Bi hài xem bói: Hái lá luận giải, lợi dụng trầm khổ "phán"... trùng tang

Hồng Anh Minh Nhân

(Dân trí) - Cầm chiếc lá quan sát nhiều lần, "thầy" nói với N.: "Nhà sắp nhận được một khoản tiền đền bù. Về sự nghiệp, trước sau gì cũng phải về quê để lập nghiệp. Còn tình yêu, cưới sớm hay muộn đều như nhau".

Nghe xong quên hết, vẫn "tùy tâm" tiền triệu

Sắp tốt nghiệp đại học, mông lung về sự nghiệp và tương lai, T.M. (22 tuổi, Hà Nội) chọn đi xem bói để giải tỏa tâm lý. Sau khi tham khảo các hội nhóm chuyên xem bói trên mạng xã hội, M. để ý đến một "ông thầy" ở quận Long Biên.

Sáng hôm sau, cô rủ bạn cùng đi. Cả hai mất nhiều thời gian tìm đúng địa chỉ nhà "thầy". "Tôi ngỡ ngàng vì "ông thầy" thực chất là một thanh niên khá trẻ, đã tốt nghiệp đại học, nói do duyên nên đi làm thầy", M. nhớ lại.

Cô bày tỏ nguyện vọng xem chuyện học tập, công danh sự nghiệp, tình yêu. Sau khi xem chỉ tay, "ông thầy" phán cô sẽ… trượt môn thi sắp tới. "Tôi hơi lăn tăn, vì trên thực tế, thời điểm đó, tôi đã hoàn thành hết các môn thi tại trường", cô gái nói.

Bi hài xem bói: Hái lá luận giải, lợi dụng trầm khổ phán... trùng tang - 1

Nhiều người tin rằng, thông qua xem bói có thể biết về sự nghiệp, tình duyên, vận hạn trong tương lai. (Ảnh: Freepik).

Thầy tiếp tục phán, "yêu muộn hay sớm cũng như nhau. Còn sự nghiệp, phải vào TP.HCM mới phát triển được". Sau 30 phút, hai nữ sinh ra về trong trạng thái "nghe xong quên hết", không quên để lại "khoản tiền tùy tâm" 1 triệu đồng.

"Buổi xem bói đầu tiên thất bại, vì nhiều thông tin không đúng hoặc quá hiển nhiên, như kiểu "sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai", M. cười xòa.

Trong khi đó, ba năm trước, B.N. (28 tuổi) nghe theo lời mách bảo của người quen, tìm đến một "thầy" được đánh giá "phán gì cũng đúng".

"Đến nhà, thầy bảo tôi ra vườn, hái một chiếc lá rồi đưa vào cho thầy", N. nhớ lại.

Cầm chiếc lá quan sát nhiều lần, "thầy" nói với N.: "Nhà sắp nhận được một khoản tiền đền bù. Về sự nghiệp, trước sau gì cũng phải về quê để lập nghiệp. Còn tình yêu, cưới sớm hay muộn đều như nhau".

Lời "thầy" phán khiến B.N. chưng hửng, bởi gia đình cô không gặp bất cứ vấn đề nào liên quan đến đền bù. Hơn nữa, chuyện sự nghiệp và tình duyên, thông qua lời thầy bói… "không đúng cũng chẳng sai".

Cuối năm ngoái, anh P.T. (30 tuổi, Hải Dương) đưa bạn gái về nhà ra mắt, xin gia đình hai bên tính đến chuyện hôn nhân. Bà H. (mẹ anh) hỏi xin người yêu con trai ngày, tháng, năm sinh rồi đi xem bói. 

"Hai vợ chồng khắc tuổi, khắc mệnh, lấy nhau thì con trai bà chết sớm, công việc đi xuống, 10 năm mới có con". Nghe lời "thầy" phán, bà H. như chết lặng, phản đối kịch liệt và yêu cầu con trai chia tay bạn gái.

