Tham vọng cải tiến độ an toàn các cao ốc của công ty công nghệ Việt

(Dân trí) - Hiện nay, ứng dụng công nghệ cao trong công tác phòng chống cháy nổ đang là một xu hướng trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, nhiều nơi thiết bị chữa cháy còn lạc hậu, tiêu chuẩn về an toàn cháy nổ ở mức thấp. Công ty công nghệ “made-in-Vietnam” này mong muốn ứng dụng những giải pháp PCCC thông minh vào công trình cao tầng.

IBS - tham vọng mới của ngành công nghệ Việt

Khi được chính phủ giao cho thi công dự án trọng điểm Trung tâm hội nghị quốc gia để chào mừng Đại Lễ 1000 năm Thăng Long (2006), công ty Cổ phần Giải Pháp Tòa Nhà Thông Minh (IBS) là công ty Việt Nam đầu tiên có thể sử dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến hàng đầu như hệ thống quản lý tòa nhà BMS, hệ thống điều khiển chiếu sáng EIB, CCTV, v.v. trong một công trình xây dựng; đưa Trung tâm hội nghị quốc gia trở thành công trình kiến trúc tiêu biểu với hệ thống an ninh, kĩ thuật và quản lý tòa nhà hiện đại vào bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Thời gian tiếp theo, IBS không ngừng phát triển, từng bước trở thành đối tác quan trọng trong khu vực của những hãng sản xuất lớn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ như Honeywell, Tyco, Johnson Controls, ABB, Schneider v.v.

Đến thời điểm hiện nay có thể thấy được, các chiến lược phát triển của IBS trong những năm gần đây đã cho thấy tham vọng lớn và rõ ràng hơn của công ty này, khi không chỉ dừng ở câu chuyện của một nhà tích hợp hệ thống, IBS còn đảm nhiệm cả vai trò tổng thầu EPC cho các dự án phong điện và điện mặt trời có mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Anh Tiến - Chủ tịch HĐQT - chưa muốn tiết lộ tên và thông tin chi tiết về những dự án năng lượng tái tạo công ty đang thực hiện, ông chỉ hứa hẹn rằng chắc chắn các dự án này khi hoàn thành sẽ khiến mọi người bất ngờ về bước tiến xa trong khả năng làm chủ công nghệ, cũng như trình độ mà một công ty Việt có thể đạt được.

Tiến vào địa hạt PCCC để mở rộng thị phần

Một trong những vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm bức thiết là tình trạng cháy nổ trên địa bàn cả nước đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ thiệt hại. Trên thế giới có rất nhiều giải pháp PCCC ưu việt, nhưng những gì hiện hành ở các tòa nhà Việt Nam lại lạc hậu hơn so với thế giới hàng chục năm, bởi vì cơ hội tiếp cận trang thiết bị, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực an toàn cháy nổ ở nước ta còn khá hạn chế.

Do đó, trước khi tiến công bằng các hoạt động thương mại, IBS đã giành đến vài năm liền để “xây dựng” thị trường, thông qua tổ chức đào tạo thường xuyên cho đội kỹ sư hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp kỹ sư trẻ - chủ nhân thiết kế của các hệ thống PCCC và chịu trách nhiệm trực tiếp cho sự an toàn của tòa nhà từ hiện tại đến tương lai, thực hiện các công tác “nhiệt đới hóa” giải pháp công nghệ để phù hợp với Việt Nam hay hỗ trợ cơ quan ban ngành trong việc xây dựng quy định và tiêu chuẩn, v.v.

Ông Nguyễn Anh Tiến - Chủ tịch HĐQT IBS (Bên phải) - trò chuyện cùng cơ quan chức năng trong một chương trình về công nghệ PCCC do IBS tổ chức
Ông Nguyễn Anh Tiến - Chủ tịch HĐQT IBS (Bên phải) - trò chuyện cùng cơ quan chức năng trong một chương trình về công nghệ PCCC do IBS tổ chức

“Johnson Controls - Hội thảo công nghệ PCCC cho công trình cao tầng và công nghiệp” được IBS tổ chức vào ngày 16-17/10 ở Hà Nội và 19/10 ở TP.HCM vừa qua cũng là một phần của chuỗi chương trình trên. Buổi hội thảo quy tụ tất cả bên liên quan trong công tác an toàn phòng chống cháy nổ cho các dự án dân dụng và công nghiệp, bao gồm đơn vị chính phủ, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, nhà cung cấp.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tiến cho biết: “Những chủ đầu tư lớn như Vinhomes, FLC, v.v. cũng đang đau đáu về vấn đề này, bởi vì khách hàng ngày càng khó tính hơn, họ yêu cầu một dự án BĐS cao cấp phải được ứng dụng hệ thống PCCC tối tân, chứng minh mức độ an toàn của tòa nhà. Vì thế, sự kiện này là một cơ hội để chúng tôi giới thiệu những giải pháp ưu việt hiện nay đến các bên”.

Đối tác đồng hành cùng IBS trong buổi hội thảo là Johnson Controls - tập đoàn đa quốc gia đầu ngành với gần 150 năm kinh nghiệm. Vào năm 2016, Johnson Controls đã mua lại thương hiệu số một thế giới trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp về an toàn và phòng cháy - Tyco, tạo nên một “nhà lãnh đạo toàn cầu trong vấn đề xây dựng sản phẩm, công nghệ, giải pháp tích hợp và lưu trữ năng lượng”.

