Vinpearl Safari tích cực xây dựng quy chuẩn đánh giá phúc lợi động vật
Từ ngày 20-22/4/2017, Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari phối hợp cùng Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á - SEAZA tổ chức hội thảo “Triển khai mô hình Hướng dẫn đánh giá và công nhận đạt chuẩn Phúc lợi động vật cho vườn thú”.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Tổ chức phúc lợi động vật hoang dã (Wild Welfare), Hiệp hội vườn thú Úc (ZAA)…
Tại Hội thảo, các chuyên gia của các vườn thú thành viên đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam đã thảo luận và đi đến thống nhất việc xây dựng biểu mẫu, bộ tiêu chí đánh giá đánh giá phúc lợi động vật quốc tế.
Theo đó, SEAZA đã nhất trí áp dụng mô hình “5 Quy tắc” cam kết phúc lợi động vật (The 5 domains model) bao gồm: Dinh dưỡng, Môi trường, Sức khỏe, Tập tính, Trạng thái tinh thần cho các vườn thú thành viên. Cụ thể, động vật tại các vườn thú được xem là có tiêu chuẩn phúc lợi cao nếu có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, được cung cấp đủ nước sạch, chuồng nuôi đủ rộng, an toàn, phù hợp với động vật, vệ sinh tốt, động vật khỏe mạnh, được khám chữa sức khỏe định kỳ, duy trì các tập tính tự nhiên và hoàn toàn thoải mái, không sợ hãi, không bị đau đớn, khó chịu…
Việc đánh giá vườn thú của SEAZA theo quy chuẩn “5 Quy tắc” nhằm xác định các vấn đề còn tồn tại, tiến tới cải thiện và nâng cao điều kiện phúc lợi động vật trong các vườn thú trong khu vực Đông Nam Á.
Quy chuẩn đánh giá phúc lợi động vật là bước tiến quan trọng của SEAZA nhằm đẩy mạnh các hoạt động dài hạn cải thiện tiêu chuẩn phúc lợi cho động vật. Đây cũng là lần đầu tiên, các tiêu chuẩn được quan tâm hàng đầu về phúc lợi động vật chính thức được đưa vào quy trình đánh giá chung của Hiệp hội.
Bên cạnh việc tích cực xây dựng Quy chuẩn đánh giá phúc lợi động vật, trong ba ngày hội thảo, các thành viên SEAZA đã tham gia khóa huấn luyện chuyên sâu về phúc lợi động vật do các chuyên gia của Wild Welfare và Hiệp hội vườn thú Úc chia sẻ, hướng đến mục tiêu triển khai đánh giá và cấp chứng nhận cho các vườn thú là thành viên của SEAZA đạt chuẩn.
Là vườn thú bán hoang dã có quy mô bậc nhất khu vực, Vinpearl Safari luôn tích cực, chủ động tiếp cận vấn đề nâng cao phúc lợi động vật cùng Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á – SEAZA và Hiệp hội vườn thú Việt Nam – VZA. Trước đó, tháng 4/2016, tất cả cán bộ nhân viên chăm sóc động vật đang làm việc tại Vinpearl Safari cũng đã được tham gia Khóa tập huấn với các chuyên gia của SEAZA với chủ đề “Nâng cao phúc lợi động vật”.
Tuy mới chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2015, Vinpearl Safari đã được đánh giá là thành viên chính thức rất tích cực của SEAZA, liên tục tổ chức các hoạt động đào tạo, hội thảo nhằm nâng cao ý thức bảo tồn động vật quý hiếm nói chung và cập nhật kiến thức về phúc lợi động vật. Trong năm 2016, Vinpearl Safari đã đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ I của Hiệp hội vườn thú Việt Nam – VZA; Hội thảo Bảo tồn loài Heo vòi và Đười ươi Borneo Châu Á. Bên cạnh đó, Vinpearl Safari cũng đứng ra tổ chức, hỗ trợ cho những hội thảo của các tiểu ban thuộc SEAZA như Tiểu ban quản lý loài (2016), Tiểu ban bảo tồn và Tiểu ban Phúc lợi động vật và tiêu chuẩn đạo đức (2017)…
Tại Việt Nam, Vinpearl Safari đã trở thành hình mẫu về việc chăm sóc và bảo tồn động vật, đặc biệt trong việc tổ chức sinh trưởng thành công cho nhiều loài động vật quý hiếm như Hổ Bengal, Sư tử, Linh dương Đông Phi, Linh dương Nyala, Linh dương Impala, Linh dương đen Ấn Độ, Bò sừng dài, Vooc bạc, Vượn má vàng…
Thông tin tham khảo:
Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari Phú Quốc do Tập đoàn Vingroup đầu tư là vườn thú bán hoang dã đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam xây dựng theo mô hình Safari thế giới. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô 380ha, gồm hai phân khu chính: khu vườn thú mở (open zoo) dành cho khách tham quan giữa các khu vực nuôi thú mở, hài hòa với thiên nhiên; khu bán hoang dã (safari park) chở khách tham quan bằng xe chuyên dụng để tham quan thú thả độc đáo, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Hiện Vinpearl Safari đã có khoảng 3.000 cá thể thuộc hơn 170 chủng loài, được sưu tầm, bảo tồn từ các động vật hoang dã quý hiếm địa phương, đồng thời quy tụ từ nhiều vùng địa sinh học đặc trưng trên thế giới như Nam Phi, Châu Âu, Úc, Mỹ... như Hổ Bengal, Bò tót, Chuột túi, Ngựa vằn, Hươu cao cổ, Hà Mã, Hồng hạc… trong đó đặc biệt có những động vật quý hiếm, nguy cấp hàng đầu như Tê giác, Vượn cáo trắng đen, Vượn má vàng, Vọoc bạc, Linh Dương sừng kiếm Ả rập...
Tổ chức phúc lợi động vật hoang dã (Wild Welfare) là tổ chức quốc tế hoạt động với cam kết cải thiện tiêu chuẩn phúc lợi cho động vật tại các vườn thú, cơ sở bảo tồn động vật trên toàn thế giới. Trong những năm qua, Wild Welfare đã luôn bền bỉ xây dựng các chương trình và triển khai các hoạt động tích cực nhằm hướng đến những giải pháp lâu dài trong thay đổi nhận thức và cải thiện phúc lợi động vật.
Thông qua việc hợp tác với các vườn thú, khu bảo tồn động vật uy tín trên thế giới, Wild Welfare không ngừng cố gắng vì một môi trường sống tốt hơn về mọi mặt cho các loài động vật. Trong thời gian qua tổ chức Wild Welfare đã tích cực tham gia vào việc xây dựng Chiến lược về phúc lợi động vật của Hiệp hội các vườn thú thế giới (WAZA) và tích cực đóng góp vào việc cải thiện hình ảnh các cơ sở động vật hoang dã theo hướng nâng cao điều kiện nuôi với tinh thần xây dựng.