Bi kịch của 3 chị em gái tự tử vì nhà chồng đòi tiền hồi môn "khủng"

Huy Hoàng

(Dân trí) - Trước khi từ giã cõi đời, cả 3 chị em đã để lại lời nhắn trách móc gia đình nhà chồng vì khoản tiền hồi môn vượt quá khả năng của họ.

Câu chuyện bi kịch của 3 chị em gái trong một gia đình xảy ra tại ngôi làng ở ngoại ô thành phố Jaipur, bang Rajasthan, đang gây xôn xao dư luận Ấn Độ những ngày qua.

Đó là bi kịch của 3 cô gái Kalu, Kamlesh và Mamta Meena. Họ là nạn nhân của cuộc tranh chấp về hồi môn. Theo phong tục địa phương, nhà gái phải trả khoản tiền hồi môn rất cao cho nhà trai để cưới con gái họ.

Được biết, 3 chị em gái đã kết hôn với 3 anh em trai cùng một gia đình và sống chung dưới mái nhà. Do nhà gái không đưa đủ khoản tiền hồi môn nhà trai yêu cầu, những cô con dâu thường xuyên bị bố và chồng đánh đập, đối xử tệ bạc.

Cuối tháng 5 vừa qua, cả ba được tìm thấy khi đã chết trong một giếng nước gần nhà. Ngoài ra, bé trai 4 tuổi và đứa con sơ sinh của Kalu cũng tử nạn cùng mẹ, trong khi hai cô gái Kamlesh và Mamta đều đang mang thai.

Bi kịch của 3 chị em gái tự tử vì nhà chồng đòi tiền hồi môn khủng - 1
Chân dung 3 chị em gái xấu số tự vẫn cùng nhau ở chiếc giếng nước gần nhà (Ảnh: News).

"Chúng tôi không muốn chết, nhưng cái chết còn tốt hơn bị ngược đãi. Nhà chồng đối xử tệ là lý do khiến chúng tôi phải làm thế. Chọn cái chết cùng nhau còn tốt hơn phải sống mỗi ngày như vậy", đoạn tin nhắn của một trong 3 cô gái để lại.

Ông Sardar Meena, cha của họ, vốn là một nông dân có thu nhập ít ỏi, cho biết, cuộc sống các con gái ông như "địa ngục trần gian", bị chồng cấm theo đuổi việc học hành và liên tục bị đánh đập hành hạ để đòi tiền.

Bi kịch của 3 chị em gái quyên sinh để chỉ trích nhà chồng vì tiền hồi môn

"Chúng tôi đã đưa cho nhà trai mọi thứ, từ giường, ti vi, tủ lạnh. Tôi là cha của 6 cô con gái. Tiền thì có giới hạn. Nhưng ít nhất, tôi đã giáo dục chúng trở thành người tốt và không phải ai cũng làm được. Chỉ cần biết suy nghĩ, họ đã không đẩy chúng tôi tới bước đường cùng", ông Sardar đau khổ cho biết.

Giới chức địa phương coi đây là vụ tự tử nhưng vẫn tiếp tục điều tra. Hiện họ đã bắt giữ chồng của 3 nạn nhân, mẹ chồng, người chị dâu và những người có liên quan.

Cách đây 60 năm, Ấn Độ đã thông qua lệnh cấm nhà gái phải đưa tiền hồi môn cao, cấm các hành vi quấy rối, tống tiền để cưỡng đoạt của hồi môn. Những hành vi này đều bị coi phạm pháp. Tuy nhiên đến nay, hủ tục này vẫn còn tồn tại, đặc biệt tại các vùng quê nghèo, khu nông thôn hẻo lánh, bởi định kiến xã hội coi phụ nữ là "gánh nặng kinh tế".

Năm 2021, một người đàn ông ở bang Kerala, một bang miền nam nước này, bị bỏ tù chung thân sau khi dùng rắn độc giết vợ để chiếm đoạt khối tài sản chung duy nhất, gồm một chiếc ô tô mới và 500.000 rupee (gần 150 triệu đồng). Được biết, món tài sản này vốn là của hồi môn của nhà gái gửi cho nhà trai.

Bi kịch của 3 chị em gái tự tử vì nhà chồng đòi tiền hồi môn khủng - 2
Ông Sardar Meena đứng cạnh cái giếng nước mà các con gái cùng cháu ngoại của ông đã chết (Ảnh: AFP).

Tháng 5/2022, một người đàn ông Ấn Độ khác bị lĩnh án 10 năm tù sau khi gây sức ép đòi của hồi môn quá nhiều, khiến vợ anh ta uất ức phải tự vẫn.

Với phần lớn phụ nữ Ấn Độ, ly hôn không bao giờ được coi là lựa chọn. Họ chấp nhận việc bị bạo hành để duy trì phẩm giá gia đình. Tỷ lệ ly hôn của nước này rất thấp vì bị coi là điều cấm kỵ. Bởi vậy, phụ nữ đã kết hôn không có lối thoát khỏi cảnh bị ngược đãi.

Với chị em nhà Meena, dù người thân biết chuyện họ bị bạo hành, nhưng không thể làm khác. "Các con tôi bị bạo hành gia đình. Chúng nhiều lần về nhà đẻ nhưng rồi lại quay về nhà chồng. Chúng nói với tôi, đó là điều bắt buộc cần làm", ông Sardar, cha của các nạn nhân, giãi bày.

Theo số liệu từ Cục hồ sơ Tội phạm quốc gia Ấn Độ trong năm 2020 ghi nhận gần 7.000 vụ giết người liên quan tới khoản hồi môn. Cũng trong năm đó, hơn 1.700 phụ nữ đã tự vẫn. Trong một giờ, từ 30-40 phụ nữ phải chịu cảnh bạo hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số thực tế có thể còn cao hơn. Họ cho rằng, nguyên nhân cơ bản do sự chấp nhận rộng rãi của xã hội với bạo lực gia đình khiến phụ nữ không đứng lên chống lại sự hành hạ.  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm