Tâm sự của một giám đốc khởi nghiệp bằng nghề…bốc vác

“Tôi không sử dụng chiêu bài gì hết, chỉ duy nhất một nguyên tắc cũ kỹ nhưng không bao giờ sai, đó là chữ Tín”. Lời tâm sự chân thành của Lương Đình Dũng-giám đốc điều hành của một công ty truyền thông khá tiếng tăm trên thị trường. Bí quyết thành công của anh chính là chữ Tín, sự nhiệt thành trong công việc và luôn luôn chú trọng đến yếu tố con người.

Chỉ sau một thời gian ngắn xây dựng thương hiệu Tứ Vân (TAC) đã trở thành một thương hiệu uy tín. Có phải, đó là do gặp thời?

 

Trong thành công của Tứ Vân có sự giúp đỡ của bạn bè và gặp may mắn nữa, tôi từng làm thợ rèn, thợ gầm lò, bốc xếp, thợ khai thác mỏ…làm mãi chỉ đủ ăn, đã khiến tôi hiểu rằng, phải học hành tử tế kiếm nghề mới mong ngẩng mặt lên được. Rồi tôi đi thi đại học và trở thành sinh viên của trường Sân khấu Điện ảnh.

 

Vào trường lại lo lúc ra trường vào đâu, năm học thứ 2 tôi quyết định mở công ty để làm quảng cáo. Để công ty có uy tín như hiện nay, tôi đã trải qua nhiều năm lăn lộn trên thị trường, làm đủ nghề, từ nhân viên nghiên cứu thị trường, viết kịch bản thuê, đạo diễn thuê… miễn sao có tiền.

 

Khi bắt đầu thành lập, công ty chỉ vỏn vẹn ba người với…hai triệu đồng làm vốn. Tôi đạp xe đi gặp khách hàng, đến nơi cất xe để đi bộ và ban ngày vẫn phải đi làm thuê nơi khác để có tiền trang trải ước mơ “sự nghiệp” của mình. Khi mới bước chân vào thương trường, tôi đã gặp những thất bại thê thảm và đã từng suy sụp đến mức rụng trụi cả tóc.

 

Điều may mắn nhất là tôi đã không gục ngã ở giai đoạn khó khăn ấy. Bây giờ, TAC đã là một địa chỉ tìm đến của khá nhiều doanh nghiệp cần làm phim quảng cáo.

 

Lương Đình Dũng chính là tác giả một số kịch bản phim truyền hình đã phát sóng trên truyền hình:  Bạn già, Người chiếu đèn, Ôi bánh giầy.. và một số phim ngắn khác. Trong tháng 11 vừa qua , Công ty của anh đã  dành được liên tiếp dành được hai giải thưởng cao nhất dành cho chuyên ngành phim quảng cáo  trên truyền hình, đó là: “Quả chuông vàng” do ban giám khảo trao tặng và “Quả chuông vàng” do báo chí bình chọn. Năm 2005 TAC dành được cúp vàng “ Vì Sự tiến bộ xã  hội và phát triển bền vững” do Tổng Liên đoàn lao động việt Nam trao.

Thất bại và khó khăn là điều khó tránh khỏi đối với bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, anh đã thành công khá nhanh, bí quyết giúp anh trụ vững trên thị trường là...?

 

Một nguyên tắc cũ kỹ nhưng không bao giờ sai, đó là chữ Tín. Giữ chữ tín khó lắm, nó như bưng cốc nước sắp tràn, xảy cái là mất uy tín ngay, tôi không sử dụng chiêu bài gì hết. Mọi thoả thuận trong công việc đều rõ ràng, minh bạch. Sở dĩ TAC được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vì chúng tôi  làm việc nghiêm túc và nhận những gì xứng đáng với công sức mình bỏ ra.

 

Bên cạnh đó, tôi nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố con người, đặc biệt là đối với các công ty quảng cáo. Không bao giờ tuyển dụng nhân viên theo kiểu quen biết mà luôn thông qua một quy trình tuyển nhân sự chặt chẽ, nhân viên phòng sáng tạo của Tứ Vân có 90% là tuyển qua các cuộc thi .

 

Hiện nay, phần lớn nhân viên trong công ty là các bạn trẻ thế hệ 8X. Họ coi giám đốc như người anh cả và luôn tạo điều kiện để học nghề và phát triển khả năng. Không có chỗ cho sự kèn cựa hay “chơi xấu”. Một nguyên tắc ứng xử đối với họ, là không bao giờ nặng lời và hạ uy tín của nhân viên  trước mặt người thứ ba.

 

Nhân viên của anh chủ yếu là hệ 8X. Đặc điểm của họ là gì? Hiện nay, mức lương các bạn  nhận được là  bao nhiêu?

 

Họ cực kỳ năng động nhưng hơi…thực dụng. Tuy nhiên, đó chỉ là một giai đoạn nhất định trong quá trình trưởng thành của thế hệ. Điều đáng quý nhất ở các bạn là sự nhạy bén và khả năng làm việc rất cao. Họ thích làm việc và khao khát chinh phục chiến thắng…Tôi thấy hứng thú và thích làm việc với những bạn trẻ như vậy! 

 

Mức lương trung bình hiện nay của họ từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Với những người làm việc tốt, mức lương của họ có thể gấp nhiều lần. Tất cả tuỳ thuộc vào năng lực của họ.

 

Theo anh, ngành công nghiệp quảng cáo của Việt Nam sẽ còn phát triển đến đâu?

 

Các doanh nghiệp nước ngoài  khi vào kinh doanh tại Việt Nam đều đem theo công ty quảng cáo riêng, với những chiến lược tiếp thị dài hơi. Trong thời điểm nào đó họ đã lấn lướt các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt đều đã ý thức được giá trị của việc quảng cáo. Chính vì vậy, nhu cầu  về tiếp thị hình ảnh của các sản phẩm trong thị trường nội địa còn rất lớn. Ngành công nghiệp quảng cáo ở Việt Nam sẽ bước sang thời kỳ phát triển mạnh mẽ.

 

Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập WTO. Điều này có nghĩa sẽ có cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông. Tứ  Vân đã chuẩn bị gì trước thềm hội nhập?  

 

Gia nhập WTO là cơ hội và thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Thị trường sẽ có sự phân cấp rõ ràng. Rất khó có cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ bé muốn vươn lên một cách đột biến, nhưng lại có nhiều cơ hội nếu biết vận dụng tình thế, ngoài việc giữ uy tín và nâng cao đội ngũ làm việc chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ sử dụng sở trường trước, là ý tưởng, hiện tại TAC đã có hẳn trang web về ý tưởng để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh mới này.

 

Không dừng lại ở phim quảng cáo, chúng tôi đã hoàn thành một kịch bản phim truyền hình “những kẻ liều lĩnh” và một kịch bản phim truyện nhựa “gõ cửa lần thứ 29” để sang năm bắt tay vào sản xuất. Bộ phim nhựa này sẽ được đưa ra các rạp chiếu phim trên toàn quốc.  

 

Giờ đây anh có nghĩ mình đã là người thành đạt?

 

Tôi chưa nghĩ như vậy, tôi chỉ là người đã có việc làm ổn định!

 

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện!

 

Thanh Trầm (thực hiện)