Vĩnh Long:
Chàng trai miền Tây sở hữu 150 loài hoa lan rừng độc lạ trên thế giới
(Dân trí) - Vốn đam mê hoa lan rừng từ khi còn ngồi ghế nhà trường, Tuấn Anh bắt đầu tìm hiểu mô hình trồng lan. Đến nay, anh đang sở hữu hàng chục nghìn chậu lan rừng với gần 150 loài độc lạ.
Về Vĩnh Long, chỉ cần hỏi “vua lan rừng” thì hầu như mọi người không còn lạ gì với cái tên Trương Tuấn Anh (32 tuổi). Nhà anh nằm sâu hút trong con đường bê tông nông thôn, thuộc ấp Phước Bình, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ.
Hiện, vườn lan xung quanh nhà Tuấn Anh với diện tích khoảng 1.000m2, đủ chủng loại lan rừng, được anh thuần dưỡng từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý, Tuấn Anh đang sở hữu hàng nghìn chậu lan rừng với gần 150 loài độc, lạ có hình thù của nhiều con vật như chuột, vòi voi, thỏ,… trông bắt mắt.
Tuấn Anh cho biết, vốn đam mê hoa lan từ khi còn ngồi ghế nhà trường nên sau khi dành dụm được số vốn, anh bắt tay vào việc nghiên cứu, tìm hiểu mô hình trồng lan ngay tại nhà.
Ban đầu anh mua những loại lan thường có ở Việt Nam. Sau đó, anh tìm hiểu các loại lan mới lạ ở Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) rồi mua về nghiên cứu thuần dưỡng.
Cuối tháng 10/2010, anh một mình sang Thái Lan tham quan, tìm hiểu mô hình trồng lan ở nơi đây nhằm tích lũy kiến thức để về Việt Nam áp dụng. Từ kiến thức có được, chỉ vài năm sau đó, vườn lan của anh đã nhanh chóng phát triển với hàng nghìn chậu, khoảng 100 loài hoa rừng các loại.
Anh Tuấn Anh nói về cách chăm sóc lan
“Cái khó ở đây là lan rừng thuần dưỡng phải thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất. Từ loài lan chỉ mỗi năm nở 1 lần hoa, ở nhiệt độ khác nhau, nhưng khi được thuần dưỡng sẽ kéo dài thời gian ra hoa hoặc hoa ra nhiều mùa trong năm”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Theo Tuấn Anh, để thuần dưỡng một loại lan rừng phải mất rất nhiều năm và trải qua nhiều giai đoạn nên người trồng cần có sự kiên nhẫn và lòng đam mê.
Khi được hỏi về thu nhập, anh Tuấn Anh cười xòa nói: “Công việc này là đam mê. Do trong quá trình đang tiếp tục nghiên cứu, lai tạo giống nên thu nhập hàng tháng chỉ hơn chục triệu đồng”.
Ông Trần Trung Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa nhận xét: “Đây là một trong những mô hình hay, vừa phát triển kinh tế hộ gia đình vừa góp phần tăng thu nhập. Thời gian qua, anh Tuấn Anh cũng đã hỗ trợ và hướng dẫn cho nhiều thanh niên ở địa phương kỹ thuật trồng lan rừng”.
An Lâm