Cảnh thu hoạch hồng vành khuyên trên núi cao vùng biên ải
(Dân trí) - Cây hồng sống trên đồi núi dốc, khi chín được bà con hái về ngâm trong nước 2 ngày, 2 đêm để khử vị chát, sau đó để thêm 1 ngày nữa để hồng lên bột, như vậy ăn mới giòn, có vị ngọt thanh, mát.
Qua gần 20 năm gây dựng diện tích trồng hồng vành khuyên bản địa, người dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã xem đây là hướng đi chính giúp xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương giàu đẹp. Đây là giống hồng ngâm, sau khi thu hoạch, hồng phải được ngâm 2 ngày trong nước mới có thể sử dụng.
Nhắc đến vành khuyên nhiều người sẽ nghĩ đây là tên một loài chim. Nhưng cái tên của hồng vành khuyên lại có nguồn gốc khác. Phần đài hoa của quả hồng hằn trên núm, tạo nên vành rộng như khuyên tai của người phụ nữ đồng bào dân tộc nên mới có tên hồng vành khuyên.
Cây hồng vành khuyên được người nông dân trồng bằng cách chiết tách rễ cây trưởng thành. Sau 3 năm chăm bón, cây sẽ cho thu hoạch vụ quả đầu tiên.
Từ 5 năm tuổi trở lên, cây hồng bắt đầu đạt sản lượng cao nhất. Các đồi, núi đá của huyện Văn Lãng được phủ xanh cây hồng vành khuyên với tuổi đời từ 5 – 20 năm.
Thời gian thu hoạch hồng vành khuyên từ tháng 7 đến tháng 9 Âm lịch. Hồng chín ngả màu vàng, chín không đều nhau nên ngày nào cũng phải thu hái để hồng không bị hỏng. Từ 5h sáng, những người nông dân Văn Lãng đã bắt đầu mang theo túi vải để hái hồng chín.
Giá hồng thu hoạch từ 15.000 đồng đến 18.000 đồng/ kg. “Năm nay hồng vành khuyên được mùa. Sản lượng cao gấp đôi so với năm ngoái nhưng lại bị hạn hán nên quả không to, giá hồng cũng thấp hơn nhiều so với năm 2019”, ông Đinh Long Xuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Lãng chia sẻ. Dự kiến, tổng sản lượng hồng vành khuyên thu hoạch được trong năm 2020 là khoảng hơn 4.000 tấn.