Chàng trai Hà Nội nhặt ve chai, “mang cơm” về bản cho 12.000 học sinh thiểu số

(Dân trí) - 12.000 em nhỏ được nuôi ăn, 15 điểm trường được xây dựng và hơn 30 dự án lớn nhỏ được thực hiện trong năm 2019… những con số ấn tượng được tạo bởi Hoàng Hoa Trung – chàng trai Hà Nội nhặt ve chai, mang ánh sáng về bản cho trẻ em nghèo vùng cao.

Hoàng Hoa Trung (sinh năm 1990) là chàng trai Hà Nội thường được mọi người gọi vui với biệt danh “Trung đồng nát”. Ai đó từng nghĩ cái tên của anh gắn với nghề nghiệp anh làm, nhưng Trung không phải một người thu mua phế liệu… chuyên nghiệp. Anh chỉ là người trẻ mê tình nguyện, tìm cách biến phế phẩm thành tiền gây quỹ giúp trẻ em nghèo và xây các điểm trường vùng cao - đó là cách Trung làm từ thiện.

Hiện tại, Hoàng Hoa Trung đang làm trưởng ban Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Bắc và trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin với dự án Nuôi Em – Nuôi bữa trưa cho 12.000 trẻ em vùng cao cùng chiến dịch Ánh Sáng Núi Rừng, góp gạch xây trường.

Chàng trai Hà Nội nhặt ve chai, “mang cơm” về bản cho 12.000 học sinh thiểu số - 1
Chân dung chàng trai 9x Hoàng Hoa Trung, chủ nhân của nhiều dự án gây quỹ độc, lạ mang lại hiệu quả cao

Khi “kẻ lì lợm” ôm giấc mộng lớn

Năm 2008, Hoàng Hoa Trung bắt đầu hoạt động tình nguyện đầu tiên của đời mình với những công việc đơn giản như giúp đỡ những người khuyết tật, lao động nghèo và người vô gia cư trong thành phố nơi anh sống.

Khi đó anh vừa tròn 18 tuổi, bước vào giai đoạn chênh vênh của tuổi trẻ, Trung từng đối diện với nhiều suy nghĩ tiêu cực và những câu hỏi rằng anh thực sự tồn tại để làm gì? Việc tham gia các hoạt động tình nguyện cộng đồng thời điểm đó như chiếc “phao cứu sinh” mang anh ra khỏi những băn khoăn trăn trở. Trung biết mình muốn gì, nhận ra giá trị của bản thân khi được giúp đỡ mọi người.

Chàng trai Hà Nội nhặt ve chai, “mang cơm” về bản cho 12.000 học sinh thiểu số - 2
Tham gia các hoạt động tình nguyện giúp Trung tìm lại được chính mình và vượt qua giai đoạn khó khăn của tuổi trẻ.

Năm 2009, Trung và các thành viên nhóm Niềm Tin - một nhóm tình nguyện tự phát ở Hà Nội lúc đó - mở rộng địa bàn hoạt động lên các tỉnh miền núi phía Bắc. Thời gian đầu, mục đích lên núi của nhóm chủ yếu muốn giúp đỡ người dân cải thiện cuộc sống, bà con thiếu cái gì thì giúp cái đó chứ không có chiến lược lâu dài.

Càng đi nhiều, gặp gỡ nhiều người dân ở những bản làng xa xôi của đất nước, Hoàng Hoa Trung nhận ra cái nghèo ở đây không chỉ nghèo bởi thiếu cái ăn, cái mặc mà thiếu thốn hơn cả chính là cái chữ. Từ đó, chàng trai Hà Nội bắt đầu xây dựng những dự án thiện nguyện lâu dài, trong đó ưu tiên hoạt động nuôi ăn và xây dựng điểm trường vùng cao.

Năm 2012, cùng với sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, Hoàng Hoa Trung và các thành viên trong nhóm đã quyên góp và xây dựng hoàn thiện điểm trường đầu tiên tại bản Sòn Thầu 1, xã Malypho, huyện Phong Thổ, Lai Châu trị giá 160 triệu đồng.

Chàng trai Hà Nội nhặt ve chai, “mang cơm” về bản cho 12.000 học sinh thiểu số - 3
Điểm trường tại bản Sòn Thầu 1, Phong Thổ, Lai Châu trước và sau khi được cải tạo.

Để có được số tiền này, Trung và các cộng sự phải lăn lộn với nhiều dự án biến phế liệu thành tiền. Anh tìm đến các khu ký túc xá sinh viên, công ty, xí nghiệp… xin lại sách vở cũ, giấy tờ đồ dùng đã bỏ đi gom lại một chỗ sau mang đi bán sắt vụn để lấy tiền gây quỹ.

Từ hoạt động thu mua ve chai, Trung đã nảy ra nhiều ý tưởng tình nguyện sáng tạo, trong đó độc đáo nhất là dự án gốm Bát Tràng. Ở dự án này, chàng trai 9x tìm tới làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) xin phép được nhặt lại những món đồ gốm người dân đã bỏ đi từ chiếc bát gốm, lọ hoa hay những món qua lưu niệm nhỏ… có đồ vẫn còn mới, có đồ đã sứt mẻ nhẹ đều được mang về cọ rửa, tái chế như mới.

Anh và các bạn mang số gốm thu được ra các hội sách, đôi khi chia nhau đi bán ở nhiều nơi khác nhau với giá từ 10.000 – 30.000đ/ một món đồ.

