Bi hài những phiên bản đời thực của "sống chung với mẹ chồng"
(Dân trí) - Tất cả nhất cử nhất động của chị Mai Anh đều bị mẹ chồng soi xét, điều chỉnh. “Nấu ăn không được cho mỳ chính”, “rửa bát không được vặn vòi to”, “buổi tối không ăn các món xào nấu”… Thậm chí, thấy con dâu trang điểm, mặc váy ngắn bà cũng bóng gió ám chỉ “con trai không biết dạy vợ”.
Ấm ức, khủng hoảng… vì mẹ chồng khó tính!
Hai vợ chồng anh Nguyễn Thế Vinh đều là dân ngoại tỉnh. Lấy nhau xong, hai anh chị quyết định thuê nhà riêng ở Hà Nội lập nghiệp. Kinh tế eo hẹp nên khi sinh con đầu lòng, anh Vinh bàn với vợ đón mẹ chồng ở quê lên trông cháu và phụ giúp việc gia đình.
Thế nhưng, chỉ được tháng đầu, mẹ chồng anh Vinh bắt đầu cảm thấy buồn bực. Nguyên nhân là do mâu thuẫn trong việc chăm sóc cháu nội. Từ việc cho bé ăn, đến việc chăm sóc cháu hàng ngày bà đều không tán thành cách làm của con dâu. Nghe lời bác sỹ chị muốn 6 tháng mới cho con ăn dặm, rồi thường xuyên tắm rửa, cho con phơi nắng để bé khỏe mạnh. Còn bà thì muốn cho cháu ăn bột sớm để cứng cáp và luôn sợ thằng bé ra ngoài bị ốm vì sương gió.
Căng thẳng càng tăng cùng với sự lớn lên của đứa bé. Bà ngày càng tỏ ra chiều chuộng, cưng chiều vì quan niệm “trẻ con chưa biết gì nên không cần dạy dỗ” còn chị thì muốn con tự lập, sai ở đâu phải học hỏi ở đó. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi thằng bé 3 tuổi, chị muốn cho con đi lớp để các cô rèn rũa, dạy tính kỷ luật.
Trong khi bà nhất mực giữ cháu ở nhà và khẳng định: “Chỉ có nhà nào không có ai trông, trẻ mới phải đi học”. Hơn nữa, đến lớp nhiều cháu, cô không thể chăm chút được bằng bà ở nhà. Cháu đói không biết đòi ăn, ngủ không đủ bữa thì làm sao lớn nổi. Chị phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình thì bà giận dỗi bỏ về quê. “Đến giờ cả hai mẹ con vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chăm sóc bé, mình rất ngại mỗi khi về quê hoặc nói chuyện với mẹ chồng bởi những mâu thuẫn vẫn chưa được hóa giải”, chị bộc bạch.
Câu chuyện của gia đình chị Mai Anh (Đống Đa – Hà Nội) lại có phần khác. Chị là dân ngoại tỉnh, chồng lại là dân gốc Hà Nội nên khi sống chung cùng bố mẹ chồng không tránh khỏi những khác biệt trong văn hóa, nề nếp sinh hoạt.
Chị muốn trong cuộc sống gia đình, chồng cũng phải phụ giúp, đỡ đần việc nhà cùng vợ. Bà thì lại quan niệm, việc bếp núc là của phụ nữ nên chỉ cần thấy con trai “ho he” rửa bát, quét nhà là bà tỏ ra hậm hực, không hài lòng. Tất cả nhất cử nhất động của chị đều bị bà soi xét, điều chỉnh. “Nấu ăn không được cho mỳ chính”, “rửa bát không được vặn vòi to”, “buổi tối không ăn các món xào nấu”… Thậm chí, thấy con dâu trang điểm, mặc váy ngắn bà cũng bóng gió ám chỉ “con trai không biết dạy vợ”. Kể ra thì cũng khó tin, nhưng hàng sáng bà vẫn yêu cầu con dâu dậy sớm nấu ăn sáng, và chuẩn bị cơm cho chồng mang đi làm.
Chị Mai Anh ấm ức kể, nhiều khi đi làm mệt, sáng muốn ngủ nướng thêm chút cũng không được. Cuối tuần, rủ cả nhà đi ăn hàng để thay đổi không khí bà cũng nhất quyết không chịu.
Đã thế, cũng không đồng ý để hai vợ chồng đi ăn riêng. “Bà nói tôi còn trẻ không biết tính toán, tiết kiệm. Hơn nữa, cơm hàng cháo chợ không đảm bảo, mất vệ sinh. Ăn vào chỉ thêm rước bệnh vào người”, chị nói. Đỉnh điểm là những lần vợ chồng cãi nhau, bà thường đứng về phía con trai chỉ trích chị không tiếc lời.
