Vì sao cuối 2015 mới trao đổi thông tin trong Cơ chế một cửa ASEAN?

Việc kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) đã được thực hiện giữa 4 nước gồm: Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin trong ASW giữa các nước phải đến cuối năm 2015 mới thực hiện.

Vì sao cuối 2015 mới trao đổi thông tin trong Cơ chế một cửa ASEAN? - 1

Việc trao đổi hàng hóa giữa các nước ASEAN sẽ thuận lợi hơn nhờ ASW. Ảnh: T.Bình.

Một cán bộ Cục CNTT và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Việc kết nối kỹ thuật là một bước đi quan trọng để có thể thực hiện việc trao đổi thông tin giữa các nước trong Cơ chế một cửa ASEAN. Theo kế hoạch, cuối tháng 9 này Singapore sẽ tiếp tục kết nối kỹ thuật để phục vụ việc trao đổi thông tin về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D (C/O Form D) vào cuối năm 2015.

Lý giải về việc trao đổi thông tin được thực hiện vào cuối năm 2015, vị cán bộ này cho biết, vì tháng 12-2015 là thời điểm Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện ASW có hiệu lực- đây là khung khổ pháp lý để các nước chính thức thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN.

Tại Lễ công bố thực hiện chính thức Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật ASW do Việt Nam tổ chức ngày 8-9 vừa qua, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết: Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện ASW nhằm điều chỉnh các khía cạnh pháp lý của việc hoàn tất thực hiện Cơ chế này trong khu vực, vừa được tất cả các nước thành viên ASEAN ký.

Theo Tổng Thư ký Lê Lương Minh, những lợi ích của việc thực hiện ASW sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong những năm tới, khi các nước thành viên ASEAN thực hiện các chương trình tạo thuận lợi hơn cho thương mại và thực thi NSW.

“Khi tất cả 10 Cơ chế một cửa quốc gia được tích hợp qua ASW thì ASEAN có thể sẽ trở thành khu vực có điều kiện giao thương dễ dàng nhất trên thế giới”- Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh.

Theo T.Bình
Báo Hải Quan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm