Gia Lai:
Báo động tình trạng đuối nước tập thể ở trẻ em
(Dân trí) - Năm 2016 trên địa bàn Gia Lai có 55 người bị đuối nước, 51 người tử vong. Trong 5 tháng đầu năm 2017, đã có 18 người tử vong do đuối nước. Đặc biệt liên tiếp những tháng gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ đuối nước tập thể làm 10 em học sinh tử vong. Đây được coi là thời điểm “nóng” về tai nạn đuối nước khi những ngày hè đang cận kề.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có rất nhiều ao hồ, sông suối tự nhiên, trong đó có nhiều sông lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Cón có rất nhiều ao hồ do người dân tự đào để chống hạn cho các loại cây công nghiệp.Vào hè, thời tiết khu vực Tây Nguyên oi bức, nắng gắt nên các em thường rủ nhau đi tắm sông, suối, ao, hồ... Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp các vụ đuối nước tập thể xảy ra.
Nước mắt chưa khô sau vụ đuối nước ở Ia O (huyện Ia Grai) xảy ra vào ngày 29/3 khiến 4 em học sinh tử vong, thì vào ngày 2/6 trên địa bàn xã Ia Sao (Ia Grai) lại xảy vụ đuối nước khiến 4 em học sinh tiểu học tử vong. Cụ thể khoảng 17h 30, ngày 2/6, công an xã nhận được tin báo tại khu vực hồ C3, Công ty cà phê Ia Sao 2 quản lý (thôn Tân Lập, xã Ia Sao) có vụ đuối nước nên cử lực lượng xuống phối hợp với dân cứu hộ. Kết quả vớt được thi thể 4 cháu gồm Nguyễn Lê Hải Yến (học lớp 5, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu), Tống Thị Quỳnh Hương (học lớp 3 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản), Nguyễn Thị Hảo (học lớp 4 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) và Đỗ Ngọc Thuận (học Trường mầm non 19-5).
Trước đó ngày 29/3, tại xã Ia O (huyện Ia Grai) đã xảy ra vụ đuối nước, khiến 4 nữ sinh lớp 6 của Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O) tử vong. Theo thông tin từ Ban giám hiệu Trường THCS Chu Văn An thì buổi chiều ngày 29/3, các em học sinh bị nạn không có lịch học ở trường nên tự ý rủ nhau đi chơi. Trước khi xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm ít ngày, những em này cũng đã rủ nhau đến nơi này chơi và bị phụ huynh nhắc nhở nhưng các em phớt lờ lời cảnh báo.
Riêng với Trường THCS Chu Văn An mỗi tuần chào cờ, ban giám hiệu thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo học sinh không tắm, vui chơi ở khu vực ao hồ, sông suối. Đến chiều ngày 29-3 thì ban giám hiệu nhận được tin 4 em học sinh nữ này bị đuối nước và đã tử vong tại chỗ. Được biết 4 em học sinh nữ này đều không biết bơi.
Ngày 11/4 lại xảy ra vụ đuối nước thương trên địa bàn xã Nghĩa Hòa (Chư Păh) khiến 2 em học sinh tử vong do đuối nước. Cụ thể khoảng 12h30, ngày 11/4, 4 em học sinh của trường THCS Nghĩa Hòa đã rủ nhau đi vào hồ thôn 1 để tắm. Đến nơi 2 em đứng trên bờ còn 2 em là Nguyễn Xuân Luân (2004) và em Lê Văn Vinh (2005) xuống tắm. Khi thấy bạn có biểu hiện đuối nước, em Lê Thị Vi (Chị gái của Vinh) đã nhảy xuống cứu Vinh nhưng lúc đưa lên bờ thì mặt em đã tím tái và đã tử vong sau khi đưa đi bệnh viện, còn Luân thì tử vong tại chỗ.
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong năm 2016 đã có 55 trường hợp bị đuối nước khiến 51 trường hợp tử vong và trong 5 tháng đầu năm 2017 đã có 18 trường hợp tử vong do đuối nước. Đây là một con số đáng báo động, khi thời tiết nắng nóng sẽ còn tiếp tục kéo dài và con số sẽ tiếp tục tăng nhất là vào dịp hè thời các em học sinh được nghỉ.
Tình trạng trẻ em bị đuối nước trên địa bàn tỉnh do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là một số em chưa biết bơi và chưa trang bị đủ các kĩ năng an toàn trong môi trường nước và sơ cứu đuối nước. Đồng thời là sự thiếu giám sát, quản lý thời gian và nhắc nhở trẻ trong việc tắm sông, suối, ao hồ…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải – Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Sở TBXH tỉnh Gia Lai cho biết, để tránh được những tai nạn thương tâm về đuối nước thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữ nhà trường và phụ huynh các em học sinh. Song song là cung cấp kiến thức và kỹ năng, tạo những sân chơi bổ ích giúp các em tránh được những tai nạn đáng tiếc.
Ông Hải cho biết thêm, trong năm qua Sở Lao động –Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn và đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước. Triển khai mô hình “ Ngôi nhà an toàn” tại 04 xã ở 2 huyện Chư Sê và Mang Giang, cấp 522 áo phao cho trẻ em ở 03 huyện Krông Pa, Ia Pa, Kông Chro. Kịp thời theo dõi, tổng hợp tình hình đuối nước ở các huyện, thị xã, thành phố và thăm hỏi, hỗ trợ cái gia đình có con em bị đuối nước.
Theo bà Trần Thị Thu Hà – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, sau khi những vụ đuối nước tập thể xảy ra trên địa bàn, lãnh đạo Sở đã mạnh mẽ hơn trong việc tuyên truyền các kiến thức đến các điểm trường về kiến thức, kỹ năng bơi lội cho các em. Đồng thời nắm những nơi có vùng nước sâu, nguy điểm để cảnh báo các em không được đến tắm. Tăng cười sự phối hợp của nhà trường và gia đình cùng các ngành cùng vào cuộc để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các em về tai nạn đuối nước.
Phạm Hoàng