Waka theo đuổi mô hình kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực sách điện tử

(Dân trí) - Trong thời gian gần đây, cái tên Waka có vẻ được báo chí, kể cả truyền hình, nhắc đến nhiều với tên gọi là một nền tảng xuất bản sách điện tử (ebooks). Trong khi thị trường sách điện tử ở Việt Nam vẫn còn rất non nớt thì việc một doanh nghiệp nội kinh doanh ebooks theo đuổi mô hình này là điều khá lạ lẫm và nhận được cái nhìn nghi ngờ của không ít chuyên gia kinh tế. Hãy thử phân tích xem liệu chàng “Đông ki sốt” Waka tràn đầy khát vọng của 4 năm về trước đã và đang làm những gì để hiện thực hóa giấc mơ về một nền tảng xuất bản điện tử tại Việt Nam.

Trước tiên, cần điểm lại một chút tình hình thị trường ebooks Việt Nam những năm 2014-2015. Hầu hết các nhà phát hành đều nhận ra tiềm năng to lớn và xu thế không thể tránh khỏi của ebooks. Những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực sách của Việt Nam đều hăm hở đầu tư phát triển riêng cho mình những ứng dụng đọc ebooks để dấn thân khai thác mảng kinh doanh này. Có thể kể đến những cái tên đình đám thời bấy giờ như: Ybooks của Nhà xuất bản Trẻ, Vinabooks của Vinabooks, Greenlane của NXB Kim Đồng…Còn các nhà xuất bản nhỏ hơn thì lượng sức mình chưa đủ để đầu tư nhưng vẫn ấp ủ mong muốn một ngày phiên bản ebooks của mình sẽ xuất hiện trên nền tảng điện tử và mang lại doanh thu.

Tại thời điểm đó, Vega Corporation vốn không phải là một nhà phát hành truyền thống để sở hữu bất kỳ quyển sách nào, thầm lặng phát triển một nền tảng kinh doanh ebooks mang tên Waka. Thời gian đầu, Waka tập trung phân phối phiên bản điện tử của các cuốn sách đã xuất bản của các nhà phát hành trên cả nước. Từ năm 2017, Waka phát triển mạnh phần nội dung bằng cách hợp tác với các nhóm dịch giả để dịch truyện nước ngoài đã được mua bản quyền và xây dựng riêng một đội ngũ tác giả sáng tác ngay trong Waka. Bằng cách này, Waka đa dạng hóa được nguồn tác phẩm cung cấp cho bạn đọc và chủ động hơn trong việc xuất bản sách điện tử.

Có thể tổng kết những bước đi chiến lược của Waka trên con đường theo đuổi mô hình kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực sách điện tử như sau:

1. Xây dựng mạng lưới liên kết với các nhà xuất bản, nhà phát hành sách

Tiêu chí của những nhà xuất bản và nhà phát hành được mời tham gia vào mạng lưới của Waka sẽ là những nhà xuất bản có mong muốn phát triển mảng ebooks và có thế mạnh ở mảng này. Mạng lưới liên kết này đảm bảo số lượng và tính đa dạng của nguồn cung tác phẩm được kinh doanh trao đổi trên nền tảng – yếu tố then chốt để thu hút người dùng là độc giả yêu sách.

Tính đến Quý I/2018, Waka đã hợp tác với 58 đối tác xuất bản trong và ngoài nước để kinh doanh 13.000 cuốn ebooks thuộc nhiều thể loại đa dạng, phục vụ nhu cầu đọc của mọi đối tượng độc giả Việt.

2. Tạo sân chơi kết nối với tác giả, dịch giả và độc giả

Để tăng cường tính đa dạng của nguồn cung tác phẩm cũng như chủ động sản xuất một phần nội dung trên nền tảng xuất bản điện tử, Waka đã tạo một sân chơi kết nối giữa tác giả, dịch giả và bạn đọc. Theo đó, bản quyền những tác phẩm ăn khách của nước ngoài sẽ được Waka mua lại và huy động cộng đồng dịch giả tự do tham gia dịch. Sau khi tác phẩm được đăng tải, Waka sẽ chia sẻ doanh thu với các nhóm dịch giả tùy theo chỉ số kinh doanh của tác phẩm. Và cũng ngay trên nền tảng Waka, độc giả và dịch giả có thể trao đổi tương tác với nhau để hoàn thiện tác phẩm dịch cũng như tạo hiệu ứng mạng tích cực cho tác phẩm được truyền thông đến nhiều bạn đọc hơn. Điều này tạo thành một vòng tròn khép kín tương hỗ, giúp sân chơi trên nền tảng ngày càng trở nên sôi động và hấp dẫn.

3. Phát triển cộng đồng độc giả

Cộng đồng độc giả chính là tập khách hàng của Waka và Waka đã có những bước đi chiến lược trong việc xây dựng cộng đồng độc giả. Ngoài việc khai thác mạnh mẽ Facebook – kênh truyền thông nhanh và hiệu quả hàng đầu hiện nay tại Việt Nam – bằng cách phát triển các fanpage (trang) và group (nhóm) theo từng thể loại sách nhằm đánh đúng nhu cầu của các tập đối tượng này, Waka còn thực hiện những bước đi dài hơi hơn để thu hút tập khách hàng tiềm năng.

Cụ thể là, tháng 4/2018 vừa qua, Waka đã công bố dự án “Thư viện sách điện tử cộng đồng”. Theo đó, Waka sẽ hợp tác với các trường đại học và cao đẳng trên cả nước để mở những thư viện sách điện tử hoàn toàn miễn phí hàng vạn cuốn sách thuộc mọi lĩnh vực, từ khoa học công nghệ đến văn hóa xã hội, văn học, kỹ năng, kinh doanh…phục vụ cho tất cả sinh viên của trường. Mục tiêu nhắm đến của Waka là con số hàng triệu sinh viên Việt Nam. Đây là đối tượng khách hàng tiềm năng trong tương lai của Waka mà Waka cần tiếp cận và chiếm lĩnh trái tim ngay từ bây giờ. Chiến lược này có phần giống với Viettel khi tạo rất nhiều gói cước và ưu đãi cho sinh viên; để rồi thời điểm họ ra trường đi làm là khi họ đã trở thành khách hàng thân thiết và gắn bó với nhà mạng này.

Mô hình nền tảng của Waka kết nối độc giả và nhà xuất bản
Mô hình nền tảng của Waka kết nối độc giả và nhà xuất bản

Có thể nhìn thấy rằng những bước đi của Waka đều có tính toán và nằm trong chiến lược phát triển bền vững, lâu dài của nền tảng này. Một số quá trình được tìm cách rút gọn nhưng không vì đốt cháy giai đoạn mà lược bớt tiêu chí và giá trị cuối cùng mang lại.

Mới đây, Waka vừa công bố chính thức hợp tác khai thác tác phẩm với Saigon Books trên nền tảng điện tử. Theo đó, Waka sẽ tạo riêng một tủ sách của Saigon Books trên nền tảng Waka (bao gồm cả trên web, wap và app). Mô hình hợp tác này lần đầu tiên xuất hiện trong lĩnh vực ebooks ở Việt Nam và kỳ vọng sẽ mở ra một phương thức kinh doanh hiệu quả.

Độc giả có thể tìm hiểu thêm về nền tảng xuất bản điện tử tại Waka.vn