Bố mẹ căng thẳng trong "trận chiến" khi con vào lớp 1, chuyên gia nói gì?
(Dân trí) - Theo các chuyên gia giáo dục trường Brendon, giai đoạn chuyển cấp nhất là lớp 1 rất quan trọng, cha mẹ cần chọn môi trường giáo dục phù hợp, tránh việc thúc ép, tạo áp lực cho con.
Tọa đàm "Từ lắng nghe tới thấu cảm" nằm trong chuỗi minitalk của trường Tiểu học Brendon tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội, nhằm tạo cầu nối giữa cha mẹ và con cái, giúp cha mẹ đồng hành cùng con trong những giai đoạn phát triển tâm sinh lý quan trọng khi chuyển cấp.
Học lớp 1, đừng để con và cha mẹ cùng căng thẳng
Cô Bùi Minh Thúy, giáo viên tiểu học trường Brendon cho hay, giai đoạn trẻ bước vào lớp 1 rất quan trọng, là khoảng thời gian bước ngoặt với trẻ, phải thích nghi với môi trường mới, bắt đầu quen với việc học. Nếu không có sự chuẩn bị tâm lý, trang bị kỹ năng, kiến thức thì trẻ có thể sợ đến trường. Sự chuẩn bị tâm lý đơn giản là truyền những ý niệm tích cực, những điều hạnh phúc, vui vẻ khi con đi học.
"Thay vì áp đặt "con phải đi học", bố mẹ hãy thay đổi cách nói "đi học con được những gì"? Từ đó, truyền sự thích thú, gợi sự tò mò để trẻ hứng thú thay vì tạo ra sự căng thẳng, áp lực cho trẻ", cô Thúy nói.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu khi vào lớp 1, theo cô Thúy bố mẹ phải đồng hành cùng con, dành ít nhất là 30 phút mỗi ngày. "Nhiều bố mẹ chia sẻ, con không thể tập trung ngồi học. Thời gian con đòi đi vệ sinh, đi uống nước, nghỉ giải lao... còn nhiều hơn thời gian ngồi viết chữ, tập đọc.
Điều này là rất bình thường với tâm lý, độ tuổi của trẻ. Trẻ 6 tuổi đang vốn quen với hoạt động vui chơi ở mẫu giáo, nay lên lớp 1 phải ngồi tập trung một chỗ làm quen với những nét chữ tượng hình, tập đọc dễ khiến trẻ chán nản.
Để tạo hứng thú cho con, thay vì ngồi tập viết, học thuộc trên giấy, các bậc cha mẹ có thể nghĩ ra các trò chơi, đưa ra các thử thách để con hứng thú hơn. Ngoài ra, cha mẹ có thể đưa ra giới hạn: hôm nay con được đi vệ sinh, uống nước 5 lần, ngày mai là 3 lần... tần suất sẽ giảm dần đến khi trẻ quen dần với việc ngồi học", cô Thúy chia sẻ.
Cô Thúy cũng cho hay, điều quan trọng là cha mẹ cần bình tĩnh, tránh căng thẳng cho con. Đặc biệt, không nên vội vàng thúc ép, bắt con đạt được những kỳ vọng của bố mẹ. Giáo viên này kể lại câu chuyện, một học sinh bị mắc chứng "khó đọc" khiến con rất khó khăn trong việc nhận diện chữ cái, học ghép vần.
Tuy nhiên, bố mẹ lại không hiểu vấn đề của con, cho rằng con mình học chưa tốt bằng các bạn, nên ra sức thúc ép, dồn áp lực khiến con bị căng thẳng, stress và dần trở nên tự ti. Bản thân con cũng luôn mặc định bản thân mình kém cỏi.
"Chứng khó đọc không hề ảnh hưởng đến nhận thức, trí thông minh của con. Tuy nhiên, với những bạn như này, cần phải kiên trì đồng hành cùng con, giúp con vượt qua sự tự ti, sợ hãi của bản thân. Với các bạn bình thường có thể mục tiêu là đọc được một đoạn văn dài thì với bạn mắc chứng khó đọc mục tiêu của con chỉ cần là một câu ngắn. Điều quan trọng là hôm nay con đã tiến bộ hơn hôm qua", cô Thúy nhấn mạnh.
Nhiều bậc phụ huynh chọn trường cho con theo "lời đồn"
Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Tân, Giám đốc vùng của tập đoàn giáo dục Glocal Venture INC cho hay, ngoài việc chuẩn bị kỹ năng, tâm lý thì chọn môi trường giáo dục phù hợp rất quan trọng. Nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn có xu hướng chọn trường cho con theo "lời đồn" trường điểm, trường "hot" mà không đặt câu hỏi xem liệu môi trường đó có giúp con hạnh phúc, vui vẻ, phát triển được khả năng của bản thân hay không?
"Trường tốt với con nhà người khác nhưng chưa chắc tốt với con mình. Vì thế, bố mẹ không nên nghe ngóng trên mạng rồi tìm mọi cách "chạy" cho con vào trường "hot" mà nên cùng con đến tận nơi trải nghiệm, tìm hiểu để đưa ra quyết định. Ở đây, khái niệm trường tốt theo tôi là trường phù hợp với bản thân con. Đó là sự phù hợp về địa lý, chất lượng, phương pháp, định hướng giáo dục", ông Tân nói.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Tùng, giám đốc điều hành của trường Brendon cho hay, nhiều bậc phụ huynh hiện nay thường không quan tâm xem con mình có hạnh phúc, có vui vẻ không? Môi trường giáo dục có phù hợp với con mình không mà thường quan tâm đến điểm số, thành tích học tập. Điều này được đưa ra làm thước đo trong việc chọn trường và vô tình tạo áp lực không nhỏ cho các em học sinh.
"Trẻ có 8 loại hình trí thông minh, mỗi một trẻ sẽ có một khả năng, sở trường. Việc học tốt Toán, Tiếng Anh hay Tiếng Việt không phải là thước đo chung để đánh giá khả năng, sự thông minh của trẻ. Phụ huynh cần dành thời gian để tìm hiểu con, từ đó có lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp", ông Tùng nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, nhiều bậc phụ huynh cũng đưa ra các câu hỏi về khó khăn trong việc đồng hành cùng con, cách tạo sự hứng thú trong học tập nhất là giai đoạn trẻ chuyển cấp. Với mỗi trường hợp cụ thể, các chuyên gia giáo dục của trường Brendon đều đưa ra lời khuyên và sự tư vấn cụ thể.