Báo động trẻ bị khủng hoảng tinh thần: 20 tuổi, 6 lần tự tử

Vì thiếu sự quan tâm của bố mẹ, suốt ngày bị đánh đập, chửi bới, nhiều đứa trẻ phải bỏ nhà ra đi, thậm chí nhiều lần tìm đến cái chết do bị khủng hoảng tinh thần từ chính các bậc làm cha, làm mẹ.

Nhiều câu chuyện buồn như dạy con theo lối tiêu cực, áp đặt, không chịu lắng nghe, thậm chí thường xuyên trút giận lên đầu con… ngày một gia tăng. Nhiều ông bố bà mẹ vô tình đẩy con của mình rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần và đối mặt những cú sốc đầu đời.

Con muốn chết

Trong lúc khủng hoảng tinh thần trầm trọng, vì bị bố mẹ đánh mắng, đổ oan, cậu bé Trần Văn Hùng, 12 tuổi, thị xã Dĩ An (Bình Dương) bỏ nhà ra đi, tìm đến cái chết. Bố mẹ chia tay nhau khi Hùng mới được 7 tuổi. Hùng ở với mẹ, bố lấy vợ mới. Khi Hùng được 12 tuổi, mẹ cũng đi bước nữa. Bố cũng dần ít đến thăm, lâu lâu, hai ba tháng mới đến thăm một lần. Cậu bé luôn cảm thấy mình bị bỏ rơi vì mỗi người đều có một mối quan tâm riêng, không thực sự gần gũi, chăm sóc em, đặc biệt dượng (chồng mới của mẹ) không bao giờ nói chuyện với em. Sự khủng hoảng tinh thần lên đến đỉnh điểm khi mẹ có thêm em bé. Mọi sự quan tâm của gia đình đều dành cho em nhỏ, Hùng thực sự “bị ra rìa”.

Sự vất vả khi chăm con nhỏ, khiến tính tình của mẹ thay đổi, mẹ hay bực bội, cáu gắt. Hễ có việc gì không vừa lòng, mẹ lại trút giận lên đầu Hùng bằng những câu nói phũ phàng như: “Mày chả được tích sự gì, ở đây chỉ thêm vướng tay, vướng chân tao. Mày về nhà bố mày mà ở”. Hùng thực sự thấy bị tổn thương, ám ảnh bởi những câu nói đó. Một lần, cậu bé được mẹ giao bế em để mẹ làm việc, không may em bé bị ngã. Ngay lập tức, cả mẹ và dượng lao vào đánh em không thương tiếc, cho rằng Hùng vì ghen tị với em mà cố tình làm em ngã. Không dừng lại ở đó, mẹ và dượng còn mắng nhiếc và đuổi cậu bé ra khỏi nhà: “Hôm nay, nếu không có tao ở nhà chắc mày ném chết em mày rồi. Mày cút ra khỏi nhà tao ngay. Đồ vô tích sự”.

Không chịu được với những lời mắng nhiếc, xúc phạm của mẹ và dượng, Hùng bắt xe về nhà bà ngoại. Dù được bà vỗ về, an ủi nhưng Hùng bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Những lời mắng nhiếc, chì chiết của mẹ cứ văng vẳng bên tai khiến Hùng uất ức muốn tìm đến cái chết. Trong lúc cùng quẫn, Hùng gọi điện đến Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 khóc, thể hiện sự bất mãn. “Trên đời này, không có ai thương con cả. Ai cũng ghét, cũng quay lưng lại với con. Con sẽ chết cho bố mẹ vừa lòng”, Hùng nói trong tiếng nấc. Để xoa dịu sự chấn động tinh thần của cậu bé, các nhân viên tư vấn phải nhẹ nhàng tìm cách gợi chuyện để em trút mọi nỗi lòng.

Áp lực từ gia đình, bạn bè

20 tuổi, Nguyễn Thu Phương (thành phố Hải phòng) từng 3 lần uống thuốc ngủ, trên tay hằn 3 vết sẹo do những lần cắt tay tự tử. Đó là vết tích của những lần khủng hoảng tinh thần khi phải sống trong một gia đình không có tình thương. Bố mẹ Phương đều là cán bộ công chức nhà nước, có hiểu biết nhưng họ có cách nuôi dạy con tiêu cực và ích kỷ, nhất nhất con phải làm theo ý mình, không được phép cãi lại. Lúc nhỏ, cô bé ngoan ngoãn làm theo ý bố mẹ. Nhưng lớn hơn một chút, Phương bắt đầu cãi lại với những điều bản thân thấy không hợp lý. Cũng từ đó, cô bé sống trong chuỗi ngày khủng hoảng tinh thần, trở thành cái gai trong mắt bố mẹ.


Nhiều cô bé, cậu bé chỉ muốn bứt phá thoát khỏi cảnh sống ngột ngạt của gia đình. Ảnh: Quang Lộc

Nhiều cô bé, cậu bé chỉ muốn bứt phá thoát khỏi cảnh sống ngột ngạt của gia đình. Ảnh: Quang Lộc

Sinh nhật tuổi 12, Phương xin phép bố mẹ tổ chức mời bạn bè đến nhà, bố mẹ ra lệnh chỉ được mời 5 người bạn, không hơn. Đến khi sinh nhật bạn, Phương xin mẹ tiền mua quà tặng bạn, mẹ chửi bới cấm không được đi sinh nhật bất kỳ người bạn nào. Phương dần bị bạn bè xa lánh. Về học tập, bố mẹ đặt mục tiêu, Phương phải đứng vị trí số 1 của lớp. Hôm nào bị điểm kém, y rằng cô bé bị bố mẹ bỏ đói, nhiếc móc. Tại trường, có dì ruột làm giáo viên, mẹ gửi gắm nhờ dì quan tâm sát sao đến cô bé. Sự quan tâm, kèm cặp thái quá của dì nhiều lúc dẫn đến thiên vị Phương. Bạn bè trên lớp tị nạnh, rồi quay ra tẩy chay cô bé. Cô bé cô đơn trong chính lớp học của mình. Bạn bè còn thường xuyên trêu chọc, chửi bới, dán những tờ giấy trên áo cô bé với những nội dung xúc phạm thô tục. Không ít lần Phương bị bạn dùng bút vẽ lên áo, đâm thủng áo chảy cả máu. Từ một cô bé học lực loại giỏi, Phương sa sút xuống học lực trung bình.

Khủng hoảng, Phương về khóc với mẹ xin được chuyển sang trường khác nhưng mẹ không đồng ý. Không chia sẻ với con, người mẹ còn quay ra dè bỉu: “Mày phải là đứa sống không biết gì, cư xử tồi tệ với bạn bè nên mới bị quả báo như thế, chứ không bỗng dưng chúng quay lưng lại với mày đâu”. Bất mãn, Phương cắt tay tự tử nhưng được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu thoát chết. Đến nay, Phương đã từng 3 lần uống thuốc ngủ, 3 lần cắt tay tự tử vì không chịu nổi những áp lực của gia đình và bạn bè.

Thi đại học, Phương nộp đơn vào một trường tại Hà Nội với mong muốn thoát khỏi sự kìm kẹp ngột ngạt của bố mẹ. Bố mẹ phát hiện ra lệnh cấm, bắt cô bé thi một trường tại Hải Phòng để dễ bề quản lý. Giờ Phương đã là sinh viên năm thứ 2 đại học nhưng sự cư xử độc đoán của bố mẹ không thay đổi. Phương xin đi làm thêm, bố mẹ cấm nhưng mỗi lần xin tiền bố mẹ để chi tiêu là bị ăn mắng.

Không thể nói chuyện với bố mẹ, không có bạn bè, gần chục năm nay, Phương gọi điện đến Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 làm bầu bạn với nhân viên tư vấn trút bỏ mọi nỗi niềm. Chị Phan Lan Hương, là người trực tiếp tư vấn tâm lý cho Phương suốt gần chục năm nay. Mở điện thoại đầy những dòng tin nhắn của Phương, chị Hương cho chúng tôi đọc những dòng tin nhắn đẫm nước mắt: “Cô ơi, sáng nay con xin bố tiền ăn sáng, bố đánh mắng con một trận rồi ném tiền vào mặt con. Con muốn đi làm thêm mà bố mẹ không cho. Mỗi lần con muốn mua cái gì là phải tích cóp, nhịn ăn sáng hàng tháng trời. Hôm nọ con nhịn ăn mua được cái váy, mới mặc đã bị mẹ mắng: Mày đi ăn trộm, làm đĩ ở đâu về mà mua được. Con đau lắm cô ơi”.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em Phan Lan Hương, Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 thuộc Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cách ứng xử hằng ngày của bố mẹ đối với con cái hết sức quan trọng. “Đôi khi các ông bố bà mẹ nghĩ cách dạy con của mình là đúng nhưng không hẳn vậy. Để không làm tổn thương con, mỗi bậc phụ huynh phải đặt mình vào vị trí của đứa trẻ để dạy chúng cho đúng. Bản thân mẹ cô bé Phương hồi nhỏ từng bị bố mẹ đối xử, cay nghiệt y như bây giờ chị ấy đang đối xử với con gái mình. Tôi cũng đã từng nói chuyện với mẹ của Phương nhưng chị rất bảo thủ.

Theo chị Lan Hương, sự bảo thủ của các bậc phụ huynh, lúc nào cũng bắt con phải nhất nhất làm theo ý của mình khiến con trẻ cảm thấy bị cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Chúng không thể nói chuyện được với bố mẹ và tìm đến sự an ủi, tư vấn bên ngoài. Rất nhiều nhân viên tư vấn Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 trở thành người mẹ thứ 2 để lắng nghe, chia sẻ và dạy bảo con nhà người khác.

Theo Lưu Trinh

Lao Động