 trang lúc nào chẳng hay"; "Bài viết tuyệt vời, mình rất thích giọng văn của bạn" hay "Cô xin lưu lại bài viết để truyền lại cho thế hệ sau nhé"; "Thật ngưỡng mộ bạn bài viết rất hay, mình luôn đam mê sách của bạn"… là một số bình luận của cư dân mạng khi đọc bài văn của Lộc.
Những bình luận đó khiến Lộc không khỏi xúc động. Lộc bày tỏ: "Nếu được mọi người khen văn hay mà không hạnh phúc sẽ là nói dối. Nhưng mình cũng không ảo tưởng đến mức nghĩ rằng bài văn của mình xuất sắc. Mình trân quý những lượt yêu thích, bình luận và chia sẻ của mọi người. Để từ đó khích lệ tinh thần "dám thử viết", "dám đăng bài" của bản thân. Bởi mình là một chàng trai đã tốt nghiệp THPT 8 năm rồi, nhiều khi không tránh khỏi sai sót".
Do thuở bé bố mẹ đi làm ăn xa nên Lộc phải ở quê với bà nội. Cả bà nội và bà ngoại của Lộc đều thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ và những câu chuyện dân gian, cổ tích hấp dẫn. Có lẽ vậy, nên ngay từ thời thơ ấu tình yêu văn chương của chàng trai đã được ươm mầm.
"Người ta thường nói, người học giỏi môn Văn thì thường sáng tác dở, mà người sáng tác hay thì nhiều khả năng là học kém môn Văn. Nhưng từ hồi cấp ba, mình đã ý thức được cần phải cân bằng giữa học văn và sáng tác. Thế nên, hồi ấy, mình "nghiện" học Văn nhưng cũng không bỏ bê việc viết lách.
Những bài viết đầu tiên mình được đăng trên một số tờ dành cho học trò như: Văn học và tuổi trẻ, Áo Trắng... Hiện tại, khi đã tập trung nhiều thời gian cho công việc và sáng tác, mình vẫn dành sự quan tâm đến các kỳ thi môn Văn. Với mình tình yêu dành cho văn chương là vô hạn", Đức Lộc thổ lộ.
Được biết, Trung úy Lộc sinh năm 1995, tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2017. Hiện nay anh đang công tác tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Năm 2013, anh từng đạt Giải Nhì học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An, giải Nhất truyện ngắn cuộc thi Sáng tác văn học trẻ - Tạp chí Xứ Thanh năm 2018, giải Nhất báo chí cuộc thi viết về đề tài Covid-19 của báo Dân Việt năm 2021...
Ngoài công việc chính là một chiến sĩ công an, Lộc còn là hội viên của nhiều hội văn học và có hơn 200 tác phẩm thơ, truyện ngắn, tản văn, lý luận phê bình văn học, bài báo. Anh còn là đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam, lần thứ III, năm 2020.
Đức Lộc chia sẻ, trong thời gian tới anh sẽ cố gắng hoàn thành những truyện ngắn, tiểu thuyết còn dang dở. Bởi Lộc cho rằng, việc bản thân đến với văn chương cũng là cách nắm giữ chùm chìa khóa để mở ra nhiều cánh cửa cuộc đời.