Chị Mai Anh kể, một lần, anh đi uống rượu về say, nôn khắp nhà. Chị càm ràm, vợ chồng to tiếng, nói vài câu qua lại. Chị đang ấm ức ngồi khóc thì bà chạy xồng xộc vào phòng chỉ thẳng mặt chị, bảo: Chồng uống rượu chẳng qua vì công việc đã không biết thông cảm lại dằn vặt nhau. Chị cự cãi, thì bà nổi xung chê chị “nhà quê, không có học”.
Những bất đồng, khác biệt trong cuộc sống cứ tích tụ lâu dần không được giải quyết khiến chị Mai Anh cảm thấy ngột ngạt, stress thậm chí đã có lúc chị nghĩ đến cách ly hôn để giải thoát cho bản thân.
Vì sao hay mâu thuẫn giữa "mẹ chồng - nàng dâu" mà không phải "mẹ vợ - con rể"?
Trao đổi với Pv Dân trí, chuyên gia Nguyễn Thị Thủy – Tư vấn viên độc lập cho biết, những câu chuyện như trên không phải là hiếm trong cuộc sống hiện nay. Từ xưa, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu vốn được xem là nhạy cảm và phức tạp.
Trước kia, khi con trai chưa lấy vợ, mẹ chồng được xem là người giữ lửa, có vai trò quan trọng trong việc tạo ra phong cách sinh hoạt, nề nếp trong gia đình. Khi có con dâu mới, vai trò này được san sẻ ra. Sự khác biệt trong nếp sống, văn hóa, quan điểm, tuổi tác… có thể làm nảy sinh xung đột nếu hai người không dành thời gian để thấu hiểu, chia sẻ cho nhau.
Ở những gia đình mà cả mẹ chồng và nàng dâu đều áp đặt và không để ý đến thói quen, nếp sống của người kia, không thông cảm cho nhau thì mâu thuẫn sẽ càng căng thẳng. Hơn nữa, việc có cùng mối quan tâm là người chồng, người con trai khiến ai cũng có tâm lý ích kỷ, muốn sở hữu. Người nào cũng muốn chứng minh vai trò quan trọng với người người kia hơn. “Nhiều bà mẹ vẫn quen mình là người có ảnh hưởng nhất đối với con trai. Khi có con dâu mới, họ chưa sẵn sàng để rút khỏi vị trí của mình nên thường tỏ ra khó chịu, không vừa mắt với những gì con dâu làm”, chuyên gia này nói.
Thực tế, ở Việt Nam không hiếm những gia đình, người con trai đi ở rể nhưng lâu nay, ít người đề cập đến mâu thuẫn: “bố vợ - con rể” hoặc “mẹ vợ - con rể” bởi nó không nổi cộm. Người con trai đóng góp vào gia đình chủ yếu là kinh tế, không có nhiều va chạm, cạnh tranh bắt nguồn từ việc sinh hoạt, bếp núc. Chính vì thế cũng không có nhiều xung đột nảy sinh trong quá trình sinh sống.
Chuyên gia này cho hay, nhiều người phụ nữ từng chia sẻ, giai đoạn từ 2 – 3 năm đầu tiên khi về làm dâu là thời gian khó khăn, khủng hoảng nhiều nhất do không quen với nếp sinh hoạt nhà chồng. Nhưng trải qua giai đoạn này, học được cách dung hòa, thấu hiểu thì mọi chuyện trở nên đơn giản, dễ dàng.
Trong mối quan hệ nhạy cảm này, cả mẹ chồng và nàng dâu để chung sống hòa hợp cần tôn trọng, tìm cách chấp nhận những điểm tốt, chưa tốt của nhau. Con dâu tôn trọng nề nếp nhà chồng, mẹ chồng tôn trọng cuộc sống của các con. Không xét nét đi vào tiểu tiết. Trên hết, trước khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân, cả con dâu và mẹ chồng nên chuẩn bị tâm lý, chấp nhận sự khác biệt, cùng quan sát, học hỏi.
Đặc biệt, trong mối quan hệ này, người con dâu cần phải học sự “nhẫn nại”, biết kính trên nhường dưới. Nếu có những mẫu thuẫn, quan điểm không giải quyết được thì cần phải nhờ đến vai trò của người chồng. Chồng phải là một người khách quan, có quan điểm riêng, biết đúng, biết sai, khi nào cần nói và khi cần im lặng thì mới có thể giữ hòa khí trong gia đình.
“Tôi từng biết nhiều câu chuyện rất cảm động về tình cảm mẹ chồng – nàng dâu. Nhiều bà mẹ tâm sự, họ ngủ với con dâu nhiều hơn với con gái. Ngược lại, nhiều cô gái cũng bày tỏ sự biết ơn, tình cảm đặc biệt với mẹ chồng. Quan trọng là chúng ta cần phải có sự yêu thương, mở lòng thì mối quan hệ này mới có thể được cải thiện”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Hà Trang