Ám ảnh kinh hoàng của cậu sinh viên 3 năm nhặt 3000 xác thai nhi xấu số

(Dân trí) - Cho đến nay, giở cuốn sổ ghi chép, Hùng cho biết đã chôn cất được trên 3.000 thai nhi xấu số từ các phòng khám sản.

Hành trình 3 năm với 3000 thai nhi xấu số được chôn cất

Gần 3 năm nay, Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1998, quê Nam Định) miệt mài đến các phòng khám, bệnh viện phụ sản ở Hà Nội xin xác thai nhi xấu số về chôn cất. Cho đến bây giờ, lật giở lại cuốn sổ ghi chép, Hùng nhẩm tính đã chôn cất trên 3.000 thai nhi. Tính trung bình, cứ 1 ngày, Hùng nhặt được 3 xác thai nhi xấu số.

Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong 3 năm qua cậu đã nhặt 3000 xác thai nhi xấu số.
Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong 3 năm qua cậu đã nhặt 3000 xác thai nhi xấu số.

Ngày đi gom, tối về Hùng lại hì hụi lau rửa và khâm niệm cho các con. Với những thai nhi chưa thành hình mà chỉ là những giọt máu đỏ hỏn, Hùng đựng trong các chai thủy tinh, bỏ vào thùng lạnh để tránh phân hủy, ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng đau xót hơn cả, với các thai thi đã lớn 5-6 tháng bị ép sinh non, các bộ phận bị tách rời, Hùng buộc phải khâu lại, tắm nước thơm cho các con trước khi mang đi chôn cất.

Trong cuộc trò chuyện với PV Dân Trí, nhiều lần câu chuyện về hành trình nhặt xác của cậu sinh viên này phải dừng lại giữa chừng vì xúc động.

Hùng và người bạn đồng hành trong một buổi tối bới rác, tìm xác thai nhi tại các phòng khám thai ở Hà Nội.
Hùng và người bạn đồng hành trong một buổi tối bới rác, tìm xác thai nhi tại các phòng khám thai ở Hà Nội.

Hùng bảo, thai nhi đầu tiên mà cậu tiếp xúc là một em bé còn chưa thành hình hài ở phòng khám tư của Nam Định. “Thời điểm đó là năm 2016. Lần đầu tiên cầm thân thể bé xíu, chỉ giống như một giọt máu đựng trong chai thủy tinh, tôi cảm giác như có trái tim đang đập trên tay mình. Lúc đó, không thấy sợ, mà chỉ thấy thương và xúc động vô cùng”, Hùng kể.

Để có nơi chôn cất tử tế cho các thai nhi, Hùng xin cha xứ trong làng được một mảnh đất rộng 300m2. Không có tiền, đi đến đâu, gặp nhà ai đang xây dựng, Hùng cũng xin lại một ít cát, xi măng, rồi để dành gom góp “xây nhà” cho các con. Trong năm đầu tiên, cậu sinh viên chôn cất được trên 100 hài nhi xấu số từ các phòng khám sản ở Nam Định.

Năm 2017, khi trở thành sinh viên trường Cao đẳng dược Hà Nội, Hùng vẫn tiếp tục thực hiện công việc lạ lùng của mình. Cậu kể, ngay trong ngày đầu tiên nhập học đã lang thang khắp các phòng khám sản để tìm hiểu. Đến đâu cậu cũng để lại số điện thoại, đặt vấn đề được chôn cất thai nhi.

“Nhiều nơi họ từ chối thẳng thừng, đuổi ra khỏi phòng khám vì tưởng tôi có mục đích gì . Chỉ một số ít đồng ý, chủ động liên lạc, tạo điều kiện để tôi thực hiện công việc của mình”, Hùng nói.

Ám ảnh những ký ức đau lòng…

Hàng ngày, buổi sáng lên lớp, chiều Hùng tranh thủ đến những phòng khám xin xác thai nhi. Trong suốt hành trình thực hiện công việc của mình, chỉ có duy nhất một ngày Hùng không nhặt được xác thai nhi nào, đó là ngày mà cậu cảm thấy hạnh phúc nhất. Ngày nhiều nhất, Hùng nhặt được trên 10 xác thai nhi, rải rác ở các phòng khám sản. Cứ 3, 4 ngày một lần, cậu đóng thùng, chuyển các con về nghĩa trang tại Nam Định.

Chiếc tủ lạnh Hùng được một đơn vị tài trợ để bảo quản các thai nhi xấu số trước khi chôn cất.
Chiếc tủ lạnh Hùng được một đơn vị tài trợ để bảo quản các thai nhi xấu số trước khi chôn cất.

Xác thai nhi phân hủy rất nhanh, có những ngày không kịp chôn cất, mùi tử thi cứ ám lấy phòng trọ. Về sau, biết được việc làm thiện nguyện của Hùng, một đơn vị đã tài trợ cho cậu một chiếc tủ lạnh và cho mượn một căn phòng riêng để bảo quản.

