Câu chuyện người xe ôm ở buồng lấy mẫu tinh trùng
Câu nói của người lái xe ôm tình nguyện đến hiến tinh trùng khiến nữ điều dưỡng nghẹn lòng. Ông mong việc làm thầm lặng của mình có thể mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho gia đình nào đó.
Lâu nay, người ta hay nhắc đến việc hiến máu nhân đạo như một nghĩa cử cao đẹp, cứu giúp người bệnh. Tuy nhiên hành động hiến tinh trùng - cơ hội gúp đỡ những cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn do nguyên nhân từ chồng lại được ít người quan tâm.
Nghĩa cử của người lái xe ôm nghèo
Theo chị Ngô Thị Yến (SN 1976) - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), ngân hàng tinh trùng ở Việt Nam đã được thành lập nhiều năm nay nhưng tỉ lệ người đến hiến tự nguyện rất thấp.
Do vậy để xin được tinh trùng, nhiều cặp vợ chồng phải xếp hàng chờ đợi hoặc muốn nhanh thì tìm người quen đến đổi mẫu.
Chị Yến cho biết thêm, đối tượng hiến phần lớn là sinh viên đại học, các thanh niên trẻ, người có trình độ nhưng thỉnh thoảng cũng có người lao động tay chân như xe ôm, công nhân.
Lý giải việc khan hiếm người đến hiến tinh trùng, chị Yến chia sẻ, một phần do tâm lý e dè, lo lắng con ruột của mình lấy nhau gây cận huyết…
Điều này có thể xảy ra nhưng rất khó ở một nước có dân số đông như Việt Nam. Ở nước ngoài, mỗi người có thể hiến cho 5 đến 6 người nhận.
Bên cạnh đó, để chọn được mẫu hiến đạt tiêu chuẩn, người hiến phải xin nghỉ việc, dành thời gian khoảng 3 - 4 lần lên bệnh viện làm các thủ tục xét nghiệm sàng lọc. Trung bình quy trình hiến diễn ra trong vòng 6 tháng mới hoàn thành.
Nhiều người ban đầu đến hiến khá hào hứng, nhiệt tình nhưng khi nghe các y, bác sĩ hướng dẫn quy trình làm kéo dài thì họ rút lại ý định.
Nữ điều dưỡng SN 1976 chia sẻ, số lượng người đến hiến không nhiều nhưng chị từng được chứng kiến những tình huống bi hài ở phòng hiến tặng tinh trùng.
Như trường hợp người đàn ông khoảng 35 tuổi ở Hà Nội 4 tháng trước. Người này bày tỏ nguyện vọng được hiến tinh trùng, sau khi lấy máu làm xét nghiệm, anh ta được y tá đưa vào phòng lấy mẫu.
Nghe cô y tá hướng dẫn phải tự cho tinh trùng ra lọ chuyên dụng, người đàn ông này quay lưng bỏ về.
“Họ tưởng được hiến trực tiếp cho đối tác nên mới đến, khi biết hiến gián tiếp như vậy thì không đồng ý nữa”, chị Yến kể.
Một trường hợp khác là nam sinh viên 22 tuổi đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia vào giữa năm 2017.
Nam thanh niên này hào hứng muốn làm các thủ tục ngay. Thế nhưng khi nghe chị Yến phân tích việc hiến tặng hoàn toàn tự nguyện, không nhận được bất cứ khoản chi phí nào ngoài việc được xét nghiệm các bệnh di truyền, lây nhiễm, nam thanh niên này đã từ chối.
Ngoài ra, nhiều trường hợp đến hiến, mặc dù vật vã cả tiếng đồng hồ họ vẫn không thể đưa tinh binh ra lọ được. Cuối cùng, họ đành bỏ cuộc.
“Các trường hợp đến hiến ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi cũng ít khi đi sâu xem họ là người ra sao, tìm hiểu xem lý do đâu mà họ muốn hiến mà chỉ khai thác những thông tin cơ bản.
