3 người đàn ông trong biệt thự khiến nhân viên cấp cứu ám ảnh
“Đó là chuyến đi khiến tôi nhớ mãi. Tôi nhớ gương mặt buồn tủi và bất lực của bà cụ và cách hành xử hung hăng, vô tình của những người thân trong gia đình”, chị Hường chia sẻ.
Là nhân viên của Trung tâm cấp cứu 115 tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hường (SN 1991, y sĩ) có 4 năm kinh nghiệm trong nghề. Trong khoảng thời gian đó, chị đã theo hàng trăm chuyến xe đưa đón người bệnh, tiếp xúc với hàng nghìn bệnh nhân và người nhà của họ. Tuy nhiên mỗi chuyến đi, mỗi người chị gặp lại mang đến cho chị một kỷ niệm buồn, vui khác nhau.
Nữ y sĩ chia sẻ, vui vì chị và ekip đã đưa đón, kịp thời giúp nhiều bệnh nhân qua được cơn nguy kịch nhưng buồn vì nhiều bệnh nhân và người nhà vẫn chưa hiểu và thông cảm với áp lực của những người làm nghề như chị. Họ chửi bới và thóa mạ các nhân viên trung tâm với rất nhiều lý do.
“Có thể là lý do xe cấp cứu đến chậm nhưng cũng có những lý do khiến tôi thấy rất sốc và ngỡ ngàng”, chị Hường nói.
Chị kể tiếp, lần đó, trung tâm nhận được điện thoại gọi xe cấp cứu. Địa chỉ nhà bệnh nhân nằm trong nội thành, đúng giờ cao điểm nên xe rất đông. Chiếc xe cấp cứu phải hú còi ầm ĩ và luồn lách qua các con phố đông nghịt mới có thể có mặt.
“Đến nơi tôi mới biết, địa chỉ nhà bệnh nhân là một căn biệt thự rộng lớn. Trong nhà rất đông người, cả nam nữ đã tập trung. Tuy nhiên vừa nhìn thấy nhân viên y tế, một người đàn ông đã quát tháo ầm ĩ. Vài người khác thì tỏ thái độ cau có ra mặt. Hóa ra, họ tức giận vì nhân viên y tế có mặt là nữ”, chị Hường kể.
Chị nói tiếp, bà cụ (80 tuổi) là bệnh nhân và đồng thời là mẹ của 5 người con (3 trai, 2 gái). Bà bị tai biến, nằm liệt giường đã lâu nên cơ thể có nhiều vết lở loét và bốc mùi hôi. Có vẻ như tất cả các con không ai muốn chạm vào bà.
Họ tin rằng việc đưa bà cụ ra xe là trách nhiệm của các nhân viên y tế. Tuy nhiên nhân viên y tế có mặt hôm đó lại là 2 nhân viên nữ, không thể bế được bà ra xe nên các con cháu của bà rất tức giận.
Một người con trai của bà còn hung hăng chửi bới, đòi xông ra đánh chị Hường và báo lên đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội khi chị Hường nói, nhân viên y tế chỉ có trách nhiệm hỗ trợ và hướng dẫn người nhà vận chuyển bệnh nhân lên xe.
“Họ làm ầm ĩ suốt 10 phút đồng hồ. Sau cùng, tôi phải nhờ anh lái xe vào bế bà cụ. Hai giúp việc của gia đình cũng sốt sắng hỗ trợ đưa bà cụ lên xe. Tuy nhiên suốt từ lúc tôi có mặt đến khi cụ bà đã được nhập viện, những người con không có ai chạm vào bà. Ngay cả lúc đi chuyển đến bệnh viện, người ngồi cùng xe với bà cũng là nhân viên y tế và người giúp việc. Các con bà chỉ theo sau bằng ô tô riêng của mình”, chị Hường nhớ lại.
Theo lời chị Hường, trên xe bà cụ nằm bất động, không nói không rằng nhưng đôi mắt cụ cứ nhìn vào vô định và những giọt nước mắt lăn dài trên má. Thỉnh thoảng bà lại liếc nhìn nhân viên y tế rồi nhìn người giúp việc như muốn nói lời cảm ơn…
Chứng kiến cảnh đó và nhớ lại thái độ của những người con của cụ, chị Hường nói, chị thấy rất đau lòng. “Đau lòng hơn là một trường hợp mà chị gặp trong chuyến xe đón bệnh nhân ở ngoại thành Hà Nội", chị tiếp tục câu chuyện.
Chị Hường kể, khi điện thoại lên tổng đài 115 gọi xe cấp cứu, người nhà bệnh nhân nói giọng vô cùng cấp thiết, đề nghị xe cấp cứu đến ngay vì bệnh nhân tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Khi thấy xe cấp cứu và nhân viên y tế đến, người nhà bệnh nhân cũng rất sốt sắng. Họ lao ra mở cửa và yêu cầu nhân viên y tế vào nhà ngay lập tức.
Bước vào nhà, leo lên tầng 5 của căn nhà to đẹp, chị Hường nhận ra bệnh nhân là một nam thanh niên chừng 30 tuổi. Thanh niên này đang trong tình trạng hôn mê. Vì vậy chị yêu cầu người nhà gấp rút đưa bệnh nhân xuống tầng 1 để vận chuyển ra xe. Tuy nhiên nghe đến chuyện vận chuyển bệnh nhân, tất cả các thành viên trong nhà đều chững lại. Mỗi người đều kiếm cớ làm việc khác để lảng tránh việc bế bệnh nhân.
“Thấy vậy, một nhân viên y tế nam đã quyết định cõng bệnh nhân từ tầng 5 xuống nhà rồi đưa ra xe. Tuy nhiên trong lúc cõng ở cầu thang, bệnh nhân bỗng nôn đầy người nhân viên này”, chị Hường nói.
Theo chia sẻ của chị Hường, hai vụ việc trên đã khiến chị ám ảnh bởi sự dửng dưng trước nỗi đau người thân trong gia đình.
“Chẳng lẽ, vì sợ bẩn, sợ hôi thối mà họ nỡ đối xử như vậy với người thân, với mẹ đẻ của mình”, chị Hường nói.
Theo Vietnamnet