Bi hài chuyện xông đất: Bị ốm chỉ chờ ngoài ngõ, con gái không được vào nhà

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Hùng Vĩ, khi chọn người xông đất, vì mê tín mà nhiều người thân không dám đến nhà nhau vì sợ lỡ ra trong năm tới, gia chủ có việc gì không may thì họ trách cứ và mình cũng day dứt.

Dịp Tết, người Việt thường có thói quen chọn người xông nhà, xông đất. Theo quan niệm dân gian, người xông đất là người bước chân đầu tiên vào nhà sau phút giao thừa.

Gia chủ thường có xu hướng chọn người hợp tuổi, tốt vía để xông đất với hi vọng trong năm đó, gia đình họ sẽ may mắn, gặp nhiều thuận lợi.

Anh Nguyễn Văn Hoàng (Vũ Thư, Thái Bình) chia sẻ: "Ngoài yếu tố tìm người hợp tuổi, tránh xung khắc, tôi còn để ý đến nhân cách của người xông đất. Năm nào vợ tôi cũng "xét" trong số anh em, bạn bè xem ai có gia đình hạnh phúc, đang ăn nên làm ra, tính tình cởi mở thì nhờ họ tới chơi sau giao thừa".

Suốt 5 năm liền, năm nào anh Phạm Công Thành (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đến xông đất nhà người chú họ. Gia đình chú luôn đón tiếp anh niềm nở, nhiệt tình, đôi bên mừng rỡ trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Tết năm nay, anh Thành cũng vẫn giữ nếp cũ, hăm hở đem theo cành lộc đến gia đình chú họ. Nhưng vừa đến đầu ngõ đã thấy người thím nói vọng ra bảo anh chờ ít phút để anh con rể qua xông đất rồi vào chơi.

Anh Thành cảm thấy hơi bối rối vì về ngay cũng không đành mà vào nhà cũng không xong. Sau khi chờ khoảng 10 phút, thấy người con rể đến xông đất, anh Thành mới vào nhà chúc Tết.

Ra về anh mới nhớ lại hồi đầu năm khi nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện anh có polyp nên đã làm thủ thuật cắt polyp. Thủ thuật này khá đơn giản và anh khỏe mạnh, đi làm việc bình thường ngày sau đó.

Bản thân anh cũng quên luôn việc này. Anh từng chia sẻ câu chuyện cắt polyp lên mạng xã hội nên có lẽ vì thế mà gia đình nhà chú biết được và có phần e ngại khi thấy anh đến xông đất.

Lê Văn Tuấn (Nam Định) thì nhớ mãi lần lỡ hẹn xông đất cho gia đình vợ sắp cưới. Tuấn chia sẻ: "Mẹ vợ tương lai của tôi rất cầu kỳ khi chọn người xông đất. Trước Tết, bà còn đi xem bói xem ai hợp tuổi để chọn cho "chuẩn". Sau đó, bà đã chọn tôi. Nhưng Tết về, đi đến đâu mọi người cũng mời rượu nên tôi say từ đêm 30 và ngủ một mạch đến sáng mùng 1. Đến khi nhớ ra cầm đến điện thoại thì đã thấy mấy chục cuộc gọi nhỡ của người yêu kèm theo những dòng trách móc ngay ngày đầu năm mới".

Bi hài chuyện xông đất: Bị ốm chỉ chờ ngoài ngõ, con gái không được vào nhà - 1

Tết là dịp để gia đình, người thân sum họp, gặp gỡ. (Ảnh minh họa: Dreamstime).

Cũng vì cha mẹ rất xem trọng chuyện xông đất mà Vũ Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) từng phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ ngoài trời rét. Cô kể: "Tối 30, tôi cùng bạn trai đi xem bắn pháo hoa. Anh trai tôi cũng đưa người yêu đi dạo phố, đón năm mới. Trước khi đi, mẹ đã dặn anh được giao nhiệm vụ xông đất thì phải về sớm. Nhưng không hiểu đi lại tắc đường ra sao, mãi đến gần 2h anh mới về đến nhà. Tôi về trước nhưng không được vào nhà vì mẹ "kiêng" không cho con gái xông đất".

Bàn về tục xông đất đầu năm, trao đổi với Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, TS Nguyễn Hùng Vĩ cho hay, Tết là "thời điểm mạnh", là khởi đầu của mọi khởi đầu tính theo chu kỳ năm, vì vậy nó tích hợp mọi phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật... mà ít có di sản lễ hội khác sánh bằng. Trong đó có những tín ngưỡng kiêng kỵ cá nhân và cộng đồng. Với người Việt, kiêng Tết nằm trong tổng thể kiêng kỵ về sự khởi đầu.

Bi hài chuyện xông đất: Bị ốm chỉ chờ ngoài ngõ, con gái không được vào nhà - 2

Người Việt luôn muốn những người hợp tuổi, tính tình cởi mở, vui tươi, làm ăn phát đạt xông đất. (Ảnh minh họa: Vũ Phạm).

Cũng theo TS Nguyễn Hùng Vĩ, tục "xông đất" là một tập quán lâu đời, không chỉ dành riêng cho Tết. Từ cuộc sống xa xưa, người ta tín ngưỡng về các vị thần cai quản không gian sống và quan hệ với người sống qua những người hành nghề tín ngưỡng hoặc những người quản lý không gian thay mặt cho thánh thần.

Lâu dần hình thành ngạn ngữ "Đất có thổ công, sông có hà bá". Những người đó - thầy mo, thầy cúng, thủ lĩnh, già làng... - thường đến để thực hành nghi lễ và có động tác mô phỏng đầu tiên.

Khi hoàn thành công việc (phát rẫy, làm nhà, làm chuồng trại, làm hàng quán, mở cửa hàng v. v.), người ta cũng thường làm lễ và cần người "xông đất".

"Xông" là đến, "đất" là không gian thực tiễn của một ai đó được chiếm dụng, sử dụng. Dần dần, với tín ngưỡng về phong thủy, về tử vi, việc chọn người "xông đất" phức tạp dần lên.

Tuy nhiên, cái gốc chọn người già cả, khỏe mạnh, hiền lành, vị tha và không vướng "bụi" trong năm (tang chế, rủi ro, bệnh tật, bất hạnh...) vẫn còn giữ được nét xưa cũ, thuần hậu.

Việc chọn tuổi xông đất theo phong thủy, tử vi hiện nay theo TS Nguyễn Hùng Vĩ đang dần khiến tục lệ này mang đậm chất mê tín, dị đoan.

"Cũng vì mê tín mà việc thăm hỏi nhau ngày Tết để cố kết tình thân đã trở nên dè dặt. Nhiều người thân nhau không dám đến nhà nhau vì sợ lỡ ra trong năm tới, gia chủ có việc gì không may thì họ trách cứ và mình cũng day dứt", vị chuyên gia này nói.

Nhiều chuyên gia văn hóa cũng cho rằng, tục xông đất vốn là nét đẹp văn hóa. Vì vậy, không nên quá nặng nề chuyện chọn người, chọn tuổi mà nên giữ cho tinh thần thoải mái, cùng nhau gặp gỡ, đoàn viên để gắn kết tình thân. Cuộc sống, công việc của mỗi người là do chính bản thân người đó quyết định, chứ không phải do bất kỳ ai.