Anh T. nói lại chuyện này với người yêu. Cô gái tủi thân, kể với bố mẹ. Hôm sau, mẹ cô xin thông tin ngày, tháng, năm sinh của người bạn trai, rồi… đi xem bói. Bà nhận được thông tin trái ngược hoàn toàn với lời "thầy" phán trước đó: "Hai vợ chồng hợp tuổi, chung sống hòa thuận".

Nghe thấy thế, anh T. vui mừng, một lần nữa về xin phép bố mẹ được kết hôn. Để kiểm chứng, bà H. tìm đến một "thầy" khác. Lần này, nội dung "thầy" phán "đỡ bi kịch" hơn người đầu tiên, bà cũng yên lòng xin ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới cho con.

"Cuối cùng, tôi cũng lấy được vợ", anh T. "dở khóc dở cười". 

"Sao không lấy tiền phúng điếu đi giải hạn?"

Trên thực tế, có không ít người sẵn sàng lợi dụng tín ngưỡng, Phật giáo, lời Phật dạy để bói toán, trục lợi. Họ dọa nạt con nhang đệ tử nếu không cúng dường, mở khóa lễ hàng chục triệu sẽ gặp đại họa.

Chia sẻ với Dân trí, Đại đức Thích Minh Thành (trụ trì chùa Linh Quang, Nghĩa Hưng, Nam Định) kể rằng, cách đây ít lâu, ông cũng từng gặp một vài trường hợp như vậy.

Một người phụ nữ đã đến chùa gặp Đại đức Thích Minh Thành và kể rằng, cả gia đình bà đang rơi vào tình cảnh khổ sở, không biết xoay đâu ra mấy chục triệu đồng làm lễ giải hạn.

Người phụ nữ này có chồng qua đời vì căn bệnh ung thư. Ít lâu sau, người con trai không may gặp tai nạn giao thông cũng thiệt mạng. Bà lo lắng đi xem bói và thầy bói phán rằng, gia đình đang bị "trùng tang", nếu không làm lễ cúng thì trong tương lai gần, đứa cháu nội cũng sẽ "đi theo" ông và bố.

Khi người phụ nữ khóc lóc trình bày với thầy bói rằng gia đình không có đủ kinh tế để làm khóa lễ vì chồng bị ung thư nhiều năm, gia đình gần như khánh kiệt. Người con trai mất vì tai nạn giao thông là do tự ngã nên cũng không nhận được tiền bồi thường.

Thầy bói nghe vậy liền căn vặn, dọa nạt: "Hai đám ma trong một năm, tiền phúng điếu dùng vào việc gì mà không làm lễ được? Nếu không làm lễ thì đứa cháu chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm".

Người phụ nữ hoang mang tột độ và cuối cùng đã tìm đến cửa chùa nhờ Đại đức Thích Minh Thành giúp đỡ.

Vị đại đức sau đó đã phân tích cho người phụ nữ hiểu rằng, không có thành trùng hay vong linh nào có thể hại người. Tâm không hiểu thì mới tự hại mình. "Để người phụ nữ này an tâm, tôi đã trì chú khóa lễ cầu an đơn giản với chút hoa quả. Từ đó gia đình chị này vô cùng bình an và không gặp phải chuyện tai ương như thầy bói kia đã phán", Đại đức Thích Minh Thành nói.

Bi hài xem bói: Hái lá luận giải, lợi dụng trầm khổ phán... trùng tang - 2

Mạng xã hội hiện nay cũng tràn lan nhiều hội nhóm xem bói (Ảnh chụp màn hình).

Mạng xã hội hiện nay cũng tràn lan nhiều hội nhóm xem bói, đa dạng hình thức như: bói bài, xem chỉ tay, tử vi, ngày/tháng sinh. Gần đây nhất là kiểu bói "bổ cau" của một cô đồng tên T.H. tại Hải Dương với câu nói tạo trend: "Đúng nhận, sai cãi". Chủ đề xem bói chủ yếu là công danh sự nghiệp, tình duyên, vận hạn.

