Câu chuyện truyền thông và “nỗi buồn” quản lý xuất bản
(Dân trí) - Hàng loạt cuốn sách bị ngưng phát hành hoặc thu hồi nhưng không vì thế mà biến mất trên thị trường, ngược lại nó trở thành món hàng độc cho những tay in sách lậu. Và kết quả là, sách cấm được nhiều người lùng mua...
Ai cũng biết rằng, một cuốn sách ra đời là hệ quả của việc thiết lập và lựa chọn các giá trị, đôi khi nó là cả một công trình nghiên cứu công phu của tác giả nhưng phổ người đọc không rộng, thì sách ấy số lượng phát hành rất thấp, mặc dù ai cũng biết nó có giá trị. Ngược lại, một cuốn sách mang tính thị trường, thuần giải trí, ve vuốt được đám đông thì sách ấy lại bán chạy như tôm tươi và doanh thu cao ngất…Bài toán đối với những người làm truyền thông là làm sao để những cuốn sách ấy thật sự nổi, thật sự “hot” thì con đường để đạt đến doanh thu khủng. Đấy là phương thức truyền thông chính đáng nhưng nếu như không có những câu chuyện đằng sau.
Những nghịch lý
Việc sách càng bị “cấm” càng bán chạy không hề mới như: Sợi xích; sát thủ đầu mưng mủ..v..v. Nghịch lý là ở chỗ, ban hành quy định “cấm” hình như là chất xúc tác để đám đông tò mò hơn về xuất bản phẩm có vấn đề và vô tình hay cố tình, cuốn sách ấy trở thành một món hàng được nhiều người lùng mua để thõa mãn sự tò mò của mình. Hàng loạt cuốn sách bị ngưng phát hành hoặc thu hồi nhưng không vì thế mà biến mất trên thị trường, ngược lại nó trở thành món hàng độc cho những tay in sách lậu. Và kết quả là, sách cấm được nhiều người lùng mua.
Gần đây, cuốn Đại gia bị thu hồi vì nội dung bộ tiểu thuyết mang tính chất cường điệu quá mức cùng với những nhận định, đánh giá chủ quan, một chiều của tác giả ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội.Trên thực tế, khi đến phố bán sách Nguyễn Xí (Hà Nội), ồn ào tấp nập, trên quầy của các nhà sách không hề có cuốn Đại gia bày bán nhưng khi hỏi nhà sách H thì chị bán hàng nói: 300.000đ/bộ xịn và 200.000/ 1 bộ in không đánh dấu trang, em lấy bộ nào? Và như vậy, Thiên Sơn- một tác giả bình thường nay tên tuổi trở nên nổi tiếng…
Sau “Đại gia” là cuốn “Xách balo lên và đi” của Huyền Chip, trên khắp các trang mạng, thông tin thật là phong phú với những: Sự thật, những bóc mẽ, những Huyền chị, Huyền em của những anh hùng bàn phím… Bất luận là gì, và cuốn sách sẽ bị xử lý như thế nào nhưng tên tuổi của cuốn sách và tác giả của nó qua cuộc bút chiến trên các phương tiện truyền thông đã nổi như cồn. Và ngoài kia, bao nhiêu người đang cố mua bằng được cho mình cuốn sách của Huyền chip kẻo lỡ mai này nó bị cấm…
Bài toán khó cho nhà quản lý
Xuất bản phẩm có vi phạm thì đình chỉ phát hành có thời hạn và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và phải sửa chữa mới được phát hành hoặc bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy (Điều 11 Luật Xuất bản 2012– xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản).
Căn cứ vào những quy định của Luật xuất bản, cơ quan chức năng sẽ quyết định xử lý đối với những xuất bản phẩm có vi phạm. Và tất nhiên, mỗi khi quyết định được ban hành thì mong muốn của nhà quản lý là quyết định của mình phải có một hiệu lực tuyệt đối. Bên cạnh đó, người trong cuộc (tác giả; người làm sách) cũng phải tuân thủ và phải có những biện pháp bảo vệ sản phẩm của mình để những kẻ in lậu không có cơ hội tát nước theo mưa, tranh thủ cơ hội kiếm tiền; Để những luật định được thi hành một cách có hiệu quả.
Thế nhưng mong muốn ấy vẫn chưa thể trở thành hiện thực bởi: sự tò mò của độc giả, những chiêu thức truyền thông quá đáng. Và một vấn đề nghiêm trọng hơn là cơ quan chức năng cũng bị “lợi dụng” cho sự kiện PR này thông qua các quy định của pháp luật.
Trở lại những cuốn sách đã từng bị đình chỉ, đằng sau câu chuyện này sẽ tồn tại những nghịch lý; sách vẫn bán chạy, tác giả thì nổi tiếng và sự hờn trách của người làm sách với người làm quản lý, các nhà quản lý thì đau đầu với các chiêu trò truyền thông dưới mọi hình thức, bạn đọc thì có cơ hội đặt lên bàn cân để đong đếm những giá trị thuộc về các nhân, chủ quan. Trong một mớ những vấn đề phức tạp như vậy tìm ra đâu là phương pháp giải quyết hợp lý nhất? Đó vẫn là câu chuyện nan giải…
Thanh Nhàn