Bố mẹ lần lượt qua đời, nam sinh phụ sửa xe máy để lấy tiền đi học
(Dân trí) - Mồ côi cha mẹ, gánh nặng cơm áo đè nặng lên đôi vai của người bà và để có thêm tiền trang trải, lúc rảnh rỗi Cương đến tiệm sửa xe máy của người anh họ vừa học, vừa làm.
Đó là hoàn cảnh của gia đình em Khuất Kim Cương ở thôn Phúc Trạch, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội (hiện đang là học sinh lớp 9A3, trường THCS Võng Xuyên A).
Bà Lộc - bà nội của Cương cho biết, năm 2018 một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của con trai bà là anh Khuất Văn Việt, chỉ một thời gian ngắn sau đó, chị Ngô Thị Vinh vì mắc bệnh hiểm nghèo cũng đã ra đi mãi mãi để lại hai đứa con thơ dại.
Hai đứa trẻ vốn lớn lên từ cảnh nghèo khó, nay lại phải sống thiếu tình thương, sự quan tâm, chăm sóc của bậc sinh thành nên ngày càng trở nên gầy gò, đen nhẻm.
Cuộc sống của Cương và em gái sẽ bớt cơ cực hơn nếu như gia đình không rơi vào thảm kịch, chỉ trong thời gian ngắn, hai em đều trải qua cú sốc quá lớn khi cả bố và mẹ đều mất.
Cương cho biết: "Sau khi bố mất, hai anh em hàng ngày vẫn hy vọng mẹ khỏi bệnh, nhưng sau đó mẹ cũng bỏ chúng em đi.
Giờ đây, thỉnh thoảng những ngày mưa gió, hai anh em ở trong nhà nhìn qua ô cửa nhìn mưa rơi, nhớ bố mẹ da diết. Lúc ấy, hai anh em lại thui thủi ngồi khóc".
Còn về bà Lộc, năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng vì thương cháu nên hàng ngày vẫn đi khắp làng để làm thuê, ai thuê việc gì vừa sức thì bà đều nhận để có thêm kinh tế nuôi các cháu.
"Tôi già rồi chỉ làm được những việc nhẹ, nếu có ai thuê thì một ngày cũng kiếm được từ 60 - 100 nghìn đồng để có thêm tiền lo cho các cháu.
Tôi chỉ mong sao cuối đời thật khỏe mạnh để làm lụng, nuôi dạy và nhìn các cháu trưởng thành rồi nhắm mắt xuôi tay", bà Lộc nghẹn ngào.
Theo bà Lộc, công việc làm thuê của bà chủ yếu là làm gối bông, nhưng không phải lúc nào cũng có việc vì nhu cầu gối bông theo mùa nên công việc bấp bênh.
Liên tiếp mất đi những người thân yêu, đang ở độ tuổi đến trường, nhưng Cương đã đi làm thêm để có tiền nuôi em và giúp bà nội.
Kết thúc buổi học là Cương lại qua tiệm sửa xe máy của người anh họ ở đầu làng để phụ giúp. Số tiền Cương được anh họ trả không nhiều nhưng sẽ giúp em trưởng thành hơn, có thể phụ bớt đi nỗi lo cơm áo gạo tiền cho bà nội.
"Em bắt đầu phụ sửa xe cho anh họ từ sau khi bố mẹ mất. Tiền công anh trả, em đều để bà nhận hết. Em cũng không biết rõ số tiền là bao nhiêu", Cương chia sẻ.
Tiệm sửa xe máy của anh Nguyễn Văn Thái ở đầu làng Phúc Trạch từ lâu luôn có một thợ phụ nhỏ tuổi, đôi mắt sáng, đôi tay thoăn thoắt sửa xe cho khách.
Hơn một năm vừa đi học vừa phụ sửa, Cương đã thuần thục việc vá săm, thay săm lốp, thay vòng bi, thay xích xe, sửa đèn, còi, làm côn, làm phần hơi…và đang hướng tới tiếp xúc, làm quen phần điện để hoàn thiện hơn.
Anh Thái cho biết: "Mọi việc Cương làm đều rất nhanh, tôi chỉ hướng dẫn dần dần để em làm việc gì chắc việc đó, chủ yếu là rèn tính kiên nhẫn cho em".
Cũng theo anh Thái, ngoài việc tạo điều kiện để Cương phụ sửa xe giúp gia đình về mặt kinh tế, việc anh hướng tới là để quan tâm, uốn nắn Cương khi em đang ở tuổi mới lớn.
"Bố mẹ em mất cả, tôi cũng không thể giúp em nhiều về mặt kinh tế mà phải hướng em làm ra kinh tế và uốn nắn để em nên người. Tiền công tôi cũng không trả cho em mà trả trực tiếp cho bà nội em để quản lý", anh Thái nói.
Theo anh Thái, ngoài việc tạo điều kiện cho em có thêm việc làm, anh vẫn thường xuyên quan tâm đời sống của Cương, anh hay tương tác với giáo viên để nắm tình hình học tập và tâm sinh lý tuổi mới lớn của Cương để em có nhận thức tốt hơn trong cuộc sống.
Cô Nguyễn Thị Phương Hoa - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A3 cho biết, gia đình Cương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi cả bố mẹ em đều đã mất.
"Nhà trường thường xuyên quan tâm hai cháu, tạo điều kiện tốt nhất để các cháu học tập. Bố mẹ mất sớm, cuộc sống có nhiều biến động nên lực học của Cương ở mức trung bình. Tôi vẫn thường động viên để cháu cố gắng hơn nữa. Việc Cương vừa đi học chữ vừa phụ sửa xe là điều rất trân trọng, ghi nhận", cô Hoa nói.