Vì sao hàng loạt nhà máy xăng sinh học nghìn tỷ đồng "sống dở chết dở"?
Đến nay, 3 dự án sản xuất năng lượng sinh học có liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên của Tập đoàn đang phải dừng sản xuất. Trong khi đó, các nhà máy năng lượng sinh học của các nhà đầu tư khác cũng đang trong tình trạng tương tự, đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng
Hàng loạt nhà máy xăng sinh học "sống dở chết dở"
Theo Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hàng loạt nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đã ra đời nhằm cung cấp cồn ethanol để pha chế xăng E5 phục vụ nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, đến nay, 3 dự án sản xuất năng lượng sinh học có liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên của Tập đoàn đang phải dừng sản xuất.
Trong số đó, có nhà máy Ethanol Bình Phước do Công ty TNHH Năng lượng sinh học Phương Đông làm chủ đầu tư, Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản) chiếm cổ phần chi phối (49% vốn), Công ty LICOGI 16 (22% vốn) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) thuộc Tập đoàn chỉ góp vốn 29% cổ phần. Nhà máy được hoàn thành với chất lượng tốt.
Khi các bên đối tác quyết định đầu tư nhà máy này, giá dầu để sản xuất xăng khoáng đang ở mức đỉnh là trên 140 USD/thùng, hiện nay chỉ còn xấp xỉ 50 USD/thùng. Xăng sinh học có giá thành cao hơn xăng khoáng, nay xăng khoáng có giá thấp như vậy nên việc tiêu thụ xăng sinh học rất khó khăn, càng sản xuất càng lỗ. Các nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu được xây dựng từ những năm 2008 - 2010, thời điểm đó giá sắn (nguyên liệu đầu vào) chỉ khoảng 2.000 đồng/kg.
Từ năm 2011 đến nay, giá sắn lát luôn trên mức 3.500 đồng/kg, có thời điểm lên 4.500 - 5.000 đồng/kg đã khiến giá thành sản phẩm ethanol tăng cao. Tập đoàn Itochu đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho Công ty Toyo Thái Lan. Cổ đông chính của dự án là Toyo Thái Lan dự kiến sẽ vận hành trở lại nhà máy vào năm 2018 với điều kiện thị trường thuận lợi.
Nhà máy Năng lượng sinh học ở Quảng Ngãi do các đơn vị thành viên của Tập đoàn đầu tư cũng vào thời điểm giá dầu 140 USD/thùng. Theo tính toán, sản xuất ethanol để phối trộn thành xăng sinh học E5 lúc đó là rất hiệu quả và chủ động được nguồn cung. Song kể từ khi vận hành thương mại đầu năm 2014, nhà máy phải hoạt động cầm chừng.
Năm 2015, chỉ vận hành 4 đợt với tổng số 36 ngày/210 ngày theo thiết kế, sản lượng ethanol chưa đầy 7.000 m3 (khoảng 12% công suất), chủ yếu cung cấp cho PV Oil để phối trộn xăng E5, còn bán cho Công ty Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và các khách hàng tiêu thụ khác không đáng kể. Đến cuối tháng 4 năm nay, nhà máy buộc phải dừng sản xuất vì xăng E5 khó tiêu thụ, sẽ dẫn đến thua lỗ nếu cứ tiếp tục sản xuất ethanol.
Dự án thứ 3 là Nhà máy Năng lượng sinh học Phú Thọ. PV Oil góp vốn tại dự án này 39%. Trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, giá dầu sụt giảm sâu, đồng thời do năng lực nhà thầu xây dựng nhà máy cũng không được bảo đảm, do đó các chủ đầu tư quyết định tạm dừng dự án.
Được biết, hiện nay, các nhà máy năng lượng sinh học của các nhà đầu tư khác cũng đang trong tình trạng tương tự, đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng do cả thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều khó khăn vì các nước trong khu vực đều dư thừa nguồn cung.
Cần chính sách mang tính "bước ngoặt"
Theo lộ trình của Chính phủ, từ ngày 1/6/2016, tất cả các điểm bán xăng dầu tại 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu, đều phải triển khai bán xăng E5 và thay thế hoàn toàn xăng RON 92; các tỉnh, thành phố khác phấn đấu đạt 50% số lượng cửa hàng trên địa bàn bán xăng E5. Tuy nhiên, đến nay, đã 3 tháng trôi qua, tình hình vẫn dường như không có gì biến chuyển, thậm chí còn có xu hướng xấu đi.
Trao đổi mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương thừa nhận, khó khăn chính trong sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5 là giá ethanol nhiên liệu cao do giá sắn lát nguyên liệu tăng liên tục.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng, doanh nghiệp chưa mặn mà trong kinh doanh xăng E5 bởi cửa hàng bán E5 có doanh thu thấp, tỷ lệ chiết khấu xăng sinh học chưa hấp dẫn. Chênh lệch giá bán xăng chưa hấp dẫn và khuyến khích người tiêu dùng; người tiêu dùng sử dụng xăng khoáng theo thói quen dẫn đến sản lượng xăng E5 bán ra tại cùng một cửa hàng bán lẻ xăng dầu thấp hơn so với xăng khoáng cùng loại.
Đồng quan điểm, giới chuyên gia cũng cho rằng, trong khi người dân chưa mặn mà với xăng E5 thì hầu hết các doanh nghiệp phối trộn, kinh doanh xăng E5 hiện nay đều đang lỗ nặng do phải đầu tư thêm khá nhiều cơ sở vật chất như nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cột bơm, bể chứa… trong khi các ưu đãi về thuế, phí quá thấp, chưa hấp dẫn, khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư.
"Câu chuyện làm thế nào để đưa xăng sinh học E5 ra thị trường hiện đang còn rất nhiều tranh luận, nhiều việc cần phải được tháo gỡ từ phía Bộ Công Thương, Bộ Tài chính rồi đến các tỉnh, thành và doanh nghiệp đầu mối. Nếu không kịp thời có chính sách mang tính “bước ngoặt”, e rằng sẽ không cứu được các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (cồn ethanol) được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng", một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng từng khẳng định, các Bộ Công Thương, Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu tổ chức hệ thống phân phối để tiếp nhận xăng sinh học theo lộ trình đã được phê duyệt, đảm bảo phân phối xăng sinh học thuận lợi như xăng khoáng;
"Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế ưu đãi về thuế; phương pháp tính giá cơ sở đối với nhiên liệu sinh học và xăng E5, hướng dẫn việc quản lý, trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với nhiên liệu sinh học, trước mắt là xăng E5", đại diện Bộ Công Thương nói.
Phương Dung