Viettel và triết lý 4Any

Sau 10 năm tham gia thị trường, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) được đánh giá là mạng viễn thông có tốc độ phát triển nhanh nhất trong nước và hiện doanh nghiệp này đang vươn ra thị trường toàn cầu.

Ông Dương Văn Tính - Phó tổng giám đốc Viettel nói về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp này.

Người ta nói nhiều về chiến lược "đại dương xanh" trong kinh doanh, ông có ý kiến gì khi các đánh giá rằng Viettel có quá nhiều ưu thế để thực hiện chiến lược "đại dương xanh" đó, vì thế dù là nhà đầu tư đi sau trong lĩnh vực viễn thông nhưng vẫn dễ dàng thành công?

Có hẳn một quyển sách khá dày nói về Đại dương xanh. Nhưng nói ngắn lại thì cái chiến lược này có thể gói gọn trong một câu là: người ta nhảy vào thì mình nhảy ra và ngược lại. Hoặc ngắn nữa, chỉ có một từ là “sự khác biệt”. Nhưng nói Viettel thực hiện chiến lược này thì không đúng.

Vì bản chất, khi Viettel bước vào thị trường viễn thông, những nơi dễ đầu tư nhất, những lớp khách hàng tiềm năng nhất đã được các nhà cung cấp đi trước hàng chục năm khai phá, chiếm lĩnh. Viettel buộc phải tìm ra con đường đi riêng của mình.

Đó là khó khăn, thách thức rất lớn đối với một doanh nghiệp non trẻ, ít vốn, ít kinh nghiệm. Chứ không phải như bạn nói là ưu thế để mà thành công.

Viettel không giấu tham vọng về mục tiêu nằm trong top 10 công ty lớn nhất thế giới trong đầu tư nước ngoài về viễn thông, tuy nhiên đó vẫn chỉ đang là tham vọng, những cơ sở nào cho mục tiêu tham vọng này?

Đúng, đây thực sự là tham vọng. Vì nếu nhìn thực tế, chúng ta đi sau các nước khác về đầu tư nước ngoài vào viễn thông đến 20 năm. Việt Nam lại chưa phải là một thương hiệu về đầu tư công nghệ cao, xuất khẩu chuyên gia…

Vậy cơ sở nào cho những tham vọng của Viettel? Như đã nói ở trên, chúng ta đi sau nên những mảnh đất mầu mỡ đều đã có người khai phá và chỉ còn những nơi cực kỳ khó khăn.
 
Viettel và triết lý 4Any - 1
Ông Dương Văn Tính.

Và trong tổng số khoảng 30 nhà đầu tư viễn thông quốc tế, Viettel là nghèo nhất. Chính vì nghèo, lại trưởng thành ở một thị trường cũng nghèo nên chúng tôi có nhiều kinh nghiệm để kinh doanh ở những thị trường khó khăn.

Chẳng hạn như kinh nghiệm mạng lưới đi trước, kinh doanh theo sau, kinh nghiệm hướng đến người tiêu dung có thu nhập thấp… mà chúng tôi đã đúc kết thành triết lý 4Any (anytime: mọi lúc, anywhere: mọi nơi, anybody: mọi người, anyprice: mọi giá).

Điều đó có nghĩa là Viettel sẽ chỉ nhắm đến các thị trường còn kém phát triển?

Đó là những mục tiêu ban đầu. Nhưng khi chúng tôi đặt chân sang Haiti, báo chí nước ngoài đã nhận định Viettel sẽ thành công ở thị trường này, vì họ nhìn thấy người Viettel tự thuê nhà, tự nấu ăn trong khi các công ty khác muốn kinh doanh tại đây thì phải thuê khách sạn 4 sao cho nhân viên ở.

Dám đương đầu với khó khăn, không ngại gian khổ đã trở thành một tài sản vô giá của người Viettel. Vì vậy, rất có thể, chúng tôi sẽ không dừng ở các thị trường kém phát triển mà sẽ thử sức ở ngay cả những thị trường đã phát triển nữa.

10 năm qua, Viettel đã kiên trì thực hiện triết lý 4 any, nhưng thời gian tới, khi mà sóng đã phủ ở khắp nơi, mọi người đều đã được tiếp cận với viễn thông và Internet, vậy Viettel sẽ thực hiện triết lý này với như thế nào, có gì thay đổi hay bổ sung nội dung mới không?

Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục duy trì triết lý này. 4 any đã hoàn thành như bạn nói là mới chỉ ở lĩnh vực dịch vụ di động 2G, chúng tôi sẽ còn phải thực hiện tiếp ở 3G và các lĩnh vực khác nữa. Vẫn còn có rất nhiều việc phải làm.

Thị trường viễn thông Việt Nam thật ra vẫn đang gặt hái doanh thu từ những dịch vụ rất cơ bản, tầm nhìn của Viettel ra sao khi thị trường luôn đòi hỏi một nền viễn thông có giá trị gia tăng cao hơn và phát triển có chiều sâu?

Giờ đây khi sóng điện thoại đã len lõi vào từng ngõ  xóm, nhu cầu viễn thông cơ bản (nghe, gọi, tin nhắn) đã được đáp ứng. Nhưng triết lý 4Any vẫn cần tiếp tục thực hiện ở những khía cạnh mới.

Chúng tôi cho rằng, liên tục mở rộng các khía cạnh thị trường nhưng xuyên suốt triết lý này chính là một căn nguyên cơ bản của phát triển viễn thông một cách bền vững và có chiều sâu. Cụ thể, khi người ta đã bắt đầu nói đến sự bão hòa của thị trường, nhưng chúng tôi lại thấy ngành viễn thông còn rất nhiều việc phải làm.

PV (thực hiện)