An Giang:

10 năm nông dân liều mình đi thăm ruộng bằng “cáp treo”

(Dân trí) - Gần 10 năm nay nông dân huyện đầu nguồn An Phú qua lại bằng “cáp treo” lơ lửng giữa dòng sông Cỏ Lau để đến với ruộng, vườn của mình. Còn vài hộ sống nơi đây thì xem nó như một phát minh hiệu quả.

Về xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang ai ai cũng biết đến ông Võ Văn Nê, 51 tuổi, ngụ ấp Phú Hiệp. Ông là người đầu tiên làm “cáp treo” qua sông Cỏ Lau ở huyện cù lao này hàng chục năm nay. Nhìn cáp treo “lướt gió” chở người qua sông hàng ngày ông Nê nhớ lại nói: “Để được ngày như hôm nay là cả quá trình! Ban đầu nó chạy chút xíu là bị trục chặt rồi, sau đó nghiên cứu lại từ từ nên mới được chạy mượt như ngày hôm nay!”.

Theo ông Nê, cáp treo này có kết cấu đơn giản gồm: 01 cái gióng gắn với 2 sợi dây cáp được liên kết với nhau qua 3 cái bạc đạn trên đầu cái gióng. Cuối cùng là sợi dây vàm (hay còn gọi là dây thừng) cũng có 2 bạc đạn để kéo qua kéo lại. Nói là cái gióng nhưng thực chất là một chổ đứng dạng hình kim tử tháp, có chiều ngang 0,8m, dài 1m và chiều cao là 2,5m. Mỗi lần di chuyển chỉ cần kéo sợi dây vàm là nó sẽ đưa người lướt nhanh qua bên kia sông.

Ông Nê biểu diễn cho chúng tôi xem kỹ thuật qua sông bằng cáp treo do ông làm ra
Ông Nê biểu diễn cho chúng tôi xem "kỹ thuật" qua sông bằng cáp treo do ông làm ra

“Ở khu vực này trời mưa thì bắt cầu khó khăn mà lại tốn kém nữa. Tôi chỉ nghỉ sao lưu thông thuận tiện mà ít tốn chi phí nhất nên mới làm cáp treo này nó bền và tiện nữa” – ông Nê cười vui vẻ nói.

Trong khi đó, anh Võ Văn An, nhà ở gần khu vực cáp treo cho biết, khu vực này có khoảng 4 hộ dân sinh sống. các em nhỏ đi học cũng tự “lượt gió” qua sông rồi. “Nhờ có cáp treo này mà bà con ở đây đỡ lắm, mùa nào đi cũng được. có năm nước ngập gần đụng đích cáp treo thì mình dỡ nó lên thôi! Còn đi xuồng hay đi cầu thì phải đi vòng tốn thời gian lắm! mỗi ngày ít gì cũng vài chục người, còn vào vụ lúa thì cả trăm người/ngày luôn!” – anh An nói

Theo anh Cao Xuân Điệu, PCT.UBND xã Phú Hữu cho biết, “Cáp treo” của ông Nê là đầu tiên trong khu vực này. Bà con khắp nơi qua lại làm ruộng lúa gì cũng đều sử dụng nó rất nhanh và an toàn nữa. “Mùa lũ thì chỉ còn chỗ ông Nê. Còn mùa thu hoạch lúa thì toàn xã có đến 4 cáp treo do nông dân tự làm theo để qua lại kênh mương ranh Vĩnh Lộc – Phú Hữu canh tác lúa và hoa màu!” – ông Điệu nói.

Hiện tại xã Phú Hữu có 4 cáp treo như thế này do người dân chế ra để qua sông thăm ruộng
Hiện tại xã Phú Hữu có 4 cáp treo như thế này do người dân chế ra để qua sông thăm ruộng

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khên, PCT.UBND huyện An Phú cho biết, huyện đã biết tình trạng người dân xã Phú Hữu đi “cáp treo” qua kênh Cỏ Lau từ lâu nhưng từ trước giờ địa phương còn nhiều khó khăn, kinh phí còn hạn chế nên chưa thể xây dựng cầu cho bà con qua lại được. Việc bà con đi “cáp treo” qua kênh chỉ là giải pháp tình thế chữa cháy chứ không thể lâu dài được. Nhưng hướng tới phải xây dựng cầu cho bà con đi lại chứ không thể để người dân qua lại bằng cáp treo như thế hoài được!” – ông Khên nói

Tuy chưa có kết luận chính thức từ mô hình này nhưng nhìn những nông dân “bay vèo vèo” lướt qua sông bằng “Cáp treo” thì rất nguy hiểm cần có giải pháp căn cơ hơn là tình thế như hiện nay.

Minh Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm