Sa mạc Nazca:

Bí ẩn lớn nhất trong lịch sử loài người

Không nơi nào trên thế giới lại có thể khuấy động trí tưởng tượng của con người như sa mạc Nazca. Dù đã có nhiều nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học, Nazca vẫn tiếp tục là “hiện tượng bí ẩn nhất trong lịch sử loài người”.

Nơi đây, những đường thẳng với tên gọi Nazca là một trong những bằng chứng đáng kinh ngạc và khó lý giải về sự hiện hữu của một nền văn minh cổ đại hoàn toàn khác với nền văn minh của chúng ta.

 

Những đường thẳng và hình vẽ lạ kỳ trên sa mạc chỉ được phát hiện vào năm 1927 sau chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Peru. Năm 1939, giáo sư người Mỹ Paul Cosock đã dùng một chiếc máy bay nhẹ để quan sát sa mạc Nazca từ trên cao, và ông đã không tin vào mắt mình khi nhìn thấy hình một con chim cách điệu khổng lồ trên sa mạc.

 

Bên cạnh đó là một “tuyến đường” thẳng một cách đáng kinh ngạc. Đường thẳng này cắt ngang qua địa hình mấp mô của sa mạc và mất hút ở phía chân trời. Sau đó người ta còn tìm thấy nhiều đường thẳng khác nằm song song với nhau, hay tạo thành các hình hình học và tả thực khác có kích thước từ 60 đến 250m (ảnh trên).

 

Người ta có thể nhận ra hình dáng của một con nhện khổng lồ, một con khỉ có đuôi xoắn ốc, hay hình cá voi, chim, chó... Tuy nhiên, gây được chú ý nhiều nhất chính là bức vẽ trên một sườn núi mô tả một người khổng lồ đi giày ống có đầu khá to đang giơ tay lên như vẫy chào.

 

Sau khi được phát hiện, sa mạc Nazca đã trở thành nơi hấp dẫn những con người lập dị. Erich Von Daniken - tác giả của tập sách nổi tiếng “Những ký ức của tương lai” sau khi tìm hiểu những đường thẳng và hình vẽ trên sa mạc, tuyên bố, Nazca đã từng là trạm tiếp nhiên liệu của các con tàu vũ trụ giữa các dải ngân hà.

 

Jim Woodman - một người điều khiển khinh khí cầu, thì suýt mất mạng khi tiến hành một thực nghiệm nguy hiểm nhằm chứng minh người cổ đại ở Peru đã biết sử dụng khí cầu... Nhưng nhà thám hiểm vĩ đại nhất của sa mạc Nazca lại là nhà toán học nữ Maria Reihe. Chỉ bằng cái chổi đơn giản để làm xuất lộ các hình trên mặt đất, bà phải dọn dẹp sạch sẽ sa mạc này trong hơn 50 năm, với ý định làm sáng tỏ những bí ẩn của nó.

 

Lần đầu tiên Maria đến sa mạc này cùng với Paul Cosock. Trong khi các nhà nghiên cứu khác quay trở lại Mỹ, bà đã tình nguyện ở lại nơi này và dâng hiến trọn đời mình để nghiên cứu những đường thẳng lạ lùng.

 

Hàng ngày bà thực hiện cả núi công việc mà không được trả bất cứ một đồng xu nào. Hàng giờ liền, bà mạo hiểm mạng sống của mình khi treo mình trong một cái giỏ bằng dây thừng tự tạo buộc vào máy bay để chụp các hình vẽ và các đường thẳng Nazca.

 

Nhờ sự kiên trì không mệt mỏi của bà, những đường thẳng và hình vẽ trên sa mạc đã được gìn giữ và cuối cùng được Chính phủ Peru công nhận và bảo vệ. Cống hiến của bà cho công cuộc nghiên cứu văn hoá cổ được đánh giá rất cao và bà được người Peru gọi là “Mẹ của sa mạc”.

 

Theo K.T.H

Lao Động/Pravda