10 người phụ nữ tàn ác nhất trong lịch sử (1)
(Dân trí) - Elizabeth Báthory, nữ bá tước vùng Trasylvania, Hungari ở thế kỷ 16, người làm cả thế giới phải kinh sợ với “kỳ tích” đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness là người phụ nữ giết nhiều người nhất thế giới.
1. Elizabeth Báthory, 1560-1614
Theo ước tính, đã có hơn 600 cô gái trẻ là nạn nhân của con người khát máu này theo đúng nghĩa đen. Sinh trưởng trong một gia đình lâu đời và quyền quý bậc nhất lúc bấy giờ, Elizabeth đã sớm kế thừa dòng máu tàn ác và bệnh hoạn của dòng họ Báthory truyền thống.
Dòng họ này vốn chỉ cho phép kết hôn với những người trong cùng gia tộc. Chính sự tàn ác đến ghê rợn của vị nữ bá tước này là một trong những nguồn cảm hứng cho Bram Stoker viết nên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Bá tước Dracula". Tuy nhiên, khác với Dracula của Stoker, Elizabeth là có thật.
Chồng của Elizabeth là Ferenzce Nadasdy, thủ lĩnh quân đội Hungary, một người dũng cảm nhưng cũng rất nổi tiếng bởi sự tàn bạo. Do chồng thường xuyên phải vắng nhà và cũng bởi quá nhàn rỗi trong một lâu đài rộng lớn, Elizabeth tự tìm cho mình những thú vui để khuây khoả.
Một trong những thú vui mà con người này thích nhất là việc tra tấn các cô hầu của mình và biến lâu đài Csejthe thành lâu đài của tội ác. Sau khi chồng chết, cũng là lúc Elizabeth bắt đầu bước sang tuổi 40. Ả cố tìm mọi cách để che đậy những nếp nhăn đang xâm chiếm khuôn mặt mình, thế nhưng, nhan sắc vẫn ngày càng đi xuống.
Rồi một hôm, do sơ ý mạnh tay khi đang chải tóc cho Elizabeth, cô người hầu đã bị một cú tát mạnh đến nỗi máu mũi văng cả lên tay của Elizabeth. Nhận thấy những vết máu trên tay sau khi lau khô để lại một làn da khác hơn so với trước, Elizabeth ra lệnh cho những thuộc hạ thân tín đem cô hầu gái đó treo lên trên một cái vạc lớn và... cắt mạch máu, còn Elizabeth đứng dưới và... tắm.
Với quan niệm, nếu một ít là tốt, thì nhiều sẽ còn tốt hơn, càng ngày càng khát máu, có những lúc Elizabeth còn trực tiếp uống máu của những con mồi mà mình “săn” được.
Sự việc chỉ bị phanh phui khi vị “bá tước Dracula” này trở nên bất cẩn. Do giết hại quá nhiều người đến mức không tìm được cách giấu xác cho hiệu quả, ả ra lệnh quăng những cái xác ra khỏi bức tường bao quanh lâu đài. Mặc dù mang tội danh giết người hàng loạt, Elizabeth Báthory với tước vị và danh tiếng của gia đình chỉ bị kết án giam cầm suốt đời trong một tháp cao.
2. KatherineMaryKnight, 1956
Katherine Mary Knight là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Australia bị kết án tù chung thân không ân xá do hành vi giết người quá dã man và tàn ác. Tháng 2 năm 2001, trong một lần cãi cọ, Knight đã “làm thịt” người yêu, John Price, bằng cách đâm ông hàng chục nhát dao, lột da và rồi nấu nhiều bộ phận trong cơ thể, bày lên các chiếc đĩa với ý định mời chính các đứa con của nạn nhân đến ăn bữa cơm “đặc biệt” này.
Cảnh sát có mặt tại hiện trường hôm đó cho đến nay vẫn còn được cố vấn về tâm thần. Hiện Katherine Mary Knight đang bị giam trong một xà lim riêng biệt dành cho một kẻ giết người nổi tiếng của trại giáo dưỡng dành cho phụ nữ Mulawa ở Sydney.
