Bức tranh sặc sỡ sắc màu của những "họa sĩ nhí" tự kỷ
(Dân trí) - Hơn 2 năm nay, cứ mỗi sáng thứ 6 hàng tuần tại một phòng vẽ nhỏ ở Trung Kính (Hà Nội), lớp học hội họa miễn phí dành cho trẻ em tự kỷ lại mở cửa đón học viên.
Xuất phát từ tình yêu to lớn với hội họa và sự đồng cảm đối với những trẻ em không may mắc hội chứng tự kỷ, lớp dạy vẽ thiện nguyện dưới sự tổ chức của nữ diễn viên/họa sĩ trẻ Lương Giang được thành lập và duy trì cho đến tận bây giờ.
Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp so với những đứa trẻ khác. Bởi có tâm hồn vô cùng nhạy cảm, cách duy nhất để có thể gần gũi với các em hơn chỉ có thể là luôn kiên nhẫn và dành sự tôn trọng tuyệt đối trong mọi trường hợp.
“Hầu hết các bé đều khá là thuần và được bố mẹ dạy tốt từ bé. Thỉnh thoảng chỉ có một vài bạn không hợp tác với mình, la hét một chút, mình sẽ bảo các bạn bình tĩnh ngồi chờ 1 lúc", chị Hải Anh chia sẻ.
Trẻ tự kỷ đến với lớp học sẽ được chọn loại tranh phù hợp với sở thích của từng người. "Các giáo viên phải quan sát, lắng nghe và giành cho các con nhiều thời gian hơn, chứ không thể ép buộc con phải làm như thế này, con phải làm như thế kia, một giáo viên dạy vẽ chia sẻ.
Thầm lặng, không màu mè hay quảng bá rầm rộ nhưng lớp học vẫn có một lượng học sinh cố định do phụ huynh quý mến rồi rỉ tai nhau. Thậm chí, có em còn gắn bó với lớp học ngay từ những ngày đầu và đến bây giờ, sau hơn hai năm vẫn đều đặn đến lớp.
Hội hoạ là một công cụ giao tiếp, giúp trẻ giảm bớt các rào cản về ngôn ngữ, tự tin thể hiện bản thân và giao tiếp với thế giới xung quanh tốt hơn. Đối với nhiều phụ huynh và học sinh, lớp học này giống như “ánh sáng rực rỡ” ở cuối đường hầm, chắp cánh và định hướng rõ ràng hơn cho ước mơ trong tương lai của những đứa trẻ “đặc biệt”.
Xã hội cần nhiều hơn nữa sự quan tâm cũng như đồng cảm đối với trẻ em mắc hội chứng tự kỷ. Hãy xem đó là “sự khác biệt” chứ không phải chỉ là một căn bệnh.
Hải Yến