Cận cảnh dàn loa quân đội độc nhất vô nhị của “tay chơi” phố cổ
(Dân trí) - Bắt đầu sưu tầm năm 1986, đến nay dàn loa quân đội của anh Lê Tuấn Nghĩa (Lãn Ông – Hà Nội) sở hữu gần như đầy đủ các bộ phận và vẫn còn hoạt động tốt. Đây là dàn loa quân đội duy nhất còn lại ở Việt Nam, dù đã nhiều lần được hỏi mua với giá “khủng” song anh Nghĩa quyết giữ lại làm kỷ vật của riêng mình.
Anh Lê Tuấn Nghĩa (tên thường gọi là Nghĩa Army, sinh năm 1967) là “gã” trai gốc phố cổ Hà Nội. Thừa hưởng tinh thần nghệ sĩ của bố - xưa là một người “chơi” ảnh và mẹ từng là hoa khôi nức tiếng Hà Thành, anh Nghĩa sớm phát hiện ra đam mê của bản thân với những đồ dùng quân đội, đặc biệt là các loại loa, amply, đầu đĩa…
Trên căn gác nhỏ phố Lãn Ông còn vương mùi thuốc bắc, anh Nghĩa trưng bày toàn bộ gia tài vô giá mà anh đã mất hơn nửa cuộc đời mình để sưu tầm và gìn giữ.
Dàn loa anh đang sở hữu là dàn loa quân đội được sử dụng trong thời kháng chiến chống Mỹ. Đây cũng là bộ cuối cùng còn lại ở Việt Nam có gần đủ các bộ phận và vẫn có thể phát ra âm thanh chất lượng tốt đến thời điểm hiện tại.
Bắt đầu với niềm đam mê âm nhạc, anh Nghĩa sưu tầm nhiều băng đĩa, thiết bị âm thanh từ khi còn đi học cấp 3.
30 năm đi dọc Việt Nam tìm phụ tùng loa quân đội
Xuất phát từ niềm yêu thích đặc biệt với những bản nhạc vàng, nhạc tiền chiến, nhạc đồng quê, Jazz Blue… những năm 80 khi còn là học sinh, anh Nghĩa bắt đầu sưu tập các bộ đầu đĩa, loa, âm ly cổ, băng nhạc thời xưa.
Dàn loa có hàng trăm bộ phận linh kiện, mỗi món đồ lại được anh Nghĩa tìm mua từ những chủ nhân khác nhau trên khắp cả nước.
Ngày còn đi học chưa có nhiều tiền, anh phải dành dụm tiền ăn sáng hoặc xin tiền bố mẹ để mua cho bằng được loại băng đĩa mình thích. Khi đi làm, anh cũng dốc hết tiền của vào bộ sưu tập của mình. Những chiếc đĩa ngày đó được mua với giá vài đồng.
Đầu băng cối dân dụng, đầu Akai loại X200D, bộ âm thanh bóng đèn David Bogen… đều không phải những thứ quá đắt đỏ nhưng rất khó để sở hữu được.
Anh Nghĩa kể hồi xưa chơi không có hội, câu lạc bộ online, offline như các bạn trẻ bây giờ, chỉ lủi thủi 1 mình với sở thích của bản thân. Thậm chí nhiều người còn thấy anh như “kẻ lập dị” khi mang về nhà những món đồ không giống ai.
Trung bình mỗi bộ phận khoảng 5 – 7 triệu tùy món. Trong đó món đắt nhất khoảng 40 triệu, anh Nghĩa mua từ những năm 90.
Nhưng dường như tình yêu âm nhạc và “máu” sở hữu đồ đạc đã ăn sâu vào con người anh Nghĩa. Về sau, khi làm Giám đốc một công ty Hội chợ Quốc tế, anh càng có điều kiện để đi khắp nơi, tìm kiếm những món đồ độc lạ hoặc những mảnh ghép của dàn loa để tự thỏa mãn đam mê của bản thân.
“Tay chơi” phố cổ cho biết, lý do anh thích loa quân đội mà không phải loại loa nào khác bởi thiết kế khỏe khoắn, độ bền cao và chất lượng linh kiện luôn là số 1. Bên cạnh đó, dòng loa này cũng phù hợp với những thể loại nhạc anh yêu thích, chủ yếu là nhạc tiền chiến.
Sự kết hợp của bộ loa cổ với những đồ đạc xưa gợi nhớ về những năm tháng trong quá khứ.
Dàn loa quân đội “khủng” mà anh Nghĩa đang sở hữu đến tận thời gian gần đây mới có gần đủ bộ phận và anh vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những mảnh ghép còn lại.
