Chị “Hằng”, bà “Tiên”
Cứ mỗi dịp Tết Trung thu, bọn trẻ trong xóm nhà tôi lại háo hức đón đợi chị Hằng. Chị tên là Hằng, sinh viên đại học, nhà ở cùng khu chung cư cao tầng mà các thế hệ dân cư chúng tôi quen gọi là xóm. Chị là đoàn viên thanh niên được phân công phụ trách thiếu nhi.
Trung thu đến, chị tập hợp các em thiếu nhi dạy hát, múa, dạy làm đồ chơi, làm đèn từ những hộp nhựa, đốt bằng hạt bưởi… Theo lời chị, mỗi em đem hoa quả, bánh kẹo đến góp làm mâm cỗ thật to ở giữa sân. Rồi chị dẫn đầu đám rước đi vòng quanh các ngôi nhà cao tầng, sau đó về tập trung quanh mâm cỗ hát múa trông trăng…
Người chị phụ trách tên Hằng của bọn trẻ là hiện thân của chị Hằng từ cung trăng xuống chơi cùng các em. Một ngày khác, mùa hè cuộc thi văn nghệ ở phường có bao nhiêu là đám trẻ tụ họp và đám nào cũng có chị Hằng của chúng. Nhưng thời gian qua đi, chị Hằng xóm tôi không xuất hiện. Nghe nói chị đã tốt nghiệp đại học, đi làm ở tỉnh nào đó miền Nam. Lớp trẻ cũ cũng đã lớn đi học nghề, học đại học. Lớp sau không có chị phụ trách, rằm Trung thu chỉ được tổ dân phố tập trung chia quà rồi đứa nào về nhà đứa nấy. Chơi một mình, ăn bánh một mình, Trung thu buồn…
Câu chuyện chị Hằng xóm tôi ở cũng là câu chuyện phổ biến trong các khu dân cư ở cả thành thị lẫn nông thôn. Nhiều năm gần đây, phong trào đoàn ở nhiều cơ sở lắng xuống, việc chăm sóc thiếu niên nhi đồng do các tổ dân phố hay thôn xóm đứng ra lo. Người được phân công trực tiếp chăm lo cho các cháu thường là cán bộ nghỉ hưu. Không thiếu trách nhiệm nhưng tuổi cao nên các cụ không thể bày vẽ nhiều cuộc vui, trò vui, không thể vui chơi hòa đồng cùng con trẻ.
Thích ứng với hoàn cảnh, bây giờ nhà nào nhà nấy phải lo, tự đưa con cháu đi chợ Trung thu, đến các điểm vui chơi, nơi khuyến mãi, nơi dịch vụ tốn kém. Ở trường học, những cô tổng phụ trách hay thầy, cô giáo chủ nhiệm quan tâm thì thuê người về dạy học sinh làm đồ chơi, bánh trái, người khác không nhiệt tình thì học trò thiệt thòi. Trung thu tản mạn, mang màu sắc “đèn nhà ai nấy rạng” là vì vậy.
Riêng xóm nhà tôi, hè này các cụ, các bác có sáng kiến mời được một bác gái người trong khu có khiếu văn nghệ ra dạy hát múa cho các cháu. Thế là lúc buổi chiều, buổi tối, tiếng hát trẻ thơ lại vang lên. Nhìn bác và các cháu tập hát múa mướt mồ hôi, các cụ các bác lại chung tay mỗi người một chút mua nước uống hay quà bánh tặng đội văn nghệ thiếu nhi. Bọn trẻ xóm tôi bây giờ không có chị "Hằng" nhưng lại có bà "Tiên" của chúng. Bà cùng các bác tổ dân phố đến từng nhà vận động gia đình cho các cháu đi tập, đi sinh hoạt trong những ngày nghỉ hè. Và Trung thu này, xóm tôi không còn cảnh chia quà mà có cả lời ca tiếng hát vui chung.
Trẻ thơ là thế, mong được chơi chung, đón trăng tự nguyện cùng bạn bè lối xóm. Không có thứ dịch vụ vui chơi nào thay thế được. Muốn vậy phải có sự quan tâm tổ chức của người lớn, phải có những chị "Hằng", bà "Tiên" yêu trẻ.
Theo Anh Nguyễn
Quân Đội Nhân Dân