Nhưng câu chuyện về người xe ôm nghèo cách đây 2 năm đã đọng lại trong tôi rất nhiều cảm xúc đặc biệt” - điều dưỡng Yến nói.
Sáng hôm đó, một người đàn ông dáng cao gầy, da đen sạm đến bộ phận tiếp nhận bày tỏ nguyện vọng của mình.
Ông ta giới thiệu mình 48 tuổi, hành nghề xe ôm, chưa kết hôn bao giờ. Qua báo đài, ông biết được nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khó khăn trong việc sinh con do không có tinh trùng. Nhận thấy việc làm ý nghĩa đó nên ông quyết định đến hiến.
Chị Yến kể tiếp: “Thấy người xe ôm đó chân thành, nói chuyện hiểu biết, tôi khá ấn tượng. Tôi khuyên ông nếu có cơ hội nên lấy vợ, sinh con. Nhưng ông ta tâm sự trước đây từng trải qua cú sốc tình cảm, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, phải nuôi mẹ già yếu nên không có ý định lập gia đình. Việc đi hiến ông cũng bàn bạc với mẹ và nhận được sự ủng hộ của bà.
Ông ấy bộc bạch: “Hạnh phúc gia đình, sinh con ai cũng muốn có nhưng hoàn cảnh không cho phép thì tôi tặng lại niềm vui đó cho người khác. Âu cũng là việc tử tế ở đời”.
Câu nói đó đã khiến tôi lặng người vì xúc động. Qua những đợt xét nghiệm kiểm tra, cho thấy mẫu tinh trùng của người xe ôm đạt tiêu chuẩn và sau đó đã được chúng tôi lưu tại ngân hàng”.
Khát khao làm mẹ của cô gái đồng tính
Mỗi ngày, ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia tiếp nhận rất nhiều hồ sơ xin tinh trùng trong ngân hàng lưu trữ làm thụ tinh ống nghiệm.
Chị Yến cho biết, đối tượng nhận tình trùng phải nằm trong hai trường hợp. Thứ nhất là cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh do người chồng không có tinh trùng. Thứ hai đối tượng phải là phụ nữ độc thân, có nhu cầu sinh con.
Nữ điều dưỡng trải lòng, nhiều năm làm công việc này, chị cảm thông với nhiều trường hợp đến xin tinh trùng. Đặc biệt là người phụ nữ lựa chọn cuộc sống mẹ đơn thân.
Vẫn theo lời chị Yến, 7 tháng trước, một cô gái khoảng 30 tuổi, có diện mạo sang trọng, xinh đẹp, cử chỉ rất nhã nhặn tìm đến trung tâm. Cô gái chia sẻ, mình làm nhân viên tại một công ty tài chính, có thu nhập tốt nhưng không muốn lấy chồng mà muốn làm thụ tinh ống nghiệm, sinh con.
Thấy cô gái thông minh, nghề nghiệp ổn định, cách nói chuyện từ tốn, nhẹ nhàng chị lựa lời phân tích, đưa ra các khó khăn khi nuôi con một mình để cô gái suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện.
"Tôi luôn mong tất cả mọi người đều có mái ấm hạnh phúc của mình. Bởi vậy khi họ đến xin tinh trùng, bao giờ tôi cũng khuyên họ cân nhắc thấu đáo mọi chuyện.
Tuy nhiên, cô gái đó vẫn cương quyết với ý định của mình. Sau một hồi tâm sự khá lâu, cô gái mới bộc bạch mình là người đồng tính. Dù hiện ở Việt Nam đã cởi mở hơn về vấn đề này nhưng cô không muốn bố mẹ biết.
Thay vì tổ chức đám cưới giả để che mắt mọi người trong gia đình, cô quyết định xin tinh trùng làm thụ tinh ống nghiệm, trở thành mẹ đơn thân", chị Yến trải lòng.
Theo Vietnamnet