Trưng bày chuyên đề:

“Từ Hoàng cung triều Trần đến Thánh địa Trúc Lâm, hành trình từ bậc Quân vương đến đức Phật Hoàng”

(Dân trí) - Nhân tưởng niệm 710 năm ngày đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2018), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Từ Hoàng cung triều Trần đến Thánh địa Trúc Lâm, hành trình từ bậc Quân vương đến đức Phật Hoàng”.

Ngày 7/12 tại Thềm rồng Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 710 năm ngày đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2018).

Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của nhà Trần, ông sinh ngày 11/11 (1258). Năm 16 tuổi (1274), ông được sắc phong làm Hoàng thái tử. Năm 21 tuổi, ông được vua cha Trần Thánh Tông nhường ngôi, ở ngôi 15 (1278-1293).

Tượng đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử.
Tượng đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử.

Năm 1293, ở tuổi 35, ông nhường ngôi cho con, lui về Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng, rồi xuất gia tu tập tại hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình). Năm 1299, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu trên núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau đổi là Trúc Lâm Đại sĩ.

“Từ Hoàng cung triều Trần đến Thánh địa Trúc Lâm, hành trình từ bậc Quân vương đến đức Phật Hoàng” - 2
Các đại biểu dự lễ dâng hương tại Thềm rồng Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long.
Các đại biểu dự lễ dâng hương tại Thềm rồng Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long.

Tháng Giêng năm 1308, Trúc Lâm Đại sĩ tổ chức truyền thừa tổ vị cho Pháp Loa tại Cam Lộ đường chùa Siêu Loại. Ngày 1/11/1308 Trúc Lâm Đại sĩ an nhiên hóa Phật tại Am Ngọa Vân, các đệ tử hỏa thiêu Ngài ngay tại Ngọa Vân, rước xá lị về tôn trí tại bảo tháp chùa Tư Phúc trong cấm thành Thăng Long, sau đó xá lị được phân phát đi nhiều nơi.

Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là một nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự tài ba mà còn là một nhà tư tưởng lớn. Ông là người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm dấu ấn Việt; kết nối và tổ chức giới tu hành thành giáo hội, kết dựng Thiền phái với tư tưởng hòa quang đồng trần, giải thoát không rời thế gian.

Những đóng góp to lớn của ông đã được sử sách ghi nhận là “vị vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trung hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”.

Hiện vật hộp vàng thời Trần, tìm thấy tại khu vực Suối 1, thôn Trại Lốc, An Sinh, Đông Triều (phiên bản trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long)
Hiện vật hộp vàng thời Trần, tìm thấy tại khu vực Suối 1, thôn Trại Lốc, An Sinh, Đông Triều (phiên bản trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long)

Cùng với hoạt động tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh khai mạc trưng bày chuyên đề: “Từ Hoàng cung triều Trần đến Thánh địa Trúc Lâm, hành trình từ bậc Quân vương đến đức Phật Hoàng”.

Trưng bày chuyên đề này giới thiệu các giá trị di sản vật chất và tinh thần của thời đại nhà Trần, về cuộc đời, sự nghiệp Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông qua hình thức trưng bày diễn giải gần 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật khảo cổ khai quật tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và hệ thống các di tích liên quan đến Trúc Lâm Yên Tử tại Quảng Ninh.

Đặc biệt, trong số các hiện vật được trưng bày có phiên bản của hộp vàng thời Trần được tình cờ tìm thấy tại khu vực Suối 1, thôn Trại Lốc, An Sinh, Đông Triều. Hộp vàng mô phỏng hình 11 quả núi nổi hình cánh sen trên thân hộp, chiều cao toàn thân là 4,2 cm. Chiếc hộp nguyên bản chế tác hoàn toàn bằng vàng, có trọng lượng tương đương khoảng 15 chỉ vàng.

“Từ Hoàng cung triều Trần đến Thánh địa Trúc Lâm, hành trình từ bậc Quân vương đến đức Phật Hoàng” - 5
“Từ Hoàng cung triều Trần đến Thánh địa Trúc Lâm, hành trình từ bậc Quân vương đến đức Phật Hoàng” - 6
Các hiện vật bằng đất nung có niên đại từ thời Trần được tìm thấy dưới lòng đất khu Hoàng thành Thăng Long.
Các hiện vật bằng đất nung có niên đại từ thời Trần được tìm thấy dưới lòng đất khu Hoàng thành Thăng Long.

Trước đó (ngày 5/12/2018), Trung tâm cũng đã tổ chức một buổi tọa đàm khoa học nhằm khẳng định vai trò to lớn của đức vua, phật hoàng Trần Nhân Tông trong lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo; mối liên quan giữa Hoàng cung Thăng Long và thánh địa Trúc Lâm, những địa danh gắn với cuộc đời làm vua và xuất gia tu tập, hóa Phật của đức vua Trần Nhân Tông.

“Từ Hoàng cung triều Trần đến Thánh địa Trúc Lâm, hành trình từ bậc Quân vương đến đức Phật Hoàng” - 8
Chậu gốm hoa nâu thời Trần.
Chậu gốm hoa nâu thời Trần.

Chuỗi hoạt động đã góp phần tôn vinh những di sản văn hóa, di sản tinh thần của triều Trần nói chung và của Phật hoàng Trần Nhân Tông nói riêng, đồng thời giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu sâu hơn và trân trọng những giá trị quý báu đó.

Hà Tùng Long

Ảnh: HTTL