3. Irma Grese, 1923-1945
Irma Grese là một nữ giám thị khét tiếng tàn ác nhất, một hung thần trong các trại tập trung dành cho phụ nữ dưới chế độ Đức Quốc xã. Những người bị bắt vào đây hầu như đều phải “qua tay” của Grese. Ả luôn coi hành hạ thể xác, cưỡng bức tâm lý các tù nhân cho đến chết là thú tiêu khiển hàng đầu của mình.
Irma thường nuôi những con chó săn lớn và bỏ đói chúng, sau đó thả vào những căn buồng giam tù nhân. Nhiều khi, Grese còn đích thân chỉ đạo bắt hàng trăm người nhốt vào phòng khí ga rồi ngồi ngắm nhìn họ quằn quại cho đến khi chết vì ngạt thở.
Hình ảnh của Irma Grese trong các trại tập trung luôn gắn liền với đôi ủng nặng, sẵn sàng giày xéo lên bất cứ kẻ nào làm ả ngứa mắt, một khẩu súng ngắn luôn bắn tuỳ ý vào những tù nhân xấu số và một chiếc roi da dùng để vụt những kẻ nào ả gặp trên đường.
Tuy nhiên, sau khi Đức Quốc xã bị tiêu diệt, Irma Grese cũng đã phải đền tội. Ả bị kết án tử hình bằng hình thức treo cổ.
4. Ilse Koch, 1906-1967
Ilse Koch nổi tiếng với cái tên “ác quỷ Buchenwald”, một nữ giám thị độc ác trong trại tập trung Buchenwald, Đức giai đoạn 1937 đến 1941. Ilse khét tiếng với thú xăm hình lên da của những tù nhân ở đây để phân loại từng người.
Năm 1937, mụ đến Buchenwald với vai trò là một nữ giám thị, nhưng sau đó, trở thành vợ của viên chỉ huy trưởng trại tập trung này. Ở đó, dựa vào hơi chồng và sẵn có quyền lực trong tay, Ilse liên tục hành hạ các tù nhân bằng mọi hình thức tra tấn dã man nhất.
Năm 1940, Ilse cho xây dựng một đấu trường ngoài trời khá tốn kém mà hầu hết số tiền đều lấy từ túi của các tù nhân. Sau khi kết thúc Thế chiến thứ II, Ilse Koch bị tống giam để trả giá cho những tội ác mà mụ đã gây ra. Cuối cùng, Ilse đã tự kết thúc cuộc đời đầy tội lỗi của mình trong một phòng giam đặc biệt tại nhà tù dành cho phụ nữ có tên Aichach vào ngày 1/9/1967.
5. Mary Ann Cotton , 1832-1873
Dường như một tuổi thơ vất vả, cơ cực và túng thiếu vì sớm mồ côi cha đã biến Mary Ann Cotton trở thành một kẻ sát nhân máu lạnh. Đã có đến 20 người phải chết dưới bàn tay lạnh lùng của người phụ nữ này. Điều đáng nói ở đây là toàn bộ nạn nhân đều là người thân như chồng, con ruột, thậm chí cả mẹ đẻ của ả. Những người này đều chết một cách đột ngột do mắc cùng một căn bệnh đau dạ dày bí hiểm mà sau này mụ khai nhận là do thạch tín.
Người chồng đầu tiên của Ann là William Mowbray, một người thợ mỏ. Chỉ sau 4 năm kết hôn, Mary Ann đã có tới 5 đứa con. Cũng chính từ đây, giữa đôi vợ chồng trẻ này bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn về tiền bạc. Thế rồi, lần lượt các thành viên trong gia đình Ann, kể cả người chồng William lần lượt thay nhau ra đi do cùng mắc căn bệnh rối loạn tiêu hoá.
Sau đó, Ann chuyển đi nơi khác và đi bước nữa với kỹ sư George Ward, nhưng rồi Ward cũng chết chỉ một năm sau đó do chứng bệnh liên quan đến dạ dày. Tiếp đến là người thợ đóng tàu James Robinson cùng những đứa con riêng và con chung với Ann cũng lại tiếp tục ra đi với những dấu hiệu của bệnh dạ dày.
Khi được tin mẹ ốm, mụ trở về nhà để chăm sóc người mẹ già yếu, và rồi chỉ ít lâu sau đó chính bà mẹ này cũng đột ngột đau bụng rồi chết.
Anh Nguyễn
(Tổng hợp)