Anh Nghĩa cho biết, để tìm mua được dàn loa như hiện nay, anh đã phải tìm đến những địa điểm là chiến trường xưa. Từ Vinh, Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Sài Gòn… Mỗi nơi một ít, mang về ghép lại thành dàn loa hoàn thiện, bảo trì để chúng phát ra chất lượng âm thanh tốt nhất.
Từng chi tiết khiến cho không gian của của căn phòng trở nên độc nhất vô nhị.
“Đây là những món đồ nguyên bản nên phải mất hàng chục năm tôi mới sưu tầm đủ. Có thứ tình cờ gặp trong thời gian đi công tác, cũng có thứ được anh em cùng sở thích giới thiệu tìm mua”, anh Nghĩa chia sẻ.
“Với tôi là đam mê nên dàn loa này là… vô giá”
Dàn loa quân đội của anh Nghĩa là tổng thể nhiều mảnh ghép khác nhau, khi thiếu bộ phận sẽ không phát ra được âm thanh hoặc âm thanh chất lượng không tốt. Những bộ phận, linh kiện trong dàn loa được mua với giá dao động từ 5 – 7 triệu một món tùy loại và tùy hoàn cảnh tìm được món đồ đó.
Đây là bộ loa quân đội cuối cùng ở Việt Nam có gần đủ bộ phận và vẫn có thể phát ra âm thanh êm tai.
Bộ phận đắt nhất mà “tay chơi” phố cổ từng phải chi trả để sở hữu trị giá khoảng 40 triệu, mua từ những năm 90.
Riêng bộ amly quân sự cổ, anh đã phải “lùng” khắp dải đất miền Trung và qua nhiều lần trả giá mới mua được. Đây là một sản phẩm được sản xuất bởi tập đoàn Webster Chicago (Mỹ) từ những năm 1940 đến năm 1950, trên thân máy còn ghi dòng chữ USARMY/ WEBSTER CHICSGO CORP.
Hiện nay, anh Nghĩa còn sở hữu hơn 200 cuộn băng gốc của nhiều ca sĩ thời xưa. Anh được nhiều người hỏi mua lại với giá 3 – 5 triệu/ cuốn.
Dàn loa của anh có thể nghe được các loại băng, đĩa khác nhau như: Đĩa CD, băng cátsét, đĩa than… và phát ra âm thanh chất lượng không kém gì những loại loa hiện đại.
Đây cũng là điều khiến “tay chơi” phố cổ tự hào nhất về dàn loa của mình. Bởi trên cả nước cũng có vài người đang sở hữu một số bộ phận của loa quân đội tuy nhiên chỉ để trưng bày chứ không thể phát nhạc được nữa.
“Tay chơi” phố cổ chia sẻ, với anh bộ loa là cả đam mê của anh từ những ngày thanh niên đến tận bây giờ nên anh nhất định muốn giữ nó đến cuối đời.
“Rất khó để định giá cả dàn loa vì với người đam mê tốn bao tiền họ cũng mua nhưng với người không thích thì nhìn chỉ giống như… đống sắt vụn. Trước kia từng có người trả giá tôi vài trăm triệu nhưng tôi không bán vì muốn giữ lại như một kỷ vật đặc biệt của đời mình.” – Anh Nghĩa chia sẻ.
“Tay chơi” phố cổ cho biết thêm, dàn loa anh đang sở hữu được sử dụng trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Ngoài sở hữu bộ loa quân đội “khủng” anh nghĩa còn có sở thích sưu tầm đồ dân dụng xưa, đặc biệt là những món đồ bộ đội dùng trong thời chiến.
Bởi vậy với anh, những món đồ này không chỉ có giá trị cổ xưa mà còn mang giá trị lịch sử, của một thời đại đã đi qua trong chiến tranh.
Với anh Nghĩa, đã là sở thích cứ chơi và hết mình, giá trị vật chất vì thế không còn quan trọng. Bao nhiêu năm, anh vẫn giữ nguyên tình yêu với những bộ sưu tập. Cái được nhất là niềm vui của một người sưu tập mỗi lần tìm được đồ mình thích là sung sướng, nâng niu, ngắm ngía, lau chùi.
Sau này, nhờ bộ sưu tập độc đáo đã giúp “tay chơi” phố cổ gặp gỡ thêm nhiều người bạn cùng đam mê.
Căn gác rộng khoảng 18 m2 của anh được ví như một “nhà hát thu nhỏ” bởi những bản nhạc du dương ngày nào cũng được phát ra trong không gian ngập tràn đồ quân đội xưa. Bất kỳ ai đặt chân vào căn gác này cũng có cảm giác như được sống lại một thời kháng chiến hào hùng dân tộc.
Thanh Thúy