"Cần câu cơm Thạch Sanh" độc nhất vô nhị của 2 cụ bà Sài Gòn
Dịch bệnh bùng phát, người cao tuổi tạm gác "chuyện dưỡng già", chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ tham gia các bếp ăn từ thiện, họ còn bỏ tiền túi mua gạo, nấu cơm rồi chở đi tặng người nghèo.
Tuổi già tham gia bếp cơm từ thiện
Trời vừa hửng sáng, bà Huỳnh Thị Mỹ Hạnh (61 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) vớ lấy chiếc nón lá, đi thẳng đến bếp cơm từ thiện Phước Thiện (huyện Bình Chánh). Đã 6 năm qua, bà cùng các mạnh thường quân tại đây chuẩn bị những phần cơm có thịt miễn phí cho người nghèo.
Bà chia sẻ: "Lớn tuổi rồi, tôi chỉ ở nhà bán tạp hóa. Tuy nhiên, khi nghe ở đây có bếp cơm từ thiện, chuyên nấu cơm cho người nghèo, tôi liền đến xin được góp sức".
"Nhiệm vụ của tôi là hàng sáng đến bếp cơm để rửa rau, gọt củ, phụ giúp nấu nướng. Khi cơm chín, các món ăn hoàn tất, tôi lại cùng mọi người cho cơm, canh, thức ăn vào hộp. Đến trưa, sẽ có người đến nhận các suất cơm này đi gửi cho người nghèo", bà nói thêm.
Bà nói, trước đây, khi bán quán ở nhà, bà thường thấy nhiều mạnh thường quân, chủ bếp cơm từ thiện đến mua thực phẩm. Nhiều lần để ý, bà biết được họ tổ chức nấu cơm tặng người nghèo nên tình nguyện góp sức.
"Tuy không đóng góp được nhiều nhưng tôi thấy rất vui và hạnh phúc vì có thể cùng mọi người chung tay san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đặc biệt, trong mùa dịch, những người khó khăn lại càng thêm chật vật. Nhiều người không đủ tiền mua cơm ăn ngày 3 bữa. Các bếp cơm từ thiện như thế này sẽ phần nào giúp đỡ được họ vượt qua thời khắc khó khăn", bà nói.
Cách vị trí bà Hạnh ngồi không xa là cụ bà tóc đã bạc đang thoăn thoát xếp những hộp cơm vào các túi lớn. Khi được hỏi tên, bà chỉ mỉm cười và cho biết năm nay, bà đã bước sang tuổi 86. Bà nói, tuổi cao nhưng bà còn minh mẫn, tay chân còn nhanh nhẹn nên đến bếp cơm phụ giúp mọi người.
Khi biết tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người bị ảnh hưởng, bà rất muốn được góp sức hỗ trợ, giúp đỡ. Thế nên, biết đến bếp cơm, cụ bà đã lập tức đến xin tham gia, phụ giúp khâu bỏ cơm, thức ăn vào hộp để đem gửi tặng người nghèo.
Trong khi đó, nhiều ngày qua, khu vực phía trước bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (Quận 8, TP.HCM) tập hợp nhiều mạnh thường quân đến gửi, phát cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo. Trong số này, có bà Sử Thị Sắc Nhung (63 tuổi).
Bỏ tiền túi mua gạo, nấu cơm cho bệnh nhân nghèo
Người dân tại đây cho biết, bà Nhung có thâm niên hơn 10 năm phát cơm từ thiện cho người nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tránh việc người bệnh tụ tập đông trước cổng, bệnh viện tạm thời không cho bệnh nhân ra ngoài nhận cơm từ thiện.
Việc này khiến nhiều mạnh thường quân dừng việc phát, gửi tặng cơm. Tuy nhiên, bà Nhung vẫn tiếp tục nấu cơm, tự dùng xe máy chở đến bệnh viện gửi cho bệnh nhân nghèo bằng cách đưa qua tường rào bệnh viện.
Ngày chúng tôi có mặt, bà Nhung vừa gửi xong trên 50 phần cơm cùng một số thực phẩm khác cho các bệnh nhân. Bà nói, trước đây, bà vẫn tự tay đi chợ, nấu cơm rồi đem tặng bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên, thời gian này, do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nhiều người khó khăn, bà cần tăng thêm nhiều phần cơm.
"Dẫu vậy, tuổi đã cao, một mình tôi nấu không xuể. Do vậy, ngoài những phần tự nấu mỗi ngày, tôi đến các chùa, bếp cơm từ thiện xin thêm cơm rồi chở đến bệnh viện phát. Mỗi ngày như thế, tôi xin được trên 30 phần cơm nữa", bà Nhung chia sẻ.
Thấy bà cực, một người bạn của bà cũng chung tay góp sức chở cơm, phát cho người nghèo. Trong cái nắng như thiêu đốt giữa trưa, hai bà lưng ướt mồ hôi vẫn cố gắng gỡ từng túi lớn đựng những phần cơm được chất đầy trên chiếc xe máy cũ xuống vỉa hè.
Tại đây, hai bà gửi từng hộp qua tường rào bệnh viện bằng một chiếc xô có dây kéo tự chế. Phía bên kia tường rào, những người đại diện nhận cơm sẽ đem vào bên trong phát cho các bệnh nhân khác. Ngoài cơm, bà còn gửi thêm cho người nghèo bánh mì, xúc xích, mì gói, cá hộp, cháo…
Bà cho biết, toàn bộ chi phí để nấu các phần cơm từ thiện đều đến từ số tiền dưỡng già của mình. "Hàng tháng, các con đều gửi cho tôi một số tiền nhỏ. Tôi tích góp số tiền này để mua gạo, thức ăn về nấu, phát miễn phí cho người khó khăn hơn mình và các bệnh nhân nghèo trong bệnh viện", bà Nhung chia sẻ.
"Bệnh tật đã khổ, đã tốn kém rồi giờ thêm dịch bệnh nữa những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn lại càng thêm thắt ngặt. Nhiều người chỉ dám mua hộp cơm để 2 vợ chồng ăn từ sáng đến chiều. Thế nên, tôi cứ cố gắng hỗ trợ họ được phần nào hay phần đó", bà chia sẻ thêm.