Cách ly xã hội và bài học từ... các loài động vật

(Dân trí) - Các loài động vật, từ khỉ, tôm hùm đến côn trùng và các loài chim đều có thể phát hiện và tránh các đồng loại bị bệnh theo cách riêng của chúng.

Tại sao có nhiều loài vật lại phát triển các hành vi tinh vi như vậy để phòng vệ bệnh tật? Bởi cách ly xã hội đã giúp chúng sống sót.

2 nhà sinh học là Dana Hawley, chuyên gia sinh học tại TT Công nghệ Virginia Tech và Julia Buck, trợ giảng y sinh ĐH Bắc Carolina Wilmington, cho rằng câu trả lời rất rõ ràng trong thế giới tự nhiên.

Cách ly xã hội và bài học từ... các loài động vật - 1
Trong tự nhiên, khỉ đầu chó thực hiện hành vi cách ly nghiêm ngặt khi bị bệnh.

Về mặt tiến hóa, những động vật thực hiện cách ly xã hội hiệu quả trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh sẽ có cơ hội cải thiện sức khỏe và tiếp tục sinh con đẻ cái và các thế hệ sau cũng sẽ thừa hưởng tập tính tránh xa bệnh tật này.

Côn trùng là một trong những loài thực hành cách ly xã hội cực đoan nhất trong tự nhiên. Quá nhiều kiến sống trong môi trường chật chội với hàng trăm, hàng ngàn con liên tục va chạm nhau, tương tự như các trung tâm chăm sóc, các trường học và nhà dưỡng lão của chúng ta, đây là môi trường lý tưởng để dịch bệnh lây lan.

Phản ứng với nguy cơ này, loài kiến đã phát triển khả năng cách ly xã hội. Khi một bệnh xuất hiện trong tổ, cả những con kiến ốm và kiến khỏe sẽ nhanh chóng thay đổi hành vi của chúng để làm chậm lại quá trình lây lan của dịch bệnh.

Những con kiến ốm sẽ tự cách ly, còn những con kiến khỏe sẽ giảm tương tác với những con kiến ở các tổ khác. Những con kiến khỏe thậm chí còn tạo “hàng rào” quanh những thành viên “nhạy cảm” trong tổ - là kiến chúa và những con kiến chăm sóc kiến chúa - bằng cách cách ly các thành viên này với bất kỳ tác nhân ngoại nhập nào. Kết quả là chúng ngăn được dịch bệnh lan tràn và giúp cả tổ sống sót.

Nhiều loài động vật khác cũng chọn chính xác những con vật cần cách ly xã hội và ngược lại, khi nào tự cách ly. Ví dụ, loài khỉ mandrills sẽ tiếp tục chăm sóc các thành viên trong bầy bị ốm nhưng sẽ chủ động tránh những thành viên này để không bị lây bệnh. Theo nghĩa tiến hóa, việc chăm sóc thành viên bị bệnh sẽ giúp truyền lại khả năng kháng bệnh cho thế hệ sau qua di truyền.

Cách ly xã hội và bài học từ... các loài động vật - 2
Cách ly xã hội đã giúp loài kiến tránh xa được dịch bệnh

Tương tự, loài dơi sẽ cung cấp thức ăn cho đồng loại bị bệnh nhưng sẽ tránh tiếp xúc trực tiếp. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh nhưng vẫn chia sẻ thức ăn.

Những hình thức cách ly xã hội này đã giúp giảm thiểu sự lan tràn của bệnh tật trong khi vẫn duy trì được các lợi ích cộng đồng. Và không có gì ngạc nhiên khi đây là hình thức tiến hóa được ưa thích ở nhiều loài vật.

Hành vi của con người cũng vậy, chúng ta đang bảo vệ các thành viên yếu thế hơn trong xã hội khỏi COVID-19 bằng cách đảm bảo rằng những người già và những người có bệnh nền tránh xa được các tác nhân gây bệnh trong khi vẫn đảm bảo cung cấp các nhu cầu thiết yếu.

Cũng có những sự khác biệt quan trọng giữa cách ly xã hội của con người. Ví như trong khi chăm sóc các thành viên gia đình bị ốm, chúng ta đôi khi lại làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho bạn bè hay hàng xóm. Và những người làm công việc chăm sóc người bệnh lại tích cực tìm kiếm và chăm sóc những người chúng ta xa lánh.

Lòng vị tha không chỉ là hành vi duy nhất phân biệt con người với loài vật. Các động vật thường sẽ rất nhạy trong việc phát hiện các dấu hiệu của bệnh dịch nhưng con người có công nghệ hỗ trợ, giúp phát hiện nhanh và thực hiện cách ly, điều trị hiệu quả hơn.

Cuối cùng, nhờ mạng xã hội, con người có thể kết nối với nhau mà không cần gặp nhau trực tiếp. Nó cho phép con người vẫn sống trong cộng đồng nhưng giảm thiểu được nguy cơ nhiễm bệnh tật.

Tự nhiên đã minh chứng rất rõ ràng rằng: Cách ly xã hội là công cụ hiệu quả để giảm thiểu bệnh tật lây lan. Nó cũng là công cụ nhanh và dễ thực hiện hơn mọi cách khác. Không như vắc xin và thuốc, sự thay đổi hành vi không đòi hỏi phải có các xét nghiệm lâm sàng.

Tuy nhiên, cách ly xã hội cũng đòi hòi những chi phí không nhỏ và đôi khi là khá đắt, đặc biệt là với nhóm người dễ bị tổn thương.

Nhưng nếu cái giá phải trả cho cách ly xã hội là “đắt đỏ” thì sao rất nhiều loài vật vẫn duy trì tập tính này? Bởi hành vi này ngay lập tức bảo vệ cuộc sống của chúng ta - chỉ có sự sống mới giúp chúng ta tận hưởng các ích lợi của cộng đồng - một lối sống mang lại vô số lợi ích nhưng cũng đầy rủi ro. Bằng cách cách ly xã hội trong một thời gian ngắn, loài vật và loài người sẽ có cơ hội để tận hưởng những lợi ích lâu dài của cuộc sống cộng đồng, đồng thời giảm thiểu được chi phí phát sinh do bệnh tật.

Cách ly xã hội có thể gây ra những rắc rối mới cho cộng đồng nhưng nó cũng giúp ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Bạn không tin ư? Hãy hỏi loài kiến.

Nhân Hà

Theo Conversation