Cần Thơ: Nhọc nhằn nghề "làm sạch" chợ trên sông
(Dân trí) - Cũng là nghề sông nước, cũng kéo, cũng vớt, nhưng 3 thành viên thuộc đội môi trường đô thị Cái Răng (TP Cần Thơ) thu về không phải là cá tôm ấp đầy mà lại toàn là... rác. Họ là những người gần 4 năm qua vớt rác trên chợ nổi Cái Răng.
Anh Nguyễn Chí Thành, Tổ trưởng đội môi trường đô thị quận Cái Răng cho biết, đội có 3 người gồm anh Châu Hoàng Dũng (47 tuổi, ngụ ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), Huỳnh Văn Lành (37 tuổi, ngụ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) và Nguyễn Chí Nguyện (32 tuổi, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).
“Đây là những người rất rành về thủy tính nên công ty đã tin tưởng, giao cho các anh phụ trách công việc làm sạch chợ nổi Cái Răng. Từ đó góp phần cho việc quảng bá hình ảnh nơi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của TP Cần Thơ”, anh Thành cho biết.
Mỗi ngày, từ hơn 5h sáng, những thành viên trong tổ đã tập trung tại bến neo tàu để kiểm tra, chuẩn bị phương tiện. Trời càng sáng tỏ, nước sông càng chảy mạnh, anh Nguyện nhanh tay điều khiển chiếc tàu của mình rẽ dòng nước tiếp cận về phía bờ.
Ven sông, len lỏi giữa đám lục bình là vô số hộp xốp, túi nilon, chai lọ cùng một thùng xốp đựng xác động vật bốc mùi. Hai thành viên còn lại nhanh tay vớt liên hồi.
Chưa giải quyết xong đám rác, một người phụ nữ xuất hiện, vất nguyên một cái bao bố xuống sông trôi lềnh bềnh ngay trước mặt các anh. Anh Lành lặng lẽ vớt “tang vật” lên tàu trước ánh mắt có vẻ ngượng ngùng của người phụ nữ.
“Nhiều khi họ nghĩ vớt rác là trách nhiệm của chúng tôi nên họ cứ vô tư xả xuống. Nhiều khi cũng buồn, nhưng việc mình, mình vẫn phải làm”. Anh Lành bùi ngùi.
Vừa đưa một mớ bắp cải hỏng lên tàu, anh Dũng kể lại, có lần anh cùng tổ đang vớt rác thì phát hiện chủ ghe đang xả rác xuống sông. Anh liền ngăn không cho ném xuống, người này tỏ vẻ hằn học còn lớn tiếng nói rằng các anh cản trở việc buôn bán của họ.
Buổi sáng sớm, nắng không gay gắt lắm, nhưng công việc vất vả, khiến chiếc áo xanh của anh Dũng ước đẫm mồ hôi. “Nghề quét rác cực, nhưng vớt rác còn cực hơn. Nước thấm vào rác vừa nặng vừa bốc mùi tanh rất khó chịu. Nếu không quen thì dễ dàng bỏ việc ngay”. Vừa đưa một túi nilong lên tàu, anh Dũng vừa nói.
Nghề quét rác đã khổ, vì quanh năm phải đối mặt với nhiều thứ giơ bẩn, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thì đối với những người vớt rác trên sông còn bị ảnh hưởng đến sức khoẻ nhiều hơn. Do tính chất công việc ngoài trời, lại đầm mình trên sông nước nên đôi khi còn phải đối diện với nhiều rủi ro. Sợ nhất là những ngày mưa gió, phải vật lộn với chiếc đò mới mong đi khắp một vòng để vớt hết rác.
Thu nhập của mỗi công nhân chỉ khoảng 4 triệu mỗi tháng, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với các anh, mưu sinh vì cuộc sống gia đình là một lẽ, song điều quan trọng vẫn là sự tâm huyết với nghề. “Công việc mình làm góp phần cho môi trường xanh sạch đẹp. Hơn nữa mình đã quen với cuộc sống, với công việc này rồi nên nếu kêu làm việc khác thì tôi sẽ không làm”, anh Lành bày tỏ.
Trước khi anh em ra về chợ nổi con sạch bong, không chút rác. Nhưng chỉ một đêm, lục bình và rác từ các nơi lại xuất hiện, khiến anh em lại được một ngày vất vả. Nhìn bóng dáng những công nhân môi trường lênh đênh nơi sóng nước, họ quá nhỏ bé giữa dòng sông mênh mông.
Lê An