Tại buổi hội thảo, Johnson Controls đã giới thiệu với người tham gia về những tiêu chuẩn an toàn phòng chống cháy nổ hiện hành nhất trên thế giới, các giải pháp và sản phẩm công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực PCCC như các dòng tủ báo cháy, hệ thống báo cháy Simplex. Đáng chú ý nhất tại buổi hội thảo chính là giải pháp chữa cháy ngoài tòa nhà tự động bằng cánh tay rô bốt cho các công trình cao tầng - Spraysafe, giải pháp đã được kiểm tra và xác nhận bởi các tổ chức độc lập trên thế giới, trong đó có lực lượng Hải quân Hoa Kỳ.

Cận cảnh giải pháp chữa cháy bên ngoài tòa nhà tự động bằng cánh tay rô bốt Spraysafe
Cận cảnh giải pháp chữa cháy bên ngoài tòa nhà tự động bằng cánh tay rô bốt Spraysafe

Gần như không thể xử lý các đám cháy ngoài nhà, bởi vì cháy bên ngoài tòa nhà không \thể dập được từ bên trong, hơn nữa hầu hết các thang chữa cháy chỉ đạt 30-60m và nước cũng chỉ tiếp cận được vị trí cao hơn khoảng 30m tính từ thang, nên với những tầng nhà ở quá chiều cao trên thì nước không thể nào tiếp cận được. Do đó sự ra đời của SpraySafe chính là chìa khóa cho vấn đề bế tắc mang tính toàn cầu trên.

Với khả năng báo cháy nhanh chóng, can thiệp với tốc độ cao, triển khai ở mọi độ cao và tự động hoàn toàn, SpraySafe hứa hẹn sẽ trở thành giải pháp chữa cháy hiệu quả cho bên ngoài tòa nhà. Nhờ hệ thống phát hiện & định vị, nhắm mục tiêu & chữa cháy, cài đặt lại từ xa & chế độ chờ hoàn toàn tự động, cho phép SpraySafe phản ứng trong thời gian ngắn (tính bằng giây) và trực tiếp giải quyết đám cháy nhỏ đang phát triển tại mọi độ cao của mặt ngoài tòa nhà.

Hệ thống bao gồm 5 thành phần chính: 2 thiết bị phát hiện ngọn lửa bằng hồng ngoại FV300 được lắp đặt bên ngoài tòa nhà; Robot trụ nước cứu hỏa và vòi phun Boom được giấu trong tòa nhà; van xả tràn Deluge với thiết bị điều chỉnh có thể cài đặt lại từ xa để mở và đóng nguồn cấp nước cho trụ nước cứu hỏa; PLC & Phần mềm tự động điều khiển, định vị hệ thống; cùng giao diện người dùng, máy chủ của web (tùy chọn) cho phép điều khiển từ PC và điện thoại thông minh. Phạm vi tiếp cận của Robot trụ nước cứu hỏa và diện tích phủ của hệ thống khác nhau tùy theo áp lực nước và kích thước lỗ (K26, K30) được chọn, khả năng hiệu chỉnh hệ thống cho phép thiết kế linh hoạt tùy thuộc vào kích thước tòa nhà, tuy nhiên mỗi hệ thống phủ được tối thiểu diện tích 50m x 50m (165ft x 165ft) - tương đương 15-17 tầng nhà.

Các khách mời thử nghiệm Spraysafe
Các khách mời thử nghiệm Spraysafe

Ông Nguyễn Anh Tiến chia sẻ, “Sau khi thuyết phục được Johnson Controls lựa chọn Việt Nam là một trong những quốc gia có mặt trong roadshow tour toàn cầu giới thiệu SpraySafe, IBS quyết định tổ chức hội thảo ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng mong muốn tìm được một công trình có thể thí điểm SpraySafe, bởi đây là một giải pháp cực kỳ cần thiết và hữu ích cho các tòa nhà cao tầng”

Tương lai của ngành PCCC ở Việt Nam

Có thể nói, để Việt Nam sở hữu một hệ thống chữa cháy tòa nhà tự động hóa 100%, với những yêu cầu khắt khe về công nghệ, nhân sự, lẫn đòi hỏi cao về mặt tiền bạc, chi phí như ở nước ngoài, thì vẫn còn là một chặng đường rất dài, không những cần sự hỗ trợ của các bộ ban ngành để xây dựng ra một hệ thống quy chuẩn về an ninh an toàn, mà còn đòi hỏi sự chung tay của các bên liên quan để tạo nên một môi trường sống và làm việc tốt đẹp cho người dân.

Theo ông Nguyễn Anh Tiến - “Không khó để nhận ra những điểm sáng của thị trường Việt Nam, khi các cơ quan chính phủ tích cực tiếp thu các công nghệ và kiến thức tiên tiến từ những chuyên gia nước ngoài, hay không ngừng nghiên cứu đưa thêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Người dân bây giờ bắt đầu nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc đảm bảo phòng chống cháy nổ đối với công trình, họ yêu cầu các tòa nhà phải chứng minh được mức độ an toàn của mình, do đó các đơn vị chủ đầu tư cũng phải thực sự quan tâm đến công tác PCCC, xác định được đây vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của chủ đầu tư, chấp nhận đầu tư thêm nhiều tỷ đồng để hoàn thiện các trang thiết bị theo yêu cầu”.

Chung quy lại, an toàn PCCC không phải chuyện của riêng cá nhân, đơn vị hay cơ quan nào, mà là một câu chuyện trường kỳ của toàn thể xã hội cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với những bước tiến xa về công nghệ đã thực hiện được, liệu IBS có phải đang viết nên những trang sử mới cho giấc mơ công nghệ của người Việt?