Sở giao dịch hàng hóa: mở đường cho hàng hóa Việt Nam

Vừa qua, Bộ Công Thương đã cấp giấy phép hoạt động cho Sở giao dịch hàng hóa Triệu Phong - TPE. Đây là Sở giao dịch hàng hóa (SGDHH) đầu tiên tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo tính cạnh tranh cao cho hàng hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Đồng thời, cung cấp thêm một kênh mới cho giới đầu tư bên cạnh các kênh truyền thống như: tiền gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán, vàng và bất động sản…

Sở giao dịch hàng hóa: mở đường cho hàng hóa Việt Nam - 1

Nói về mục tiêu của Sở giao dịch hàng hóa, ông Nguyễn Duy Phương, Tổng giám đốc TPE cho biết, mô hình này sẽ cung cấp công cụ tài chính phái sinh (thông qua các hợp đồng tương lai) cho nhà đầu tư. Dù các hoạt động mua - bán hàng hóa đều được thực hiện qua sàn nhưng so với các sàn giao dịch hàng hóa đã và đang hoạt động, SGDHH có chức năng và quy mô lớn hơn.
 
Theo đó, các sàn do phía Ngân hàng triển khai chỉ được phép mở tài khoản cho các tổ chức hay doanh nghiệp, trong khi, Sở là “điểm dừng” cho cả các nhà đầu tư cá nhân, các nhà môi giới…
 
Ngoài ra, thay vì thực hiện các hợp đồng giao - nhận ngay (hàng hóa thật), các hợp đồng tương lai do Sở cung cấp đều tạo ra những cơ hội cho nhà đầu tư một khi họ dự đoán đúng và có sự biến động về mặt tỉ giá.
 
Sở giao dịch hàng hóa: mở đường cho hàng hóa Việt Nam - 2
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa trao giấy phép hoạt động cho Sở GDHH Triệu Phong
 
Đại diện của TPE tiết lộ, với mong muốn đưa hàng hóa Việt Nam hội nhập sâu rộng, cơ cấu hoạt động của TPE sẽ tương đồng với các SGDHH trên thế giới. Đây cũng là động thái để thu hẹp tình trạng chênh lệch về giá giữa hàng hóa Việt Nam so với thị trường chung, tránh trường hợp “được mùa, mất giá – được giá nhưng mất mùa”. Do đây là mô hình mới nên trong giai đoạn đầu, Triệu Phong sẽ xây dựng chương trình kiểm soát rủi ro nội bộ (chuẩn hóa các quy trình, quy chuẩn hoạt động của Sở, hoàn thiện các hệ thống công nghệ kiểm soát các giao dịch…).
 
Song song đó, TPE cũng tập trung phổ biến các sản phẩm, dịch vụ mũi nhọn đến nhà đầu tư và doanh nghiệp như: cung cấp các hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi, dịch vụ môi giới hàng hóa, dịch vụ giao nhận, tư vấn đầu tư, tài trợ thương mại... Được biết, tại buổi ra mắt, TPE đã tiến hành ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Techcombank và Công ty giao nhận CWT, công ty cổ phần chứng khoán SME, Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng HB… Đây không chỉ là các thành viên của Sở mà còn là đối tác chiến lược tham gia vào chuỗi giao dịch hàng hóa khép kín từ giao nhận – thanh toán cho đến cung cấp các dịch vụ tài chính, bảo hiểm rủi ro. Trước đó, TPE đã nhận được sự ủng hộ từ 3 hiệp hội, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là: Hiệp hội thép, cà phê và cao su. Thông qua đây, TPE sẽ thu hút được các thành viên: nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu…
 
Ông Nguyễn Duy Phương khẳng định, hàng hóa không chỉ đảm bảo được chất lượng mà còn tiết giảm được chi phí vận chuyển bởi tất cả những hoạt động này đều được chuẩn hóa và thực hiện khi các nhà đầu tư, nhà sản xuất giao dịch qua Sở. Song, để tạo tính ổn định cho các hoạt động, trong chiến lược ngắn hạn, chủ đầu tư Sở Giao dịch hàng hóa đầu tiên của Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước trước khi tiến tới liên kết với các SGDHH trên thế giới như: Luân Đôn, Nhật Bản và Singapore.
 
Nhận định bên lề
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Sự ra đời của Sở giao dịch hàng hóa Triệu Phong nhằm mục đích nâng cao vị thế các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bởi khi tham gia các hoạt động giao dịch hàng hóa tại Sở, các mặt hàng đều được áp dụng những quy chuẩn về chất lượng lẫn về giá cả (áp sát với giá trên thị trường quốc tế). Hiện, đã có 3 mặt hàng được Bộ Công Thương cấp phép giao dịch tại Sở là cà phê, cao su và thép,
 
Bà Bạch Thúy Hà – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Triệu Phong:Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới ở nhiều mặt hàng và xuất khẩu luôn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của Việt Nam. Song vẫn chưa có nơi tập trung hàng hóa lớn, do đó, chúng tôi hy vọng, sự ra đời của Sở giao dịch hàng hóa Triệu Phong sẽ tạo tính lưu thông cho hàng hóa Việt Nam trong xu thế mới, tạo tính bình ổ về mặt giá cả và nâng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
 
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam: Ước tính, cứ 10 cốc cà phê trên thế giới được thưởng thức mỗi ngày sẽ có một cốc xuất xứ từ Việt Nam. Do đó, sự ra đời của Sở giao dịch hàng hóa là quyết định rất quan trọng của Bộ Công thương nhằm giúp cho ngành cà phê phát triển. Trong khi, việc đi đầu của Triệu Phong trong lĩnh vực này nhằm cung cấp một kênh, cho phép các nhà đầu tư, kinh doanh cà phê Việt Nam nối mình với thị trường thế giới để tình hình giao thương cà phê sống động hơn.
 
Xuân Phong