Chàng trai Hà Nội nhặt ve chai, “mang cơm” về bản cho 12.000 học sinh thiểu số - 4
Những lớp học tạm bợ dựng lên giữa núi rừng trở thành động lực để Hoàng Hoa Trung và những người bạn của mình quyết tâm gây quỹ xây trường.

Cứ như vậy, ròng rã một năm bán đồ gốm cũ, Trung và cả nhóm đã thu được gần 60 triệu, số tiền là toàn bộ tâm huyết của nhóm Niềm Tin về một ngôi trường mới khang trang cho trẻ em được tới lớp mỗi ngày.

Cùng với “Gốm Bát Tràng”, các dự án tận dụng đồ cũ khác như “Đất phù sa sông Hồng”; bán quần áo cũ cho người nghèo giá 1000 đồng hay “Dũng sĩ bạt”… cũng mang lại hiệu quả tích cực và tạo ra cho Trung cái tên mới đầy ấn tượng: Trung đồng nát.

“Tôi vui khi được mọi người gọi như vậy, vì cái tên gợi nhớ tới những việc tôi và các bạn của mình đã làm để giúp các em nhỏ vùng cao. Trong hoạt động tình nguyện, quan điểm của tôi luôn ưu tiên tận dụng đồ cũ, giúp cộng đồng mua được cái họ cần vừa là sự đóng góp nhỏ của nhiều cá nhân, tích tiểu thành đại để tạo ra sự khác biệt lớn” - Hoàng Hoa Trung chia sẻ.

Chàng trai Hà Nội nhặt ve chai, “mang cơm” về bản cho 12.000 học sinh thiểu số - 5
Thời gian đầu, Trung không nhận được sự ủng hộ từ gia đình song vì những nụ cười tới trường của các em nhỏ, anh vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ làm thiện nguyện của mình.

“Bữa cơm trưa níu chân trẻ tới trường”

Từ điểm trường đầu tiên được xây dựng ở Lai Châu (năm 2012), Hoàng Hoa Trung và nhóm Niềm Tin tiếp tục tạo ra nhiều dự án mới, kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm cùng chung tay thực hiện với mục tiêu mỗi năm xóa 1 điểm trường tranh tre nứa.

Năm 2019 tạo bước chuyển mình lớn khi dự án “Nuôi Em” đã có 12.000 em nhỏ tìm được người nuôi cơm trưa và 15 điểm trường đã được xây dựng với giá trị gần 300 triệu/ một điểm trường.

Chàng trai Hà Nội nhặt ve chai, “mang cơm” về bản cho 12.000 học sinh thiểu số - 6
Điểm trường ghép bản Huổi Đeng, xã Mường Toong, Mường Nhé, Điện Biên được xây dựng lại với trị giá khoảng 280 triệu, gồm 3 phòng học diện tích 89m2.

“Vẫn là tích tiểu thành đại, chúng tôi tạo ra dự án Nuôi Em 1 – 1, nghĩa là cứ một người sẽ nuôi một em. Người nhận nuôi được cung cấp thông tin và theo dõi quá trình phát triển của em nhỏ trong một năm cam kết. Mỗi tháng người nhận nuôi đóng 150.000đ cho một em, mỗi năm là 1.400.000đ. Cứ như vậy 12.000 em nhỏ đang được nuôi ăn là 12.000 anh chị nhà hảo tâm đóng góp”, anh Trung chia sẻ.

Dự án này được thực hiện chủ yếu tại tỉnh Điện Biên song song với chiến dịch “Ánh sáng núi rừng”.

Chàng trai Hà Nội nhặt ve chai, “mang cơm” về bản cho 12.000 học sinh thiểu số - 7
Bữa ăn trưa được các thầy cô giáo chuẩn bị sẵn đồ ăn, các em sẽ tự mang cơm từ nhà tới lớp.

5 năm trước, con đường đến điểm trường ở bản Nậm Vì (Mường Nhé, Điện Biên) đầy chông chênh, vất vả. Trẻ em phải băng đèo, lội suối, đi bộ gần chục cây số để tới lớp rồi lại vượt gần chục cây số để về nhà. Vì không được ăn bữa trưa ở trường nên nhiều em về nhà ăn trưa rồi nghỉ học luôn buổi chiều.

Trong những lớp học xiêu vẹo bằng tre nứa, buổi sáng có 20 em đến chiều chỉ còn vỏn vẹn có 5 – 7 học sinh và người thầy, cái đói, cái nghèo vẫn luôn bủa vây lấy những đứa trẻ. Nhưng giờ đây, điểm trường được xây mới bằng gạch đỏ vững chãi và bữa cơm trưa đã có thịt, cái nghèo có thể vẫn còn đó nhưng đường đến với “con chữ” của các em thì đã gần và ấm áp hơn.

Hoàng Hoa Trung, gã trai trẻ đầy nhiệt huyết lớn lên giữa ánh sáng rực rỡ của đất Hà thành nhưng lại ôm giấc mộng về những đứa trẻ xa xôi nơi cực Tây Tổ quốc. Sau cùng, Trung không phải người viết ra câu chuyện cổ tích mà chỉ đơn thuần là chàng trai đi tìm hạnh phúc từ sự ấm no của 12.000 học sinh thiểu số và có lẽ sẽ còn nhiều hơn thế.

Thanh Thuý

Ảnh: NVCC