CEO Phan Minh Thông: “K – Coffee cùng nông dân làm cà phê chuẩn quốc tế UTZ và BRC”
(Dân trí) - Trước những bàn luận nhiều chiều về vấn đề cà phê Việt đang “nóng” trên truyền thông, mạng xã hội, anh Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện này.
Thị trường nội địa rất tiềm năng
Luôn trăn trở với câu hỏi “Tại sao những hạt cà phê ngon nhất lại chỉ dành cho người nước ngoài?”. Vậy, anh có thể nêu quan điểm của mình về vấn đề này?
Anh Phan Minh Thông: Tôi cho rằng, đó là nghịch lý ở một quốc gia cà phê Việt Nam. Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã là nước xuất khẩu nguyên liệu hàng đầu thế giới như: Cà phê, gạo, hạt tiêu. Tuy nhiên, chúng ta lại rất thiếu các sản phẩm thành phẩm. Có rất nhiều thứ chúng ta nhập khẩu.
Đồng thời cũng rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tổ chức sản xuất và bán những sản phẩm đó, với nguyên liệu xuất xứ từ Việt Nam cho chính chúng ta. Người Việt cũng tham gia sản xuất và bán những sản phẩm đó, nhưng không chiếm được nhiều thị phần và không đưa ra được nhiều sản phẩm “danh tiếng” của ngành hàng này, ngoài danh tiếng xuất khẩu thô.
Một nghịch lý khác là Việt Nam chúng ta xuất khẩu 30% lượng cà phê phục vụ cho nhu cầu trên toàn thế giới. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại tình trạng, không ít người tiêu dùng lại không được uống cà phê đúng 100%, dù cà phê không phải mặt hàng cao giá.
Thậm chí, trên thị trường xuất hiện xuất hiện cả sản phẩm cà phê hóa chất, độn đậu nành, bắp... mà không phải cà phê thật. Câu hỏi là do đâu tồn tại thức uống không an toàn? Có lẽ do các công ty thực phẩm chưa lãnh trách nhiệm này, hay các nhà máy sản xuất nhỏ lẻ không chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đó phải chăng là nguyên nhân khiến anh kinh doanh cà phê nguyên chất? Cho ra đời K - Coffee từ năm 2016, lí do gì để đến năm 2018, anh mới chính thức ra mắt sản phẩm này?
Anh Phan Minh Thông: Sau nhiều năm ra làm cà phê, tôi biết phân biệt đâu là cà phê nguyên chất và pha trộn. Từ đó có ý tưởng mang máy móc, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài về sản xuất cà phê nguyên chất.
Tôi cho rằng, thị trường nội địa rất tiềm năng là cơ hội để mình có thể cung cấp cho mọi người thức uống cà phê tốt nhất. Vậy nên, năm 2016, Phúc Sinh cho ra đời thương hiệu K - Coffee. Sau 2 năm, chúng tôi đã phân phối vào khắp các hệ thống siêu thị trong nước và tôi nghĩ, đã đến lúc phải làm truyền thông, giới thiệu các nhãn hiệu tốt của doanh nghiệp, phục vụ người tiêu dùng, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Thương hiệu cà phê đạt chuẩn UTZ
Đã từng có doanh nghiệp tuyên bố sẽ làm 100% cà phê nguyên chất nhưng sau đó bị “ném đá”. Nay, anh tuyên bố sản phẩm cà phê nguyên chất, liệu có “dẫm lên vết xe đổ” đó?
Anh Phan Minh Thông: Ngay từ khi ra đời, K - Coffee đã làm cà phê nguyên chất. Xác nhận cà phê nguyên chất của chúng tôi được truy xuất nguồn gốc. K - Coffee đạt chuẩn UTZ (tiêu chuẩn xuất khẩu của Hà Lan) là chứng nhận sản phẩm đạt đúng quy trình từ khâu trồng, thu hoạch cho đến thành phẩm. Đó là tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc để người trồng cà phê phải đặt uy tín của mình lên từng tách cà phê.
UTZ cũng là chứng nhận về sản xuất bền vững, sản phẩm được kiểm soát từ trang trại đến sản phẩm cuối cùng… Đó là điều hiện tại vẫn là duy nhất ở Việt Nam mà chỉ chúng tôi có được.
Hơn nữa, khi ghi trên nhãn hiệu 100% cà phê nguyên chất nghĩa là chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng. Bất kì lúc nào, ở nơi nào… họ có thể kiểm tra, nếu không phải 100% nguyên chất, chúng tôi sẽ bị thu hồi sản phẩm. Đồng thời, chiến lược, cũng như mong muốn của tôi là theo đuổi ước mơ “Người Việt Nam được quyền uống cà phê chất lượng Châu Âu” nên không bỏ cuộc.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. K – Coffee cũng đã xuất khẩu, anh có thể nhìn nhận những thách thức của thương hiệu cà phê Việt?
Anh Phan Minh Thông: Với tôi, thách thức là thị trường Việt Nam. Thị trường nội địa đối với tôi mới là quan trọng. Bởi lẽ, để cho người Việt có quyền, khi gọi ly cà phê thì uống đúng cà phê thật. Làm thế nào để người dân được uống cà phê chất lượng châu Âu - Đó là điều rất quan trọng và là thách thức lớn nhất.
Chúng tôi luôn trăn trở, làm thế nào để người Việt Nam được uống cà phê chuẩn, các doanh nghiệp làm chuẩn chất lượng, chứ không phải quảng cáo bây giờ mới bán cà phê nguyên chất, “treo đầu dê, bán thịt chó”. Tôi không hài lòng như vậy, đó cũng là điều thúc đẩy Phúc Sinh quay về thị trường Việt Nam để làm. Tôi muốn chinh phục thị trường nội địa để người Việt có nhiều quyền lựa chọn với các sản phẩm tốt, chất lượng hơn.
Anh kỳ vọng trong bao lâu có thể thay đổi khẩu vị cà phê của người Việt?
Anh Phan Minh Thông: Khẩu vị cà phê của người Việt Nam đã hình thành suốt gần 40 năm qua, nhiều người chọn cà phê pha trộn. Quan điểm của tôi, nếu có người gọi một ly cà phê thì họ phải thực sự được một ly cà phê chuẩn. Chúng tôi muốn cho người tiêu dùng biết được đâu là cà phê nguyên chất và đâu không phải cà phê nguyên chất.
Trong vòng 2- 3 năm nay, người dân Việt Nam hướng tới uống cà phê nguyên chất, đấy là tín hiệu tốt. Tôi nghĩ rằng, Phúc Sinh chỉ như “một cánh én nhỏ” nhưng sẽ có thể tạo nguồn cảm hứng cho các công ty khác, để họ thấy đúng và kết hợp với K – Coffee thực hiện điều tôi mong đợi.
Bằng cách tạo ra sản phẩm tốt, giới thiệu, truyền thông, làm giáo dục, định hướng…, người tiêu dùng Việt Nam sẽ chọn cà phê tốt và thay đổi khẩu vị. Tôi mong rằng, với những cố gắng của chúng tôi, 5 - 10 năm tới, chúng ta có 40 % tỷ lệ người chọn uống cà phê nguyên chất.
Xin trân trọng cảm ơn anh!
Bích Ngọc