Dù đã quá quen với cảnh tượng đau lòng, thế nhưng trong ký ức của cậu sinh viên này vẫn không sao thoát khỏi những ký ức thương tâm. “Có lần một bé gái 7 tháng tuổi bị ép sinh non, chân tay co quắt, đôi mắt mở to cứ ám ảnh tôi mãi. Lần đó, làm vệ sinh cho bé xong, tôi đưa tay vuốt mắt để con được ra đi thanh thản.

Hay cách đây 1 năm, một thai nhi 5 tháng tuổi, cơ thể bị cắt rời, vứt thành từng phần, lăn lóc trong thùng rác ven đường. Lần đó, tôi phải bới từng túi rác, tìm và nhặt nhạnh từng phần cơ thể của con”.


Không ít trường hợp, xác thai nhi bị vứt lẫn trong các túi rác thải sinh hoạt vứt lăn lóc ven đường. Hùng và các thành viên trong nhóm thiện nguyện của mình phải dùng tay bới từng lớp rác

Không ít trường hợp, xác thai nhi bị vứt lẫn trong các túi rác thải sinh hoạt vứt lăn lóc ven đường. Hùng và các thành viên trong nhóm thiện nguyện của mình phải dùng tay bới từng lớp rác

Không có điều kiện nhưng lúc nào Hùng cũng khâm niệm cho các con bằng vải sạch, trắng tinh. Đối với các thai nhi chưa thành hình thì có thể mang về khâm niệm luôn nhưng đối với các cháu lớn rồi thì phải tắm rửa sạch sẽ. Lần nào cũng thế, trước khi chôn cất các bé bạc mệnh, Hùng đều đánh số, đặt tên và ghi chép cẩn thận.

Trong suốt gần 3 năm qua, Hùng bảo không nhớ nổi đã bao lần bị ngất vì mùi tử thi bốc lên nồng nặc do bị phân hủy quá lâu ngày. Thậm chí, có những lần bới rác, tìm thai nhi, Hùng bị kim tiêm lẫn trong đó, đâm chảy máu tay, phải thực hiện xét nghiệm.

“Ở nhiều phòng khám, họ thấy tôi đến là đuổi vì sợ làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Tôi thường phải đợi đến nửa đêm, khi cơ sở đóng cửa, nhân viên về hết mới dám tìm đến, bới những túi rác mà họ vứt lăn lóc ra đường để tìm xem có thai nhi nào lẫn trong đó hay không?”, Hùng xúc động nói.

Lần nào cũng thế, trước khi chôn cất các bé bạc mệnh, Hùng đều đánh số, đặt tên và ghi chép cẩn thận.
Lần nào cũng thế, trước khi chôn cất các bé bạc mệnh, Hùng đều đánh số, đặt tên và ghi chép cẩn thận.

Cậu sinh viên ngành Dược ám ảnh kể, có những phòng khám tử tế, họ gói những thai nhi – hệ quả qua những lần nạo, phá thai trong túi bóng, để riêng ra thùng rác nhưng không ít trường hợp, xác thai nhi bị đổ lẫn với rác sinh hoạt, thậm chí dồn lại 3-4 ngày mới vứt. “Không ít trường hợp, khi chúng tôi tìm thấy đã bị phân hủy, bốc mùi, không còn nguyên vẹn. Đau lòng hơn, có thai nhi còn bị lẫn với giòi bọ, phải dùng tay nhặt riêng từng phần xương thịt”, Hùng nghẹn ngào.

Để tránh mọi người xung quanh dị nghị và gia đình lo lắng, Hùng giấu kín về công việc của mình. Mỗi tháng, với số tiền người thân chu cấp 3 triệu để ăn học, Hùng tính toán, chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Một phần trong số này được cậu trích ra để thực hiện cho công việc thiện nguyện của mình.

Nghĩa trang đặc biệt, nơi chôn cất các thai nhi xấu số ở Nam Định
Nghĩa trang đặc biệt, nơi chôn cất các thai nhi xấu số ở Nam Định

Dù đối mặt với không ít khó khăn, thế nhưng, cậu sinh viên trường Dược chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Hiện nay, may mắn là Hùng đã tìm được những người bạn đồng hành tốt, hiểu công việc thiện nguyện của mình. Nhóm của Hùng có 5 người, hầu hết là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Hà Nội.

“Nhiều người bảo tôi bị điên, có người nói tôi bị khùng. Thậm chí, không ít người hỏi thẳng tôi: Nhận được bao nhiêu tiền từ công việc này? Với ai, tôi cũng chỉ im lặng, không thanh minh. Chẳng có ai lại trả lương cho người đi bới rác cả, có một điều gì đó thôi thúc tôi phải làm như thế.

Trong sâu thẳm lòng mình, tôi không thể kìm lòng khi chứng kiến cảnh tượng các thai nhi – sinh linh bé bỏng còn chưa thành hình đã bị chối bỏ tàn nhẫn”, Hùng trải lòng khi được hỏi về lý do gắn bó với công việc lạ lùng này.

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm