Cá voi cũng biết “nói chuyện” như người!

(Dân trí) - Sau nhiều năm dày công nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ đã khẳng định rằng cá voi gù giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ riêng, có cấu trúc ngữ pháp chặt chẽ chẳng thua kém gì tiếng nói của... con người!

Tiến sỹ Rudzi Suzuki và các cộng sự Trường ĐH Công nghệ Massachused (Hoa Kỳ) đã xây dựng cả một chương trình dài hạn nghiên cứu khả năng giao tiếp rất đặc biệt của một trong những loài cá lớn nhất hành tinh: Cá Voi gù. 

 

Phân tích băng máy ghi thuỷ âm 16 “bài hát” thu được của cá voi độ dài từ 6-30 phút, các nhà khoa học nhận thấy cá voi gù giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ riêng. Các từ liên kết với nhau tạo thành câu. Các câu liên kết với nhau tạo thành các mệnh đề. Ngôn ngữ đó khá phức tạp và cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa giải mã được.

 

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học trường ĐH Tổng hợp Kvinslend (Anh) trong 3 năm liền cũng cho thấy: Các chàng cá voi đực cất “tiếng hát” hàng giờ để gọi bạn tình. Còn trong các cuộc di cư đường dài hàng năm theo mùa từ các đại dương xa xôi đến vùng biển Vương quốc Anh, độ dài trung bình của các “dạ khúc tình yêu” giữa các chàng và nàng cá voi kéo dài tới... 23 tiếng!

 

Một điều thú vị khác cũng được phát hiện là cá voi còn dùng những “tiếng hát” đó của mình để hăm doạ và xua đuổi kẻ thù. Trên khắp các đại dương, dù mạnh mẽ và hung dữ như cá mập mà cũng phải sợ và lảng tránh xa khỏi cá voi.

 

Ngoài cá voi, cá heo và chuột bay là những động vật giao tiếp với nhau bằng các tín hiệu siêu âm, nhà sinh vật học người Mỹ Kreig Adler cho biết: Một loại ếch đặc biệt hiếm ở Trung Quốc cũng biết... “nói”.

 

Một trong những bí mật lớn nhất về đời sống cá voi cũng vừa được khám phá, đó là hiện tượng cá voi bỗng nhiên nhảy lên bờ và mắc cạn ở đó. Những tháng đầu năm 2006 này, số lượng cá voi mắc cạn nhiều hơn năm trước. Tại sao vậy? Chủ tịch Hội bảo vệ cá voi và cá heo (Anh quốc), ông Mc.Simmonds cho biết : Những năm gần đây, hệ thống định vị - dẫn đường của cá voi đã phạm phải nhiều sai lầm. Hoạt động của hệ thống này dựa trên nguyên tắc phản xạ sóng âm thanh lan truyền trong nước. Sóng phản xạ càng nhanh thì mục tiêu càng ở gần.   

 

Tác động  rất mạnh của các thiết bị định vị thuỷ âm các con tàu biển với tốc độ siêu âm đã làm sai lệch độ chính xác hệ thống định vị - dẫn đường của cá voi, làm cho chúng không còn nhận biết được chính xác độ nông, sâu của nước. Chúng cảm thấy mục tiêu đã ở quá gần, nguy hiểm nên đã vội vọt lên mặt nước và dẫn đến bị mắc cạn. 

 

Tiến sỹ Piter Evans - Giám đốc Quỹ quan sát biển kể lại rằng: Khi tiến hành mổ những con cá voi mắc cạn đã chết, người ta thấy có nhiều bọt khí ở trong gan và thận của chúng. Điều đó chứng tỏ từ độ sâu lớn dưới đáy biển, cá voi đã nổi lên mặt nước rất nhanh.

 

Ngoài ra, ở một số cơ quan nhạy cảm của cá voi còn phát hiện thấy hiện tượng xuất huyết. Đó là các chấn thương do tác động của sóng thuỷ âm. Năm 2002, thí nghiệm dùng thiết bị thuỷ âm ở vùng biển quần đảo Canaria đã cho thấy chỉ sau một thời gian ngắn phát sóng đã có tới 14 con cá voi nhảy lên... bờ. 

 

Thành Nam

Theo Uoki