Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm

Nguyễn Duy Bá Hậu

(Dân trí) - Với đặc thù là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nằm trong khu vực vườn Quốc gia Pù Mát, hàng nghìn cử tri huyện Con Cuông, Nghệ An đã sẵn sàng cho ngày bầu cử sớm.

Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm - 1

Cán bộ xã Môn Sơn trực tiếp đến từng hộ dân trong những bản vùng sâu, vùng xa mà loa phát thanh không phủ sóng được để vận động bà con.

Gần 5.000 cử tri đi bỏ phiếu sớm

Để đảm bảo cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra thuận lợi, an toàn, hơn 4.854 cử tri tại 4 xã gồm: Châu Khê, Môn Sơn, Thạch Ngàn và Cam Lâm của huyện Con Cuông (Nghệ An) sẽ đi bầu cử sớm vào ngày 21/5. Hiện, các địa phương nơi tổ chức bầu cử sớm đã sẵn sàng cho ngày hội lớn.

Tại bản Khe Bu, xã biên giới Châu Khê, chỉ mới hơn 8h sáng, bà con cử tri đã tập trung đến nhà văn hóa khá đông để xem danh sách tiểu sử và các ứng cử viên đã được niêm yết.

Ông Vi Quang Vinh, bản Khe Bu, xã Châu Khê, chia sẻ: "Cử tri bản chúng tôi được bầu cử sớm nên hôm nay tôi đến xem danh sách và tiểu sử các ứng cử viên để có sự lựa chọn những người xứng đáng. Tôi sẽ về nói lại với con cháu biết, đến ngày đó không lên rẫy mà tập trung về nhà văn hóa để đi bầu cử...".

Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm - 2

Cán bộ xã kiểm tra các hòm phiếu chuẩn bị cho ngày bầu cử.

Khe Bu là bản giáp biên giới Việt - Lào, được Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho bầu cử sớm trước 2 ngày so với ngày bầu cử toàn quốc. Bản Khe Bu có 178 hộ với 841 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Đan Lai. 

Cuộc sống bà con nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào rừng và phát nương làm rẫy, nên ngày thường hầu như chỉ có trẻ em và người già ở nhà. Vì vậy, để ngày bầu cử diễn ra đạt kết quả cao nhất, bản đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động.

Ông La Văn Nam, trưởng Khe Bu, xã Châu Khê, cho biết: "Theo chỉ đạo của cấp trên về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bản đã tổ chức họp nhiều lần, quán triệt, định hướng cho bà con tìm hiểu kỹ các ứng cử viên để đến ngày bầu cử, bầu những người đủ đức, đủ tài, đảm đương được công việc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một tốt hơn".

Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm - 3

Không khí cho ngày hội lớn ở bản Cò Phạt - nơi có đồng bào dân tộc Đan Lai.

Châu Khê là xã biên giới của huyện Con Cuông có 3 dân tộc anh em cùng chung sống là Kinh, Thái và Đan Lai. Đây cũng là một trong 4 xã có thôn, bản được bầu cử sớm của huyện Con Cuông.  

Ngoài nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, chính quyền xã Châu Khê và lực lượng Biên phòng phối hợp, lên phương án ở từng điểm bỏ phiếu; tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác bầu cử sớm đúng ngày. 

Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm - 4

Đến nay công tác chuẩn bị bầu cử sớm ở bản Khe Bu, xã biên giới Châu Khê đã hoàn thành tốt đẹp.

Những ngày này không khí của ngày hội bầu cử đã được tuyên truyền sâu rộng trên các đường làng ngõ xóm với các khẩu hiệu cờ, pano, băng rôn, khẩu hiệu đỏ rực… Tiếng loa phát thanh tuyên truyền về ngày bầu cử được phát liên tục.

Đồng thời, để ngày bầu cử sớm diễn ra đạt kết quả tốt, bên cạnh rà soát lại danh sách cử tri, xã cử cán bộ trực tiếp đến từng hộ dân những vùng sâu, vùng xa - nơi loa phát thanh của xã không phủ sóng được để vận động bà con về thực hiện nhiệm vụ bầu cử. 

Ông Trần Thế Tài - Bí thư Đảng ủy xã Châu Khê, huyện Con Cuông cho biết: Đến thời điểm hiện tại, xã đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện để các cử tri bầu cử vào ngày 21/5. 

Đi thuyền vượt sông Giăng vào vùng lõi để bầu cử sớm

Cũng như xã Châu Khê, xã Biên giới Môn Sơn có điểm bầu cử sớm tại bản Cò Phạt và Khe Búng. Đây là 2 bản nằm sâu trong vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, 100 % là người dân tộc Đan Lai. Đường vào hai bản Cò Phạt và Khe Búng chủ yếu đi bằng thuyền, vượt sông Giăng. 

Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm - 5

Vào phía thượng nguồn sông Giăng có hai bản Cò Phạt và Khe Bu, xã Môn Sơn - nơi có 600 cử tri là đồng bào dân tộc Đan Lai bỏ phiếu sớm.

Mất hơn 2h vượt sông, leo núi, lội khe chúng tôi cũng có mặt tại bản Cò Phạt. Nằm chênh vênh bên dòng sông Giăng, bản Cò Phạt và Khe Búng có gần 300 hộ dân, trong đó cả 2 bản có gần 600 cử tri đi bầu cử sớm vào ngày 21/5.

Ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt nói về ngày hội lớn: "Đây là thời điểm làm rẫy, bà con trong bản vào rừng săn bắt kiếm cái ăn, cái mặc nhưng chúng tôi đã tuyên truyền đến từng hộ, từng người dân trong bản ngày bầu cử ở nhà để đi bỏ phiếu đúng giờ".

Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm - 6

Người dân Đan Lai ở bản Khe Bu tranh thủ kiểm tra danh sách các ứng cử viên trước ngày bầu cử sớm.

Theo Ủy ban bầu cử huyện Con Cuông, toàn huyện có 47.272 cử tri, trong đó, 4 xã vùng biên giới và xã khó khăn có 4.854 người sẽ đi bầu cử sớm vào ngày 21/5. 

Đến nay, công tác chuẩn bị bầu cử của các xã miền núi của huyện Con Cuông đã cơ bản đảm bảo và sẽ thực hiện đúng quy định giãn cách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm - 7

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến các bản làng vùng sâu vùng xa khó khăn nhất ...

Ông Nguyễn Minh Sáu - Giám đốc Trung tâm, Văn hóa và Thể thao và Truyền thông huyện Con Cuông cho biết: "Là địa phương có 4 đơn vị bầu cử sớm. Đây đều là những bản làng vùng sâu, vùng xa, có điều kiện khó khăn cách trở về giao thông, người dân ít tiếp cận với các thông tin. Chính vì vậy chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, băng rôn khẩu hiệu, tuyên truyền bằng loa xe. Đến nay cơ bản người dân đã nắm bắt được các thông tin cho ngày bầu cử sớm". 

Thanh Hóa: Sẵn sàng trước ngày hội lớn

(Dân trí) - Cùng với các các địa phương khác, Thanh Hóa đã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Những ngày này, từ những bản làng vùng cao đến những con phố của Thanh Hóa, đâu đâu cũng rợp bóng cờ, băng rôn, tranh ảnh tuyên truyền cho ngày bầu cử.

Công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước, trong và sau bầu cử được thắt chặt.

Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm - 8

Các ngã đường của thành phố Thanh Hóa rực rỡ cờ hoa chuẩn bị cho ngày bầu cử.

Tại huyện vùng cao Mường Lát, không khí trước ngày bầu cử khá sôi động. Dọc các tuyến đường từ bản làng đến các cơ quan, công sở, trường học rực màu cờ Tổ Quốc, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng ngày hội lớn của toàn dân. Nhiều cử tri huyện Mường Lát đã lặn lội vượt hàng chục cây số đường rừng để đến hội nghị tiếp xúc cử tri, nói lên nguyện vọng của mình với các ứng cử viên.

Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm - 9

Cán bộ đến tận nhà dân để tuyên truyền bầu cử.

Mong muốn của cử tri huyện Mường Lát là Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng một số cầu, đường để nhân dân các bản có điều kiện phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, còn đề nghị tỉnh Thanh Hóa quan tâm, sớm bố trí kinh phí, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 6 khu tái định cư của 2 xã Trung Lý và Mường Lý đã được phê duyệt, để nhân dân sớm có nhà ở, ổn định cuộc sống…

Ông Mai Xuân Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: "Ủy ban bầu cử thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung cử tri đi làm ăn xa trở về địa phương. Song song với công tác chuẩn bị bầu cử, xã chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19".

Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm - 10

Tuyên truyền đến bà con đồng bào công tác phòng chống dịch trong ngày diễn ra bầu cử.

Cũng theo ông Giang, toàn huyện có 23.424 cử tri đã được lên danh sách và niêm yết; 70 khu vực bỏ phiếu (tương ứng 70 tổ bầu cử). Hiện số cử tri này có thể thay đổi theo chiều hướng giảm do con em đi làm ăn xa; do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Bà con Đan Lai sẽ không lên nương rẫy để đi bầu cử sớm - 11

Nhiều cử tri huyện Mường Lát đã lặn lội vượt hàng chục cây số đường rừng để đến hội nghị tiếp xúc cử tri, nói lên nguyện vọng của mình với các ứng cử viên.

Ngày hội toàn dân diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kịch bản và chỉ đạo tổ chức diễn tập bầu cử theo 4 tình huống.

Cụ thể: Tổ chức bầu cử tại một khu vực bỏ phiếu cố định; tổ chức bầu cử cho hộ dân đang thực hiện cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử trong khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa hoặc giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế… 

Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh được phân bổ bầu 14 đại biểu Quốc hội (gồm 7 đại biểu Trung ương giới thiệu và 7 đại biểu của tỉnh); bầu 85 đại biểu HĐND tỉnh (giảm 10 đại biểu), 920 đại biểu HĐND cấp huyện (giảm 79 đại biểu), 13.269 đại biểu HĐND cấp xã (giảm 3.170 đại biểu).

Tham gia cuộc bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tỉnh Thanh Hóa có số cử tri lên tới hơn 2,6 triệu người; từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường có tới hơn 4.000 đơn vị bầu cử các cấp.

Bình Minh