Chàng trai Cần Thơ bán vàng và 6 chiếc xe máy, nấu cơm tặng người nghèo
(Dân trí) - Anh Giang đã bán vàng và 6 chiếc xe máy để 3 tháng qua, mỗi ngày bỏ ra 7 triệu đồng, đều đặn nấu 500-700 phần cơm tặng bà con khó khăn ở bệnh viện, nhà trọ và người vô gia cư.
Từ 5h sáng, căn bếp "dã chiến" được anh Nguyễn Hoàng Giang (33 tuổi, ở quận Cái Răng, Cần Thơ) trưng dụng từ garage sửa xe đã đỏ lửa. Người vo gạo, kẻ nhặt rau củ, sơ chế thịt cá... Âm thanh của các vật dụng bếp núc cứ vang lên liên tục.
Gọi là bếp ăn "dã chiến" vì nơi đây là nơi sửa xe ô tô của anh Giang, nhưng trong suốt thời gian Cần Thơ giãn cách xã hội, anh đã tận dụng không gian tiệm thành gian bếp nấu cơm từ thiện phục vụ bà con nghèo trong mùa dịch.
Anh Nguyễn Hoàng Giang tâm sự, anh vốn là trẻ mồ côi, tuổi thơ trải qua không biết bao nhiêu trắc trở nên phần nào thấu hiểu được sự khốn khó của những phận đời cơ cực.
"Thời điểm này, bà con rất cần được sự giúp đỡ. Bản thân tôi cũng kinh doanh nhỏ lẻ nên tôi cố gắng giúp đỡ mọi người hết khả năng. Ba tháng qua, công việc của tôi cũng trì trệ vì dịch bệnh nhưng tôi nghĩ rằng thời gian trước mình đã có dư giả, giờ là lúc mình san sẻ khó khăn với mọi người", anh Giang tâm sự.
Cũng theo ông chủ trẻ U40, ban đầu anh hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm cho các xóm trọ, khu phong tỏa, khu cách ly và nấu khoảng vài chục suất cơm cho bệnh nhân ở một số bệnh viện. Song, nhu cầu cần thực phẩm càng nhiều, anh quyết định tặng từ 500-700 suất/ngày. Ước tính chi phí nấu cơm bỏ ra mỗi ngày khoảng 7 triệu đồng.
Hiện, bếp ăn của anh Giang có khoảng 10 thành viên. Tất cả thành viên đều là người nhà, bạn bè hoặc học viên của garage. Nếu ngày thường, anh Giang và các học trò phải cầm tua vít, tay lấm lem dầu nhớt thì những ngày qua thứ họ đụng đến là nồi, niêu, xoong, chảo…
Anh Giang cho biết, điều khó nhất đối với các đầu bếp của anh là phải làm sao thay đổi thực đơn món ăn mỗi ngày cho đa dạng, phong phú hơn.
Anh Lê Chí Cường (33 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, Cần Thơ) là bếp chính chia sẻ: "Để có được mấy trăm phần cơm kịp phân phát vào lúc 11h trưa, chúng tôi phải chuẩn bị từ ngày hôm trước. Những ngày đầu khi mới bắt tay vào nấu, chúng tôi khá vất vả khi tìm nguyên liệu.
Thực đơn mình cũng thay đổi thường xuyên, thông thường sẽ có 3 món gồm canh, kho, xào. Hôm nào có mua được trái cây thì bổ sung thêm. Ngoài cơm trưa, bà con sẽ được tặng thêm một bó rau củ".
Cơm canh chuẩn bị xong sẽ được anh Giang và các "cộng sự" bốc xếp lên xe để mang đến trao cho công nhân, sinh viên mắc kẹt trong khu phong tỏa, cách ly và các bệnh viện ở quận Ninh Kiều. Số còn lại, anh sẽ để tại garage cho người dân đến nhận.
Nhiều ngày nhận được những phần cơm thơm ngon, nóng hổi của anh Giang, ông Võ Văn Trung (57 tuổi, chạy xe ôm ở quận Cái Răng) xúc động nói: "Mừng lắm con ơi, trước kia chú chạy xe ôm, giờ nghỉ dịch ngồi ở nhà, có kiếm tiền được đâu. Hộp cơm này có thể ăn cả ngày, giờ khó khăn quá mình phải tiết kiệm thôi. Mong dịch mau qua để mọi người có việc để làm".
Được biết, toàn bộ hoạt động nấu cơm và tặng nhu yếu phẩm đều là do anh Giang tự túc và anh không kêu gọi hỗ trợ. Nếu có mạnh thường quân muốn đồng hành, anh chỉ xin nhận rau củ hay các mặt hàng thiết yếu.
Cứ thế, mấy mươi ngày qua đã có hàng chục tấn gạo, rau củ và hàng trăm ngàn suất cơm gửi đến cho các hoàn cảnh khốn khó lúc dịch bệnh. Để có đủ kinh phí duy trì những hoạt động này, anh Giang đã bán đi 6 chiếc xe máy và một ít vàng mà vợ chồng anh dành dụm được với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.
Chị Lý Thị Ngọc Nga (28 tuổi) vợ anh Giang bộc bạch: "Lúc chồng đòi bán xe, bán vàng, tôi có khuyên can vì lúc đó tôi mới sinh bé thứ hai, garage tạm ngừng kinh doanh, hàng tá chi phí phải chi trả nữa. Nhưng thấy chồng rầu rĩ vì không giúp được mọi người nên tôi ủng hộ chồng và đồng hành cùng anh ấy giúp đỡ bà con".
"Những phần cơm "0 đồng" không chỉ là món quà đơn giản trao cho người lao động nghèo mà đó còn là cả tấm lòng của chúng tôi dành cho mọi người. Món quà, niềm hạnh phúc lớn nhất mà chúng tôi mong nhận được chỉ đơn giản là nụ cười của họ" - anh Giang nói. Bản thân anh Giang vẫn sẽ tiếp tục duy trì bếp ăn trong thời điểm giãn cách và sau khi dịch qua đi.