"Trong các nhóm xem bói, người ta thường mách nhau "chỗ này uy tín", "chỗ kia thầy phán chuẩn", nên mọi người lại đổ xô tìm đến", M.H. (28 tuổi, thành viên hội nhóm hơn 171.000 thành viên) nói.

Theo H., nhiều người có tâm lý không vững vàng, dễ bị tác động bởi ngoại cảnh nên thường tìm đến việc xem bói như một cách củng cố niềm tin. Tuy nhiên, khi quá lạm dụng hay bị ảnh hưởng bởi một lời phán tiêu cực của thầy bói, họ sẽ khiến cuộc đời bị lệ thuộc vào người khác, không làm chủ cuộc sống, thậm chí sứt mẻ mối quan hệ xã hội, bao gồm cả bạn bè và gia đình.

Bi hài xem bói: Hái lá luận giải, lợi dụng trầm khổ phán... trùng tang - 3

Nhiều người công khai một số thông tin cá nhân nhờ các thầy bói online xem. (Ảnh chụp màn hình: M.N).

Trong một nhóm xem bói chỉ tay khoảng 5.000 thành viên, mỗi ngày có khoảng 10 bài viết, chủ yếu nhờ hữu duyên xem đường sự nghiệp, tình duyên, vận hạn. Các quẻ xem có thể phải trả phí hoặc không.

"Mong các cô/chú trong nhóm giúp con xem năm nay đi xuất khẩu lao động được không ạ?", cô gái trẻ tuổi lần đầu tiên đăng bài, kèm thông tin ngày, tháng, năm sinh và hình ảnh chụp bàn tay phải nhờ thầy "luận giải".

Không nên sa đà, nghe theo tà đạo

Theo Đại đức Thích Minh Thành, nhiều người bất lương, lợi dụng sự sợ hãi, trầm khổ, khó khăn của người khác để dọa nạt kiếm tiền. Việc dọa nạt, bắt người ta làm việc này việc kia, mở khóa lễ tiền triệu để giải nghiệp, trả nợ đò quan, trả nợ âm binh là tà đạo.

Nếu là người có chánh kiến thì sẽ nhận ra điều đó là sai trái, không đúng với tinh thần của đạo Phật.

Giáo lý nhà Phật luôn là tự tâm thanh tịnh, tự nguyện cúng dường. Việc cúng dường là giúp tâm an lạc, tích phúc, tạo duyên lành, không thể có chuyện bắt người ta phải bỏ ra số tiền lớn để giải hạn.

Bi hài xem bói: Hái lá luận giải, lợi dụng trầm khổ phán... trùng tang - 4

Cô đồng bổ cau gây xôn xao mạng xã hôi. (Ảnh chụp màn hình: M. N).

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia văn hóa PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo "điều này điều kia" dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua. Người nào cố ý lợi dụng tâm linh để lan truyền, quảng bá mê tín, dị đoan cần bị xử lý theo quy định pháp luật.

"Hành động này khiến con người, nhất là thế hệ trẻ, mất niềm tin vào chính mình, mà bấu víu vào một thế lực siêu nhiên nào đó. Thậm chí, mỗi lời nói của "cô đồng" cũng dễ khiến đẩy con người đến bờ vực bi quan", vị chuyên gia nêu quan điểm.

PGS.TS Lê Quý Đức khuyến cáo người dân nên nâng cao nhận thức, đặt niềm tin và ý chí vào chính mình, đồng thời cảnh giác qua phương tiện thông tin đại chúng chính thống.

Mặt khác, cơ quan quản lý cần xử lý những hiện tượng lợi dụng vỏ bọc tâm linh để trục lợi, truyền bá thông tin "độc hại", sai sự thật.